Theo đại diện Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), việc giá dầu thô liên tục tăng mạnh trong trong thời gian đang làm tổn hại đến nhu cầu mặt hàng này trên toàn thế giới.
Chia sẻ trên trang S&P Global Commodity Insights, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường dầu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (EIA) bà Toril Bosoni cho biết nhu cầu dầu thô bị ảnh hưởng nghiêm trọng do giá quá cao.
Bà thừa nhận việc nhu cầu suy giảm là một phần của thị trường dầu mỏ, nhưng bà cũng lưu ý rằng người tiêu dùng đang liên tục điều chỉnh nhu cầu của họ theo giá năng lượng, thu nhập, niềm tin của người tiêu dùng.
Hồi tháng 4, IEA dự báo nhu cầu dầu mỏ trong năm 2022 trung bình ở mức 99,4 triệu thùng/ngày, thấp hơn 260.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó trong bối cảnh giá dầu liên tục tăng cao do những bất ổn về địa chính trị giữa Nga và Ukraine.
Hồi đầu năm, giá dầu Brent giao dịch quanh mốc 80 USD/thùng. Sau khi căng thẳng Nga - Ukraine nổ ra, giá dầu Brent nhanh chóng tiến đến sát mốc 140 USD/thùng do thị trường lo ngại nguồn cung sẽ gián đoạn.
Mặc dù vậy, bà Bosoni chỉ ra có nhiều tín hiệu tích cực về nhu cầu trong ngắn hạn bù đắp cho tác động của giá nhiên liệu tăng cao hiện nay: “Nhu cầu ở Mỹ và châu Âu đang tăng tốt hơn dự kiến… Tỷ lệ tiết kiệm cao và nhu cầu đi lại vốn bị dồn nén trong thời gian dài do dịch bệnh nay phục hồi mạnh mẽ đang tạo ra sự bù đắp cho tác động của giá nhiên liệu tăng cao hiện nay”.
Theo đánh giá của S&P Global's Platts, giá nhiên liệu máy bay, xăng và dầu diesel đã tăng hơn 50% kể từ đầu năm 2022. Tuy nhiên, mùa cao điểm du lịch có khả năng thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu máy bay và xăng dầu.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 cũng là yếu tố tích cực tác động đến nhu cầu dầu mỏ.
Bà Bosoni thừa nhận tác động của các đợt đóng cửa nhằm chống dịch COVID-19 ở Trung Quốc đối với nhu cầu xăng dầu lớn hơn nhiều so với dự tính trước đó bởi đây là thị trường tiêu thụ lớn thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, bà cho rằng nhu cầu tại Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm nay do hoạt động xuất khẩu và sản xuất hoạt động trở lại.
Mặc dù vậy, yếu tố giá cả vẫn đang chi phối phần lớn đến nhu cầu. Theo S&P Global's Platts nếu giá dầu Brent ở mức 110 USD/thùng, lượng tiêu thụ sẽ giảm khoảng 680.000 thùng/ngày trong năm nay. Nếu giá tiếp tục bị đẩy lên 120 USD/thùng, lượng tiêu thụ sẽ tiếp tục giảm 1,3 triệu thùng/ngày.
Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,01% lên 121,12 USD/thùng vào lúc 7h03 (giờ Việt Nam) ngày 9/6. Giá dầu thô Brent giao tháng 8 tăng tới 2,69% lên 123,81 USD/thùng.
Mới đây, 2 ngân hàng Citi và Barclays đồng loạt nâng dự báo giá dầu thô trước những bất ổn liên quan đến nguồn cung của Nga.
Theo đó, Barclays dự báo giá dầu Brent trung bình ở mức 111 USD/thùng và dầu WTI khoảng 108 USD/thùng trong năm 2022 và năm 2023
Ngân hàng Anh cho rằng sản lượng dầu thô của Nga dự kiến giảm khoảng 1,5 triệu thùng/ngày tính đến cuối năm nay, đồng thời họ không kỳ vọng tồn kho sẽ trở lại bình thường trong giai đoạn này.
Còn với Citi, ngân hàng này đã nâng dự báo giá dầu Brent trung bình trong quý II năm nay thêm 14 USD lên 113 USD/thùng.
IEA cũng dự đoán hoạt động lọc dầu trong 6 tháng cuối năm nay cũng sẽ được tăng cường.
Bosoni lưu ý rằng tồn kho sản phẩm dầu thấp kết hợp với việc bảo trì liên tục và thiếu công suất lọc dầu dự phòng “chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nhiên liệu toàn cầu”.
Để đối phó với tình trạng thiếu hụt toàn cầu, một số nhà máy lọc dầu đang hoãn bảo trì không cần thiết, trong khi vẫn duy trì tỷ lệ công suất sử dụng ở mức cao trong suốt mùa hè, bà nói.