Hy hữu: Máy bay "hết xăng" ở độ cao 12.500 mét, phi công thần tốc cứu 69 mạng người tạo kỳ tích ngành hàng không

19-07-2023 11:32|Quỳnh Châu

Nếu không có sự quyết đoán của phi công, một thảm họa máy bay với 69 người suýt chút đã xảy ra.

Tròn bốn thập kỷ trôi qua kể từ sự kiện huyền thoại chuyến bay 143 của Air Canada (Tàu lượn Gimli). Do các yếu tố về kỹ thuật và lỗi của con người, một chiếc Boeing 767 của Air Canada đã hết nhiên liệu ở độ cao 41.000 feet (khoảng 12.500 mét). Các phi công đã phải hạ cánh khẩn cấp tại một căn cứ không quân cũ. Thật kỳ diệu, họ đã hạ cánh mà không có bất kỳ thương tích nghiêm trọng nào cho hành khách hoặc phi hành đoàn. Ngay cả bản thân chiếc máy bay cũng tiếp tục phục vụ thêm 25 năm nữa với hãng hàng không.

Cụ thể, ngày 23/7/1983, chuyến bay 143 của Air Canada cất cánh từ Montreal, Québec, qua Ottawa đến thành phố Edmonton, Alberta của Canada. Chiếc Boeing 737 mới 5 tháng tuổi sẽ thực hiện nhiệm vụ chở 61 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn.

Cơ trưởng của chuyến bay là Robert (Bob) Pearson, 48 tuổi. Ông là phi công dày dạn kinh nghiệm với 15.000 giờ bay, trong đó có 5.200 giờ bay với Boeing 767. Ông cùng từng là một phi công tàu lượn nổi tiếng. Cơ phó là Maurice Quintal, 36 tuổi, với kinh nghiệm hơn 7.000 giờ bay thương mại.

Hơn một giờ sau khi cất cánh, máy bay bắt đầu gặp sự cố. Khi đang bay ở độ cao khoảng 12.500 mét thuộc không phận Red Lake, Ontario, các phi công nhận được cảnh báo áp suất nhiên liệu thấp ở phía bên trái của máy bay.

Các phi công cho rằng đồng hồ đo nhiên liệu bị hỏng (điều đã xảy ra ở chuyến bay trước đó) và tắt báo động, vì đây không phải là điều quá nguy hiểm. Ngoài ra, màn hình của hệ thống máy tính quán lý chuyến bay (FMC) báo rằng máy bay vẫn còn nhiều nhiên liệu.

Tuy nhiên, trong giây lát, chuông báo áp suất nhiên liệu bên phải máy bay cũng vang lên. Thấy tình hình bắt đầu trở nên nghiêm trọng, các phi công quyết định chuyển hướng đến sân bay gần nhất là Winnipeg, cách đó 193 km.

Khi máy bay bắt đầu hạ độ cao thì hệ thống báo động buồng lái réo lớn, cảnh báo máy bay đã hết sạch nhiên liệu. Tất cả các động cơ lần lượt ngừng hoạt động, khiến máy bay mất hết lực đẩy.

Chiếc Boeing 767 là một trong những chiếc máy bay phản lực đầu tiên sử dụng hệ thống thiết bị điện tử, vận hành nhờ điện được tạo ra từ động cơ máy bay. Như vậy, khi động cơ ngừng hoạt động, tất cả các thiết bị khác đều tắt theo. Màn hình trong buồng lái lúc này không còn hiển thị bất cứ thông tin gì.

May thay, một turbin khí ram (RAT) được trang bị trên máy bay đủ để cung cấp điện cho các thiết bị khẩn cấp, phục vụ cho quá trình hạ cánh. Nó cũng hỗ trợ thuỷ lực để phi hành đoàn điều khiển máy bay.

Song, theo tính toán của cơ phó Maurice Quintal, báy may không thể cầm cự đủ lâu để bay đến sân bay Winnipeg. Vì thế, cơ trưởng đã quyết định chọn một căn cứ không quân cũ ở Gimli, cách đó 72 km.

Mặc dù căn cứ đã dừng hoạt động và không có dịch vụ hạ cánh khẩn cấp, nhưng đây là lựa chọn khả thi nhất trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc. Tuy nhiên, cả hai phi công đều không biết rằng căn cứ đã bị biến thành đường đua và đang tổ chức một giải đua xe vào ngày hôm đó. Những người ở dưới đất không hề biết có "một con chim sắt khổng lồ" đang tiến về phía họ.

Các phi công cũng nhận ra rằng họ đang bay quá nhanh và quá cao so với đường băng cần đáp. Với kinh nghiệm của một phi công tàu lượn, cơ trưởng đã điều khiển cho chiếc máy bay lượn ngang để giảm độ cao và tốc độ.

Chiếc máy bay chạm đất trước khi trời tối một giờ đồng hồ. Chiếc máy bay từ đó được biết đến với cái tên Tàu lượn Gimli – đã hứng chịu một vài tổn thất ở phần mũi và nổ vài cặp lốp, tuy nhiên, hành khách hầu như không gặp vấn đề gì. 10 người bị chấn thương nhẹ và kì diệu thay không hề có ai tử vong.

Chiếc máy bay bị tổn thất ở phần mũi và nổ vài cặp lốp sau khi hạ cánh khẩn cấp.

Sau vụ tai nạn, các nhà điều tra phát hiện máy bay khi đó chỉ còn 64 lít nhiên liệu. Tất cả là do hàng loạt lỗi kỹ thuật cộng với sai sót của con người. Trước hết là hệ thống chỉ báo nhiên liệu gặp vấn đề. Thứ hai là lỗi quy đổi nhầm đơn vị đo nhiên liệu, khi phi hành đoàn tính bằng pound thay vì kg. Vì vậy, thay vì đổ đầy 20.088 lít nhiên liệu cần thiết cho chuyến bay trở về Edmonton, chiếc máy bay cất cánh khi còn chưa đến 5.000 lít.

Sau cuộc điều tra nội bộ, cơ trưởng, cơ phó và công nhân bảo trì phải chịu kỷ luật. Hai năm sau, các phi công mới được Liên đoàn Hàng không Quốc tế khen thưởng vì đã xuất sắc cứu mạng 69 người trên chuyến bay 143. Chính chiếc Boeing 767 sau đó cũng được sửa sang và trở lại hoạt động cho hãng đến năm 2008.

Tháng 2/2013, chiếc máy bay được đấu giá với mức giá khởi điểm khoảng 2,75 triệu đô Canada. Rõ ràng là có những người có đủ tiền để mua nó nhưng họ có chỗ chứa không lại là câu chuyện khác. Tại phiên đấu giá, giá cao nhất được đấu là 425.000 đô Canada - chưa chạm tới giá khởi điểm của chiếc máy bay. Không bán được, chiếc máy bay đã bị tháo dỡ vào năm 2014.

Tham khảo Simple Flying.

Phi công bất tỉnh, nữ hành khách 68 tuổi tự lái máy bay

Nga kêu gọi các bên không phỏng đoán về vụ rơi máy bay ở Kazakhstan

Hãng hàng không Mỹ phát hiện thi thể trong khoang bánh xe máy bay ngay sau khi hạ cánh

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hy-huu-may-bay-het-xang-o-do-cao-12500-met-phi-cong-than-toc-cuu-69-mang-nguoi-tao-ky-tich-nganh-hang-khong-192845.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Hy hữu: Máy bay "hết xăng" ở độ cao 12.500 mét, phi công thần tốc cứu 69 mạng người tạo kỳ tích ngành hàng không
    POWERED BY ONECMS & INTECH