Trong đó, một tuyến đường dài 6,2km và một tuyến đường dài 10km.
UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt kế hoạch đầu tư xây dựng 2 tuyến đường ở huyện Mê Linh gồm đường Tiền Phong - Tự Lập, đường nối từ đường 23B đi cảng Chu Phan với tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng.
Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Tiền Phong - Tự Lập (giai đoạn 1) có chiều dài 6,2km, điểm đầu ngã tư Cổ Ngựa - xã Tiền Phong; điểm cuối nối với đường 48m từ Trung tâm hành chính huyện đi Trung tâm văn hóa thể thao huyện Mê Linh.
Ảnh minh họa |
Công trình được xây dựng mới đạt tiêu chuẩn đường cấp II, quy mô 4 làn xe. Bề rộng mặt cắt ngang 48m gồm mặt đường hai bên rộng 30m, dải phân cách giữa 2m, hè đường rộng 16m.
Dự án có tổng vốn đầu tư gần 791 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP. Hà Nội, do UBND huyện Mê Linh làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2022-2024.
Mục tiêu của dự án là hoàn thiện hạ tầng khu vực, đồng bộ hóa hệ thống hạ tầng khu vực phía Bắc Thành phố Hà Nội, góp phần kết nối các tuyến vành đai (vành đai 3; vành đai 3,5; vành đai 4); kết nối đô thị mới Mê Linh với sân bay Nội Bài và huyện Đông Anh, tạo liên kết chặt chẽ để Mê Linh trở thành vị trí chiến lược trong quá trình phát triển của Thủ đô.
Dự án xây dựng tuyến đường nối từ đường 23B đi cảng Chu Phan có chiều dài khoảng 10km, điểm đầu tại nút giao với đường 23B, điểm cuối nối vào cảng Chu Phan. Nền đường rộng 22,5m, gồm lòng đường xe chạy rộng 15m (4 làn xe); dải phân cách rộng 1,5m; lề hai bên rộng 2x3m. Các nút giao giữa tuyến đường với các đường ngang khác được thiết kế giao bằng.
Tổng mức đầu tư của dự án là 723 tỷ đồng từ ngân sách TP. Hà Nội. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023-2025.
Dự án có mục tiêu góp phần từng bước hoàn thiện hạ tầng khu vực, hình thành mạng lưới giao thông và hạ tầng kỹ thuật của khu đô thị mới Mê Linh kết nối với các khu vực lân cận. Đồng thời, rút ngắn quãng đường từ trung tâm hành chính huyện đến khu vực nông thôn phía tây huyện.
Ngoài ra, công trình sau khi hoàn thành sẽ giảm áp lực giao thông cho các tuyến đường như quốc lộ 23B, đê tả sông Hồng... góp phần giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông.
Sơ đồ tuyến đường nối từ đường 23B đi cảng Chu Phan (Mê Linh, Hà Nội). Ảnh: UBND huyện Mê Linh |
Trước đó, ngày 30/6/2023, UBND huyện Mê Linh phối hợp với Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội (QHXD) tổ chức Hội thảo Quy hoạch Xây dựng vùng huyện Mê Linh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Đại diện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã trình bày tóm tắt phương án đề xuất xây dựng quy hoạch vùng huyện Mê Linh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, nhấn mạnh quan điểm quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh cần phải định hướng sự phát triển của huyện gắn với sự phát triển của Thủ đô. Thứ nhất, huyện Mê Linh là một phần của thành phố mới tương lai, tức là thành phố trong thành phố. Thứ hai, quy hoạch huyện Mê Linh theo hướng lên quận sau năm 2025.
Đồng thời, nghiên cứu mọi tiềm năng, lợi thế của huyện Mê Linh trong mối liên hệ vùng, tập trung nghiên cứu phát triển đô thị gắn với trục trung tâm là đường vành đai 4 đi qua huyện 16km, làm động lực phát triển chính. Nghiên cứu quy hoạch huyện Mê Linh phát triển hài hòa về đô thị, công nghiệp, nông nghiệp sinh thái, dịch vụ, du lịch.
Quy hoạch phát triển đô thị, nông nghiệp sinh thái; quy hoạch bảo tồn các làng nghề gắn liền với phát triển công nghiệp và dịch vụ, du lịch.
Dựa trên thực tiễn phát triển của khu vực đề xuất mở rộng hoặc giới hạn và phân kỳ, củng cố các khu vực đô thị, cụm công nghiệp hiện có, các trung tâm cụm xã và các điểm dân cư nông thôn có tính chất đô thị hóa khác; phát triển và bảo vệ giá trị không gian các khu vực nông thôn, làng mạc truyền thống, khả năng phát triển du lịch;
Xây dựng huyện Mê Linh thành một vùng đô thị công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp sinh thái kết hợp công nghệ cao. Đến năm 2030, Mê Linh trở thành vùng phát triển của thành phố, có hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội cơ bản hoàn chỉnh, các vùng nông thôn được cải tạo và phát triển đảm bảo các tiêu chí theo mô hình nông thôn mới, xây dựng và phát triển một số khu đô thị xanh, đô thị sinh thái.
> > Huyện sắp lên quận của Hà Nội chuẩn bị khởi công tuyến đường gần 8.000 tỷ đồng
Một huyện của Hà Nội sắp lên quận: Sẽ là trung tâm động lực phía Bắc Thủ đô 
Hà Nội: 173 xã, phường, thị trấn thuộc diện phải sáp nhập