Huy động ba máy khoan đường hầm khổng lồ, xây siêu dự án tàu điện ngầm không người lái dài 175km xuyên sa mạc lớn nhất thế giới, tiêu tốn hơn 22 tỷ USD
Đây được mệnh danh là một trong những hệ thống tàu điện ngầm hiện đại nhất thế giới và cho thấy tầm vóc phát triển của quốc gia này.
Theo The Wall Street Journal (WSJ) đưa tin, hệ thống tàu điện ngầm tại Riyadh, thủ đô của Ả Rập Xê-út , trải dài 175km băng qua một thành phố và một sa mạc với tổng mức đầu tư lên đến 22,5 tỷ USD. Đây được mệnh danh là một trong những hệ thống tàu điện ngầm hiện đại nhất thế giới và thể hiện tầm vóc phát triển của quốc gia này. Công trình tiên tiến này không chỉ là một dự án quy mô lớn mà còn thể hiện hình ảnh Ả Rập Xê-út là quốc gia tiến bộ và hiện đại.
Trong mười năm qua, Ả Rập Xê-út đã đầu tư hàng tỷ USD từ doanh thu dầu mỏ vào việc xây dựng các công trình hùng vĩ có thể tồn tại lâu dài. Quốc gia này đang chuẩn bị tổ chức hai sự kiện tầm cỡ thế giới: Triển lãm Thế giới (World Expo) 2030 và ứng cử viên hàng đầu để đăng cai World Cup  2034. Cả hai sự kiện đều có khả năng mang lại nguồn thu và tăng trưởng du lịch cho đất nước. Vì thế, việc hoàn thành công trình tàu điện lần này đã trở thành một cuộc đua quan trọng.
Mạng lưới tàu điện ngầm Riyadh sẽ gồm 6 tuyến, 85 nhà ga và 175km đường ray, trải dài khắp một thành phố được xây dựng trên cát. Đặc biệt, hệ thống này sẽ được tự động hóa hoàn toàn, không cần người lái. Ban đầu, dự kiến khai trương vào năm 2019 sau 5 năm xây dựng, nhưng hiện nay việc hoàn thành Riyadh Metro vẫn đang được chờ đợi.
Hầu hết các hợp đồng của Riyadh Metro đã được ký vào năm 2013. Các công ty kiến trúc, kỹ thuật và xây dựng toàn cầu đã cạnh tranh để tham gia vào dự án trị giá 22,5 tỷ USD này. Một trong những công ty được chọn là Zaha Hadid Architects, đã thiết kế dự án theo phong cách “kỷ nguyên vũ trụ”.
Vài năm trước, một số hình ảnh về nhà ga trung tâm lộng lẫy như khách sạn 5 sao đã được công bố. Mặt chính của nhà ga được thiết kế để đón ánh sáng tối đa nhưng vẫn ngăn chặn được cái nóng thiêu đốt của mặt trời sa mạc. Bên trong, nội thất rất sang trọng với các lối đi lát đá cẩm thạch.
Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống tàu điện ngầm khổng lồ này cũng đối mặt với nhiều thách thức. Các vật liệu sử dụng phải chống chọi được sự thay đổi nhiệt độ khắc nghiệt. Đặc biệt, các toa tàu cần được thiết kế để chịu được cả nhiệt độ cực cao và cát bụi. Ba máy khoan đường hầm khổng lồ đã được sử dụng để đào 40% tuyến đường bên dưới thành phố, phải “len lỏi” quanh các nền móng và tiện ích hiện có. Ngoài ra, có quy định không cho phép người lao động làm việc vào một số khung giờ nhất định khi nhiệt độ đạt mức nguy hiểm.
Với lịch sử phát triển thần tốc nhờ nguồn thu từ dầu mỏ, Riyadh đã trở thành một trong những trung tâm kinh tế lớn của Trung Đông. Tuy nhiên, thành phố này nhận ra rằng để duy trì vị thế dẫn đầu, cần có những thay đổi căn bản. Việc chuyển đổi sang giao thông công cộng hiện đại, đặc biệt là các hệ thống không người lái và chạy điện, không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm mà còn tạo ra một hình ảnh mới, năng động hơn cho Riyadh. Đây là một tầm nhìn táo bạo, hứa hẹn sẽ biến đổi hoàn toàn bộ mặt của thành phố trong tương lai.
Đặc biệt, Thái tử Mohammed bin Salman có tham vọng biến thủ đô Riyadh thành trung tâm kinh doanh quốc tế, với kế hoạch tăng gấp đôi dân số vào năm 2030. Để thúc đẩy tăng trưởng và tạo dựng hình ảnh trên trường quốc tế, việc tổ chức một sự kiện thế giới lớn là một khởi đầu thuận lợi.