Huy động hơn 447.000 tỷ đồng cùng hàng loạt công nghệ cao xây siêu đập thủy điện lớn thứ 4 thế giới, đủ cung cấp điện cho hàng triệu người
Belo Monte là nhà máy thủy điện lớn thứ 4 thế giới, sau đập Tam Hiệp (Trung Quốc), đập Itaipu (Brazil/Paraguay) và đập Xiluodu (Trung Quốc).
Belo Monte (cao 90m) là một trong những đập thủy điện  lớn nhất thế giới. Siêu đập này nằm trên sông Xingu, một phụ lưu của sông Amazon, thuộc bang Pará, Brazil . Dự án vốn được đề xuất từ những năm 1970, nhưng phải đến đầu thế kỷ 21 mới chính thức được triển khai sau khi giải quyết các vấn đề liên quan tới môi trường.
Đến những năm đầu của thập niên 2000, dự án đã được đẩy mạnh như một phần của kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng đang tăng nhanh của quốc gia.
Belo Monte là nhà máy thủy điện lớn thứ 4 thế giới, sau đập Tam Hiệp (Trung Quốc), đập Itaipu (Brazil/Paraguay) và đập Xiluodu (Trung Quốc). Nhà máy này có công suất lắp đặt 11.233 megawatt (MW), đủ để cung cấp điện cho hàng triệu người.
Dự án bao gồm hai con đập, hai nhà máy phát điện, hai hồ chứa, một cống tràn chính và một cống tràn phụ. Nhà máy chính được trang bị 18 tua-bin Francis, mỗi tua-bin có công suất 611MW, còn nhà máy phát điện phụ được đặt tại khu vực Pimentel.
Được biết, tổng chi phí xây dựng siêu đập thủy điện này là hơn 18 tỷ USD, tương đương 447.300 tỷ đồng (theo tỷ giá hiện tại).
Một trong những bước quan trọng nhất trong quá trình xây dựng là đào các kênh dẫn nước và điều chỉnh dòng chảy của sông Xingu. Sông Xingu có dòng chảy mạnh mẽ và biến đổi theo mùa, điều này đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng trong việc điều tiết dòng chảy để tránh gây lũ lụt lớn hoặc làm tổn hại đến hệ sinh thái.
Quá trình xây dựng bao gồm ba giai đoạn chính: Trước tiên là hồ chứa nước, tạo ra một diện tích rộng lớn để chứa nước cho hệ thống thủy điện.
Thứ hai là xây nhà máy chính Belo Monte, nơi đặt các tua-bin và máy phát điện. Đây cũng là trung tâm sản xuất điện năng của toàn hệ thống.
Cuối cùng là các con đập và hệ thống điều tiết nước, giúp kiểm soát dòng nước và tối ưu hóa hiệu suất phát điện.
Công trình sử dụng một lượng lớn xi măng, thép, và các vật liệu xây dựng khác. Hàng chục nghìn công nhân đã tham gia vào các giai đoạn xây dựng khác nhau.
Được biết, trong quá trình xây dựng, đội ngũ thi công đã sử dụng công nghệ embankment construction (xây dựng đập đất và đá). Đây là phương pháp xây dựng đập bằng cách tích lũy các lớp vật liệu đất, đá hoặc bê tông để tạo thành cấu trúc đập. Phương pháp này giúp tạo ra một cấu trúc vững chắc và có khả năng chịu áp lực nước lớn từ hồ chứa.
Hệ thống giám sát tự động cũng được sử dụng trong quá trình xây dựng đập Belo Monte với mục đích theo dõi các yếu tố quan trọng như chuyển động đất, áp lực nước, các thông số môi trường…
Mặc dù đã hoàn thành và đi vào hoạt động, đập Belo Monte không thể duy trì công suất tối đa do biến đổi theo mùa của dòng chảy sông Xingu. Trong mùa khô, mức nước giảm mạnh, khiến công suất thực tế của đập chỉ đạt khoảng 4.571 MW, thấp hơn nhiều so với công suất lý thuyết.
Tuy nhiên, đập Belo Monte có mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho Brazil. Nó giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của quốc gia, đồng thời giảm phụ thuộc vào năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch.