Huy động 500 tỷ đồng cùng công nghệ cao trục vớt con tàu 800 năm tuổi, phát hiện ra 'mỏ vàng' trị giá gấp 15 lần
Sau khi trục vớt thành công, người ta phát hiện ra nhiều hiện vật bên trong con tàu vẫn còn nguyên vẹn.
Theo kênh National Geographic của Mỹ, vào năm 1987, Công ty Maritime Exploration (Anh) và Công ty Guangzhou Salvage (Trung Quốc) đã khởi động một cuộc thám hiểm  lớn nhằm tìm kiếm xác tàu của Công ty Đông Ấn Hà Lan bị chìm vào những năm 1700 ở Biển Đông.
Trong quá trình khám phá vùng biển giữa Hồng Kông (Trung Quốc) và đảo Hailing (Quảng Đông, Trung Quốc), đội thám hiểm đã bất ngờ phát hiện một xác tàu buôn dài khoảng 30m, chứa đầy những kiện hàng từ những năm 1100. Trung Quốc đã quyết định đặt tên con tàu trong cuộc tìm kiếm này là Nanhai 1.
Theo thông tin từ các chuyên gia, tàu Nanhai 1 có niên đại vào thời Nam Tống (Trung Quốc) của thế kỷ XII. Thời kỳ này, triều đại Nam Tống sử dụng một tuyến đường trên biển được gọi là "Con đường tơ lụa trên biển". Con đường này nối liền Trung Quốc, Indonesia và quần đảo Spice, Ấn Độ, Ả Rập và Hy - La (Hy Lạp - La Mã) ở Địa Trung Hải. Tàu Nanhai 1 nhiều khả năng đã khởi hành từ cảng Quảng Đông, một trong những cảng quan trọng ở miền Nam Trung Quốc rồi gặp nạn và chìm ở khu vực gần đó.
Vị trí con tàu đắm được phát hiện ở Nanhai 1. Ảnh: National Geographic
Khi được tìm thấy, Nanhai 1 được bao phủ bởi một lớp bùn dày khoảng 1,8m. Dù đã nằm sâu dưới lòng biển suốt khoảng 800 năm nhưng nhiều hiện vật bên trong con tàu vẫn còn nguyên vẹn.
Trong suốt hai thập kỷ kể từ khi được phát hiện, Nanhai 1 vẫn nằm yên dưới đáy biển do thiếu công nghệ phù hợp để đưa con tàu cổ đại này lên mặt nước. Để bảo vệ con tàu này, Hải quân Trung Quốc đã thiết lập một khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, cấm mọi hoạt động của ngư dân xung quanh khu vực tàu chìm.
Đến tháng 12/2007, khi có công nghệ phù hợp, Trung Quốc đã tiến hành cuộc trục vớt lớn đối với tàu Nanhai 1. Được biết, quốc gia này đã chi khoảng 20 triệu USD (khoảng 500 tỷ đồng) để đưa con tàu lên mặt nước. Một lồng thép đặt làm riêng nặng 3.000 tấn đã được hạ xuống nơi có đống đổ nát. Các cảm biến đã được đặt dọc theo đáy biển để hộp có thể được dẫn hướng cẩn thận vào vị trí mà không làm hỏng bất kỳ vật liệu hàng thế kỷ nào bên dưới.
Đồ tạo tác được phát hiện trên con tàu Nam Hải số 1. Ảnh: Tân Hoa Xã
Sau khi được trục vớt, Nanhai 1 được đưa về Bảo tàng Con đường Tơ lụa ở Dương Giang để bảo tồn. Trong quá trình khai quật, người ta tìm thấy khoảng 60.000 - 80.000 cổ vật trên tàu. Thậm chí, trước khi tiến hành trục vớt toàn bộ con tàu, các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện hơn 4.000 hiện vật quý giá trong một cuộc khai quật thử nghiệm quy mô nhỏ. Được biết, toàn bộ số đồ này được xác định là cổ vật có niên đại từ thời Tống (960 - 1279) trong lịch sử Trung Quốc.
Bên cạnh những hiện vật quý giá như vàng bạc, tiền xu và đồ trang sức, tàu Nanhai 1 còn chứa một lượng lớn đồ gốm sứ với đa dạng kiểu dáng và màu sắc. Điều khiến các nhà khảo cổ kinh ngạc là chất lượng và độ bền của những món đồ gốm này. Theo nhận định của một chuyên gia hàng đầu về gốm sứ, những hiện vật này có chất lượng vượt trội so với nhiều hiện vật gốm sứ khác mà ông từng nghiên cứu.
Người ta ước tính “mỏ vàng” gồm đồ gốm sứ, vàng bạc, trang sức khổng lồ,... có tổng giá trị lên đến 300 triệu USD (khoảng 7.500 tỷ đồng), tức là gấp khoảng 15 lần số tiền Trung Quốc bỏ ra để trục vớt con tàu. Sau một quá trình phục chế tỉ mỉ, những hiện vật quý giá này đã được đưa về trưng bày tại Cung Pha Lê của Bảo tàng Con đường Tơ Lụa, thu hút đông đảo du khách đến tham quan .