Với sự hậu thuẫn từ Tổng thống Biden, tập đoàn Intel đầu tư khủng vào một nhà máy sản xuất chip ở Ohio, Mỹ với tham vọng giành lại vị trí dẫn đầu ngành bán dẫn từ các công ty Đài Loan.
"Cánh đồng mơ ước" của nước Mỹ
Dự án xây dựng nhà máy Ohio One được Tập đoàn Intel công bố gần 1 năm trước với tổng đầu tư lên đến 28 tỷ USD được Tổng thống Biden đặt niềm hy vọng lớn sẽ vực dậy nền kinh tế đang trên đà suy thoái của Mỹ.
Intel dự kiến thâu tóm các hợp đồng sản xuất chip tiên tiến sử dụng trong điện thoại thông minh và trong việc đào tạo các thuật toán AI thế hệ tiếp theo. Giám đốc điều hành Patrick Gelsinger của Ohio One cho biết đây sẽ là nhà máy sản xuất chip lớn nhất trên Trái đất từng được khánh thành.
Ông nói thêm, nhà máy đi vào hoạt động không phải để phô trương thanh thế hay hoành tráng gì, mà là chiến lược có tính toán của Chính phủ và ban lãnh đạo công ty để góp phần giảm nguy cơ suy thoái kinh tế của Mỹ, do nguồn cung chip tối cần thiết cho hầu hết các ngành điện tử, công nghiệp tự động hóa tiên tiến.
Giám đốc nhà máy, ông Patrick Gelsinger và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong lễ động thổ Ohio One |
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ 2 năm trước, Tổng thống Joe Biden đã gọi địa điểm Ohio One là “cánh đồng của những giấc mơ”, mô tả nó là “mảnh đất mà tương lai nước Mỹ sẽ được xây dựng”. Tháng 3 vừa qua, Hoa Kỳ thông báo họ đã đồng ý cung cấp cho Intel khoản vay và trợ cấp trị giá 19,5 tỷ USD để tài trợ cho dự án ở Ohio, cùng với các dự án tương tự ở Arizona và Oregon, như một phần của Đạo luật Khoa học và Chips.
Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động sớm nhất vào năm 2027, nhưng các chính trị gia thường xuyên cập nhật tình hình xây dựng nhà máy thông qua các bài đăng, video về những chuyến đi khảo sát tiến độ xây dựng trên mạng xã hội. Giới chính trị Mỹ tràn trề "niềm tin và hy vọng" đối với tiềm năng tạo việc làm  và cải thiện vị thế trong chuỗi cung ứng bán dẫn của dự án tỷ USD này.
Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, Chính quyền Washington có lí do khác để không tiếc "xuống tiền" cho Intel hay bất kì các nhà cung ứng chip nào để mở rộng sản xuất: an ninh quốc gia.
Ngày nay, từ việc gây chiến, rửa tiền đến giao tiếp cơ bản, cả thế giới đều sử dụng chất bán dẫn và hầu hết những sản phẩm chất lượng cao nhất đều được sản xuất tại đảo Đài Loan. Trong trường hợp xảy ra một đại dịch toàn cầu khác sau COVID 19, hay cuộc xung đột giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục xảy ra, nguồn cung cấp tất cả các loại chip của Mỹ (và phần còn lại của thế giới) có thể bị tê liệt.
Trong những tuần sau khi công bố Đạo luật Chips , ngân sách Chính phủ Mỹ lần lượt dành ra các khoản trợ cấp cho nhiều nhà máy sản xuất chip ở Mỹ: 12 tỷ USD cho một nhà máy được xây dựng ở Arizona bởi ông lớn TSMC của Đài Loan , và 6 tỷ USD cho một nhà máy Samsung ở Arizona và Texas của Hàn Quốc. Nhưng nhiêu đó cũng chưa đủ cho mọi thứ mà nước Mỹ cần. Khoản trợ cấp chính sách này mới là chính sách bảo hiểm và có thể là một sự khởi đầu cho sự trỗi dậy của Mỹ để xoay chuyển cục diễn của "cuộc đua bán dẫn".
