Doanh nghiệp

Kéo điện lưới ra Côn Đảo: Đề xuất cấp hơn 2.500 tỷ đồng cho EVN

Thu Hằng 15/01/2024 23:05

Chính phủ trình Quốc hội cho phép phân bổ 2.526,16 tỷ đồng cho EVN để thực hiện dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Sáng 15/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình về việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung, cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra nội dung này. Đây cũng là nội dung được Quốc hội thảo luận tại tổ và ở hội trường ngày hôm nay.

5 phương án cấp điện cho huyện Côn Đảo

Báo cáo của Chính phủ về việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho EVN từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn nêu rõ sự cần thiết đầu tư và cơ sở lựa chọn phương án cấp điện cho huyện Côn Đảo.

Ngay từ đầu kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và Quốc hội đã quyết nghị bố trí vốn cho EVN để thực hiện dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

diencondao.jpg
Côn Đảo đang dùng điện chạy dầu diesel. Ảnh: Lương Bằng

Tuy nhiên, việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án chậm do quá trình lựa chọn phương án cấp điện cần nhiều thời gian, phải đo đạc, khảo sát, tính toán lựa chọn phương án tối ưu nhất.

Đến tháng 6/2023, Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án (sau thời điểm báo cáo Quốc hội kỳ họp thứ 5) nên toàn bộ số vốn 2.526,16 tỷ đồng dự kiến giao cho EVN đã chuyển về dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định.

5 phương án cấp điện cho huyện Côn Đảo:

Phương án 1: Đầu tư nhà máy điện dùng Diesel nổi + điện mặt trời (hiện hữu) + Diesel (hiện hữu)

Phương án 2: Đầu tư nhà máy điện gió ngoài khơi

Phương án 3: Đầu tư nhà máy điện gió ngoài khơi + Điện mặt trời (hiện hữu)+ Diesel (hiện hữu)

Phương án 4: Đầu tư nhà máy điện gió ngoài khơi + Điện mặt trời + Diesel (hiện hữu) + BESS đáp ứng 10% Pmax

Phương án 5: Cấp điện từ lưới điện quốc gia.

Theo quyết định về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, Thủ tướng giao cho Bộ Công Thương là cơ quan quyết định đầu tư dự án, EVN là chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư của dự án là 4.950,156 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của EVN khoảng 2.423,996 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương là 2.526,16 tỷ đồng.

Việc đầu tư cho dự án với mục tiêu cấp điện ổn định và an toàn cho lưới điện trên đảo, đáp ứng các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Côn Đảo, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng và bảo đảm chủ quyền biển đảo quốc gia là cần thiết.

Cơ sở để lựa chọn phương án cấp điện cho dự án đã được Bộ Công Thương, EVN và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tính toán, đề xuất 5 phương án cấp điện cho huyện Côn Đảo, đưa ra 6 tiêu chí để đánh giá từng phương án. Phương án cấp lưới điện quốc gia được lựa chọn do đáp ứng đủ 6 tiêu chí với giá thành điện năng thấp nhất.

Bộ Công Thương kiểm tra, giám sát, không để xảy ra trục lợi chính sách

Theo các quy định hiện hành, EVN không phải là đơn vị được Thủ tướng giao trực tiếp dự toán ngân sách nhà nước hằng năm; Bộ Công Thương sẽ là cơ quan tổ chức lập kế hoạch đầu tư công, đăng ký và giao kế hoạch đầu tư công đối với dự án.

Do đó, vốn ngân sách Trung ương bố trí để thực hiện dự án này giao cho Bộ Công Thương triển khai. Bộ Công Thương giao cho đơn vị trực thuộc, tổ chức đấu thầu theo quy định.

Nếu theo phương án giao Bộ Công Thương thì số vốn còn thiếu so với tổng mức đầu tư là 2.423,996 tỷ đồng chưa có nguồn để cân đối cho dự án. Bên cạnh đó, do EVN không phải là đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương nên Bộ Công Thương không thể phân bổ, giao vốn cho EVN. Như vậy, dự án sẽ không triển khai được ngay trong giai đoạn này.

Vì vậy, để sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, Chính phủ báo cáo Quốc hội cho cơ chế giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương của dự án cho EVN. Bộ Công Thương là cơ quan quản lý ngành, có trách nhiệm thực hiện kiểm tra, giám sát, thanh tra bảo đảm không để xảy ra việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí.

Việc bàn giao tài sản sau khi dự án hoàn thành được thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý tài sản công và các quy định pháp luật có liên quan.

Từ những phân tích trên, Chính phủ trình Quốc hội cho phép phân bổ 2.526,16 tỷ đồng cho EVN để thực hiện dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho EVN để thực hiện dự án. Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước và thực hiện các nhiệm vụ được giao.

>> EVN lỗ 2 năm liên tiếp, Chính phủ yêu cầu cấp thiết tái cấu trúc tài chính

Công ty ‘nhà’ EVN báo lãi năm 2023 vượt 36% kế hoạch

Chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/chinh-phu-trinh-quoc-hoi-phan-bo-hon-2-500-ty-dong-de-evn-cap-dien-cho-con-dao-2239911.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Kéo điện lưới ra Côn Đảo: Đề xuất cấp hơn 2.500 tỷ đồng cho EVN
    POWERED BY ONECMS & INTECH