Khách tố mất tiền rồi tiền tự quay về: ACB nghi ngờ có đường dây lừa đảo
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã báo cáo sự việc lên Ngân hàng Nhà nước và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. ACB cho biết nghi ngờ có dấu hiệu đường dây lừa đảo chuyên nghiệp phía sau vụ doanh nghiệp bị mất tiền qua tờ séc.
Tiền "quay về" được chuyển từ ngân hàng khác về ACB
Liên quan vụ việc một doanh nghiệp tại TP.HCM tố Ngân hàng TMCP Á Châu  (ACB) cho rút tiền từ tờ séc có chữ ký và con dấu giả, phía ACB vừa cung cấp thông tin phản hồi đến Báo VietNamNet.
Cụ thể, ACB thông tin về nội dung chuyển khoản được ghi “rút hộ tấm séc” đối với khoản tiền 95 triệu đồng mà Công ty RIIN Group (đơn vị tố bị mất tiền trong tài khoản) nhận được vào ngày 5/3 từ một người bí ẩn.
Trước đó, đại diện RIIN Group cho hay, phía công ty yêu cầu ACB hoàn trả số tiền 95 triệu đồng trước ngày 6/3. Đến ngày 5/3 một người lạ mặt gọi điện cho ông Nguyễn Duy Thịnh (Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật tại RIIN Group), tự xưng là người đã rút tấm séc và hứa sẽ chuyển trả lại tiền. Ngay lập tức, tài khoản của công ty nhận được số tiền 95 triệu đồng chuyển đến với nội dung “chuyển tiền rút hộ tấm séc”.
Phía công ty không đồng ý với nội dung chuyển tiền nói trên, đồng thời gửi email đến ACB để hỏi ý kiến ngân hàng về việc công ty sử dụng số tiền trên.
Phản hồi tới VietNamNet, ACB cho hay ngày 5/3, ngân hàng nhận được email từ Riin Group thông báo về việc công ty được hoàn trả tiền từ bên thụ hưởng séc cùng hình chụp nội dung tin nhắn. Nhưng nội dung tin nhắn không đúng như nội dung RIIN Group đã cung cấp cho báo chí.
“Do quy định về bảo mật thông tin khách hàng, ACB không thể cung cấp thông tin nội dung, màn hình chụp chi tiết của khách hàng đến báo chí, trừ trường hợp cung cấp theo quy định pháp luật”, ACB phản hồi.
ACB khẳng định, việc bên thứ ba chuyển tiền vào tài khoản của công ty là giao dịch dân sự giữa bên thứ ba và khách hàng, ACB không có quyền ý kiến về việc sử dụng tiền trên tài khoản khách hàng.
Hơn nữa, thông tin về người chuyển trả lại số tiền và nội dung giao dịch chuyển tiền được thể hiện trong giao dịch chuyển tiền. Tiền được chuyển từ ngân hàng khác về ACB. Phía ACB không thực hiện lệnh chuyển tiền này.
“ACB có bằng chứng về việc người chuyển tiền và người đại diện pháp luật của công ty có trao đổi với nhau trước khi giao dịch chuyển tiền về ACB được thực hiện. ACB sẽ cung cấp bằng chứng cho cơ quan điều tra khi có yêu cầu”, đại diện ngân hàng này khẳng định.
Chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra
Trước đó, ngày 5/3, ACB cũng đã có văn bản phản hồi khách hàng, đồng thời khẳng định vẫn luôn thực hiện đầy đủ trách nhiệm hỗ trợ khách hàng theo thỏa thuận đã ký kết giữa khách hàng và ACB về điều khoản, điều kiện sử dụng dịch vụ tại ACB.
Đối với yêu cầu về việc bồi hoàn tiền từ khách hàng (trước khi tiền được đối tượng lạ chuyển về), ACB cho rằng khi chưa có kết luận của cơ quan giám định độc lập, cơ quan chức năng, ngân hàng chưa đủ cơ sở để xem xét việc bồi hoàn tiền.
Về thông tin tài khoản của RIIN Group bị khoá vào sáng 27/2 (doanh nghiệp tố chiều cùng ngày tài khoản của công ty bị rút 95 triệu từ tấm séc được rút tại PGD ACB Hoàng Đạo Thuý, Hà Nội), ngân hàng cho hay User đăng nhập giao dịch trực tuyến của khách hàng bị khóa vào ngày 27/2 do nhập sai mật khẩu hơn 5 lần theo quy định.
ACB cũng làm rõ thông tin gửi mail cho khách hàng để hỏi “có muốn ACB điều tra tiếp hay không” sau khi khách hàng thông báo đã nhận được 95 triệu đồng vào tài khoản ngày 5/3.
“Trong cùng ngày, ACB đã gửi thư trả lời lần hai đối với yêu cầu hoàn tiền trước ngày 6/3 của khách hàng Thịnh (gửi thư qua bưu điện, email, điện thoại thông báo với khách hàng) và gửi email xác nhận, gọi điện thoại trao đổi với khách hàng Thịnh về việc khách hàng có tiếp tục yêu cầu ACB thực hiện tra soát lệnh chi séc hay không để ACB tiếp tục thực hiện tra soát".
Phía ACB khẳng định luôn minh bạch thông tin và thực hiện đầy đủ trách nhiệm để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng. Sau khi nhận được vụ việc, ACB đã thực hiện nhiều hành động.
ACB cho biết đã hai lần mời khách hàng lên Hội sở làm việc để giải quyết quyền lợi cho khách hàng nhưng khách hàng từ chối làm việc. ACB tiếp tục mời khách hàng lên làm việc lần 3 để giải quyết quyền lợi của khách hàng trong tuần này.
Cùng với đó, ACB đã báo cáo sự việc lên Ngân hàng Nhà nước và chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra tại Hà Nội, Đà Nẵng, và TP.HCM vì nhận thấy có dấu hiệu nghi ngờ đường dây lừa đảo chuyên nghiệp phía sau.
Theo ACB cung cấp, ngân hàng gửi thư mời lần 3 để mời khách hàng đến làm việc vào ngày 15/3 về các nội dung: Hướng giải quyết của ACB về yêu cầu hoàn tiền; khách hàng hoàn tất thủ tục để ACB thực hiện tra soát theo quy định; khách hàng cập nhật mẫu con dấu và chữ ký mới nhất của đại diện pháp luật để tránh nguy cơ bị lạm dụng tài khoản;…
>> ACB báo nợ xấu ‘phình to', gia tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gấp 25 lần cùng kỳ