Huyện đảo này nằm cách đất liền khoảng 15 hải lý.
Thời gian qua huyện đảo Lý Sơn nhận được sự quan tâm lớn từ Trung ương, đặc biệt sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1995/QĐ-TTg, ngày 4/11/2014 về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi  giai đoạn 2015-2020 đã ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và huy động từ các nguồn khác để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, điện lưới cáp ngầm xuyên biển, cảng biển...
Nhờ đó, khách du lịch đến huyện Lý Sơn tăng nhanh, đặc biệt là năm 2019 (thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19) với trên 265.000 lượt khách, tăng 165.000 lượt khách so với năm 2015.
Bên cạnh những kết quả đạt được, chiến lược phát triển huyện đảo Lý Sơn hiện nay còn một số hạn chế, bất cập có thể nêu ra như hạ tầng kết nối và cơ sở vật chất phục vụ cho phát triển ngành du lịch chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là hạ tầng giao thông còn hạn chế, việc đi lại khó khăn đang là một trong những điểm nghẽn khiến du lịch Lý Sơn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế
Để đảo Lý Sơn phát triển xứng tầm, trở thành trung tâm du lịch biển, đảo hấp dẫn, chính quyền huyện cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất, địa phương cần thực hiện tốt công tác quy hoạch; cùng với nguồn lực từ ngân sách, đẩy mạnh huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng và các dịch vụ phục vụ phát triển du lịch; ưu tiên nguồn vốn để hoàn thiện hạ tầng giao thông (trên đảo và trên đất liền) theo hướng kết hợp đồng bộ giao thông đường thủy, đường bộ và hàng không để rút ngắn thời gian và lộ trình của khách du lịch khi đến Lý Sơn.
Thứ hai, địa phương cần phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, tổ hợp giải trí kết nối khu đô thị - dịch vụ tại Lý Sơn, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Khuyến khích phát triển các loại hình du lịch cộng đồng...
Thứ ba, huyện Lý Sơn đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch và liên kết, hợp tác phát triển du lịch, mở rộng thị trường nội địa và quốc tế; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xúc tiến, quảng bá, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số ngành du lịch nhằm phục vụ hoạt động quảng bá du lịch, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch đảo Lý Sơn.
Được biết, với diện tích tự nhiên 10,39km2 nằm về phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý (khoảng 28km), huyện đảo Lý Sơn gồm đảo Lớn (trung tâm huyện), đảo Bé và hòn Mù Cu (ở phía Đông, nằm sát đảo Lớn và không có người ở). Dân số của huyện trên 20.000 người, với 59% đang trong độ tuổi lao động, mật độ dân số khoảng 2.000 người/km2, là huyện đảo có mật độ dân số cao nhất trong 12 huyện đảo của nước ta.
Những năm gần đây, Lý Sơn được biết đến nhiều là bởi nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, nơi trời biển gặp gỡ, giao hòa. Huyện đảo này mang nét đặc trưng riêng có, với địa chất đặc sắc được hình thành từ hoạt động phun trào của núi lửa biển, cảnh quan thiên nhiên đa dạng cùng hệ thống các di sản văn hóa quý giá được hội tụ và kết tinh từ nền văn hóa cổ của Việt Nam. Khách du lịch khi đến với Lý Sơn không chỉ để thưởng ngoạn bức tranh thiên nhiên hoang sơ kỳ vĩ mà còn để khám phá đời sống thường ngày của người dân và trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc.
Sở hữu nhiều di tích văn hóa, lịch sử như chùa Hang, chùa Đục, hang Câu, miếu bà Chúa Ngọc, đình làng An Hải, dinh Bà Roi, giếng Vua, di tích hải đội Hoàng Sa - Trường Sa, Âm Linh tự, các di chỉ văn hóa Chăm và Sa Huỳnh, với độ nắng dồi dào nhất trong hệ thống các đảo ven bờ, hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi cho khai thác các hoạt động du lịch nghỉ dưỡng quanh năm ở đây.
Quảng Ngãi là một tỉnh ven biển nằm ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Đường bờ biển Quảng Ngãi có chiều dài khoảng 129km với vùng lãnh hải rộng lớn 11.000km2 và 6 cửa biển vốn giàu nguồn lực hải sản với nhiều bãi biển đẹp. Quảng Ngãi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được Chính phủ chọn khu vực Dung Quất (Bình Sơn - Quảng Ngãi) để xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam.
Tỉnh Quảng Ngãi bao gồm 1 thành phố trực thuộc (Quảng Ngãi), 1 thị xã (Đức Phổ) và 11 huyện trong đó có 1 huyện đảo (Lý Sơn), 5 huyện đồng bằng, 5 huyện miền núi. Các huyện của Quảng Ngãi gồm huyện: Ba Tơ, Bình Sơn, Minh Long, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Sơn Hà, Sơn Tây, Sơn Tịnh, Trà Bồng, Tư Nghĩa.
>> Du lịch dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 không thể bỏ qua cung đường biển đẹp nhất miền Bắc