Huy động 2.000m3 gỗ từ 47 tỉnh thành, xây dựng ‘siêu’ sân vận động 1,4 tỷ USD, sức chứa ‘khủng’ gấp 2 lần sân Mỹ Đình Việt Nam
Đây không chỉ là nơi tổ chức các hoạt động thể thao và văn hóa quan trọng, mà còn là biểu tượng cho trí tuệ, tư duy sáng tạo của quốc gia này.
Những sân vận động  bóng đá lớn nhất thế giới không chỉ là nơi tổ chức các trận đấu đỉnh cao mà còn được coi là biểu tượng nổi bật của các quốc gia sở hữu chúng. Với thiết kế hiện đại, quy mô hoành tráng và kiến trúc đẹp mắt, những sân vận động này đã trở thành điểm đến lý tưởng cho hàng triệu người hâm mộ môn thể thao vua từ khắp nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, trong số vô vàn sân vận động trên thế giới lại có rất ít sân vận động được xây dựng bằng gỗ . Một trong số đó không thể không nhắc đến sân vận động Quốc gia mới của Tokyo, nơi không chỉ tổ chức các sự kiện thể thao quan trọng mà còn là một kiệt tác kiến trúc, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.
Theo đó, sân vận động Quốc gia mới của Tokyo, được khánh thành vào tháng 12/2019 sau 3 năm xây dựng. Dự án này có tổng chi phí khoảng 1,4 tỷ USD. Sức chứa tối thiểu 65.000 chỗ ngồi ở chế độ đường chạy điền kinh, thêm 15.000 chỗ ngồi đơn giản có sẵn, cho phép sức chứa có thể tăng lên đến 80.000 chỗ. Với con số ‘khủng’ này, sức chứa của sân vận động Quốc gia mới của Tokyo gấp 2 lần 40.000 chỗ của sân Mỹ Đình Việt Nam.
Ngoài ra, điểm đặc biệt của Sân vận động Quốc gia mới của Tokyo phải kể đến việc sử dụng 2.000m³ gỗ, được thu thập từ 47 tỉnh thành trên khắp Nhật Bản. Một sự kết hợp tuyệt vời giữa truyền thống và hiện đại mà hiếm sân vận động nào có được.
Về thiết kế, sân vận động Quốc gia mới của Tokyo được xây dựng trên nền của sân vận động cũ, nơi đã từng được sử dụng cho Thế vận hội Tokyo năm 1964. Công trình mới này có cấu trúc gồm 5 tầng nổi và 2 tầng ngầm, được bao quanh bởi hàng chục nghìn cây xanh, tạo ra không gian hài hòa với thiên nhiên.
Được biết, thiết kế của sân vận động là tác phẩm của kiến trúc sư Kengo Kuma, người nổi tiếng với khả năng kết hợp vật liệu tự nhiên vào các công trình kiến trúc của mình. Kengo Kuma đã chia sẻ với CNN rằng, thiết kế của sân vận động được lấy cảm hứng từ kiến trúc của các ngôi đền thời Edo và vẻ đẹp tự nhiên của Nhật Bản. Ông đã sử dụng gỗ và các vật liệu tự nhiên để tạo ra một không gian gần gũi với thiên nhiên, đồng thời tôn vinh truyền thống văn hóa lâu đời của đất nước.
Ngoài ra, trên tầng 5 của Sân vận động Quốc gia mới ở Tokyo, còn có một lối đi bộ ngoài trời độc đáo mang tên "Grove of the Sky" (khu rừng trên không). Lối đi này được thiết kế với những chiếc ghế dài, các khóm hoa và cây xanh, tạo ra một không gian thư giãn và gần gũi với thiên nhiên ở độ cao khoảng 30m, chiều dài 850m. Lối đi này bao quanh sân vận động, mang đến cho du khách một trải nghiệm tuyệt vời khi dạo bước trên cao.
Khu vực "Grove of the Sky" sẽ mở cửa cho công chúng vào những ngày không diễn ra các cuộc thi hoặc sự kiện thể thao. Từ đây, du khách có thể thưởng ngoạn toàn cảnh thành phố Tokyo và thậm chí nhìn thấy núi Phú Sĩ nếu thời tiết thuận lợi. Đây không chỉ là một điểm nhấn kiến trúc đặc biệt của sân vận động mà còn là một nơi lý tưởng để thư giãn và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên và thành phố.
Có thể nói, sân vận động Quốc gia mới của Tokyo không chỉ là nơi tổ chức các hoạt động thể thao và văn hóa quan trọng của Nhật Bản, mà còn là biểu tượng cho trí tuệ, tư duy sáng tạo của người Nhật.
>> Sân vận động hiện đại sức chứa hơn 5.000 người nằm trên nóc tòa nhà