Công trường xây dựng Intel One ở Licking County, Ohio. |
Hai nhà máy hiện đang được xây dựng ở bang Ohio, có tổng cộng 8 tòa trên khu đất rộng 1.000 mẫu Anh (gần 405 hecta). Intel cho biết họ sẽ đầu tư tới 100 tỷ USD vào dự án nếu nó được xây dựng hoàn chỉnh. Nếu mọi việc suôn sẻ, một ngày nào đó đây có thể trở thành nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới.
Intel "vang bóng một thời"
Kế hoạch "tất tay" tiềm ẩn nhiều rủi ro với Intel khi công ty đã từng đánh mất vị thế dẫn đầu vào tay những "ngựa ô" mới nổi trong ngành công nghệ.
Nhiều người biết rằng chính Intel đã biến nơi gọi là “Thung lũng Silicon” trở thành huyền thoại, và ẩn dụ cho trung tâm công nghệ và sáng tạo hàng đầu của thế giới. Thế nhưng, 2 thập kỷ trước, Intel đã bị TSMC và một loạt các nhà sản xuất chip thuê ngoài vượt mặt trong cuộc chạy đua đổi mới sản xuất chip.
Một trong số đó là Nvidia từng là một công ty đồ họa game, hiện có giá trị hơn 2 nghìn tỷ USD , gấp Intel 16 lần. Doanh số bán bộ vi xử lý "vang bóng một thời" của Intel đang trì trệ, cổ phiếu của hãng đã giảm hơn 30% trong năm nay và giảm hơn 50% so với mức đỉnh vào đầu năm 2020. Vào tháng 4, Intel tiết lộ rằng hoạt động sản xuất đã lỗ 7 tỷ USD vào năm ngoái và còn nhiều khoản lỗ hơn nữa.
Giám đốc Gelsinger phụ trách dự án Ohio One, là một kỹ sư và nhà quản lý nhiệt huyết ở tuổi 63, đã dành phần lớn cuộc đời làm việc của mình tại Intel. Ông cho rằng sự đi xuống của công ty là do chế độ và cách quản lý chiến lược cũ. Khi tiếp quản công ty này cách đây ba năm, ông tin rằng công ty đã bắt tay vào một kế hoạch kéo dài nhiều năm để khôi phục lại sự thống trị của mình, giống như những gì họ đã làm vào những năm 1990 khi vượt qua sự cạnh tranh dường như không thể vượt qua từ các nhà sản xuất chip Nhật Bản.
Kế hoạch lâu dài
Các kỹ sư làm việc trên công cụ mới nhất của Intel: một máy in thạch bản trị giá 380 triệu USD |
Intel cam kết chi ít nhất 20 tỷ USD, tuyển dụng 7.000 công nhân xây dựng thuộc công đoàn và cuối cùng thuê 3.000 nhân viên của chính mình. Đổi lại, họ nhận được rất nhiều: 600 triệu USD tài trợ cho tòa nhà, 500 triệu USD cho đường sá và cơ sở hạ tầng khác, 300 triệu USD cho nhà máy tái chế nước, 650 triệu USD giảm thuế và 150 triệu USD cho đào tạo nhân viên. Intel cũng sẽ không cần phải trả thuế bất động sản địa phương cho các tòa nhà của mình trong 30 năm.
Kế hoạch này là một phần của nỗ lực của Intel để gia tăng sản lượng chip và tăng cường năng lực sản xuất của họ. Nhà máy này sẽ sản xuất các chip dùng cho các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại di động và các thiết bị kết nối Internet of Things (IoT).
Trong kế hoạch lâu dài của Intel, nhà máy Ohio One sẽ không chỉ là một cơ sở sản xuất mà còn là một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) để đảm bảo rằng công nghệ sản xuất của họ luôn ở đẳng cấp hàng đầu. Đây là một phần quan trọng của chiến lược tái thiết của Intel và mục tiêu tái thiết lập vị thế dẫn đầu trong ngành công nghiệp chip của nước Mỹ.