Huy động 1.500 người, Việt Nam xây dựng công trình thoát lũ đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long từ hơn 200 năm trước
Dòng kênh này là chứng cứ lịch sử cho sự có mặt của người Việt đến khai mở vùng đất phương Nam.
Vùng đất An Giang - Kiên Giang ngày nay không chỉ được biết đến với những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và nền văn hóa đa dạng, mà còn mang trong mình những dấu ấn lịch sử quý báu từ thời kỳ khai phá của triều Nguyễn . Đặc biệt, nơi đây mang rất nhiều dấu ấn của Thoại Ngọc Hầu , trong các giai đoạn ông làm Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh hay Án thủ Châu Đốc kiêm Quản biên vụ trấn Hà Tiên .
Trước khi đào kênh Vĩnh Tế  - kênh đào lớn nhất lịch sử phong kiến Việt Nam, Thoại Ngọc hầu đã chỉ huy dân binh đào một con kênh lớn khác từ rạch Đông Xuyên (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang ngày nay) với ngọn Giá Khê (TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang ngày nay) vào năm 1818 - đó là kênh Thoại Hà (hay Thụy Hà).
Đến nay, kênh Thoại Hà đã có lịch sử trên 200 năm tuổi. Công trình này không chỉ là một kỳ tích về kỹ thuật và sức lao động mà còn là dấu ấn quan trọng, thể hiện sự có mặt và đóng góp của người Việt trong quá trình khai phá vùng đất mới.
Trong sách "Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang" (Nguyễn Văn Hầu, NXB Hương Sen năm 1972) ghi lại: “Một đường sông dài đầu tiên được đào tay ở miền Nam với mục đích phát triển lưu thông và thương mại”. Đây cũng được ghi nhận là công trình thoát lũ đầu tiên của nhà Nguyễn ở Đồng bằng sông Cửu Long .
Theo đó, sau khi thành lập (năm 1802), triều đình nhà Nguyễn chủ trương đẩy mạnh khai hoang  vùng đất phía Nam. Năm 1817, khi làm Trấn thủ Vĩnh Thanh, Nguyễn Văn Thoại kiến nghị lên vua Gia Long việc đào kênh Đông Xuyên, nối vàm rạch Đông Xuyên với ngọn Giá Khê, được triều đình chấp nhận.
Mùa xuân năm Mậu Dần (năm 1818), công việc đào kênh được tiến hành. Nguyễn Văn Thoại điều động khoảng 1.500 người chặt cây cối, nạo vét bùn lầy. Lương thực và thực phẩm của sưu dân trong thời gian đào kênh do triều đình đài thọ. Việc đào kênh vô cùng gian nan, vất vả.
Văn bia Thoại Sơn có viết:
"Mùa thu năm Đinh Sửu (năm 1817), lão thần kính, được vua trao ấn phù giữ trấn Vĩnh Thanh, mùa xuân năm Mậu Dần (năm 1818) vâng chỉ đốc suất đào kênh Đông Xuyên.
Từ ngày thụ mệnh vua, sớm khuya kính sợ, đốn cây rậm, bới bùn lầy, đào kênh dài đến 12.410 tầm, trải qua một tháng thì xong việc, nghiễm nhiên trở thành ra một sông to, luôn luôn ghe thuyền qua lại tiện lợi..."
Với sự quyết tâm điều hành của Nguyễn Văn Thoại, công việc tiến hành hơn 1 tháng là xong. Kênh nối liền Long Xuyên - Rạch Giá (đầu kênh là Ba Bần thuộc xã Vĩnh Trạch ngày nay), chiều dài hơn 31km.
Sự ra đời của kênh Thoại Hà đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của vùng đất, mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế và xã hội. Làng xóm ven bờ kênh dần được hình thành, đời sống của người dân được cải thiện và khu vực này trở thành một trong những trung tâm phát triển nông nghiệp và thương mại sầm uất.
Triều đình Nguyễn cũng đã ghi nhận công lao của Thoại Ngọc Hầu bằng cách đổi tên kênh thành kênh Thoại Hà và đổi tên núi Sập thành Thoại Sơn. Đồng thời, vua còn cho dựng miếu Sơn Thần và văn bia để tưởng nhớ công lao của ông. Từ đó, vùng đất Thoại Sơn vinh dự mang tên vị danh thần nhà Nguyễn, trở thành biểu tượng của sự kiên cường, nỗ lực khai phá và phát triển đất nước.
Dù đã trải qua hơn 200 năm, kênh Thoại Hà vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế và xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Những giá trị lịch sử và văn hóa của kênh Thoại Hà được thể hiện rõ trong các tài liệu và văn học dân gian.
Trong "Nam Kỳ phong tục diễn ca" (năm 1909) của Nguyễn Liên Phong, công trình này được mô tả với sự kính trọng và ghi nhận như một biểu tượng của sự nỗ lực không ngừng nghỉ của nhân dân thời bấy giờ:
"Đời Gia Long thập thất niên,
Ông Bảo hộ Thoại phụng truyền chỉ sai.
Đào kinh Lạc Dục rất dài,
Ngang qua núi Sập trong ngoài giao thông.
Rồi vừa một tháng nhơn công,
Giáp vô Rạch Giá thương nông đều nhờ."