Khai quật ngôi mộ 2.000 năm tuổi, phát hiện mảnh gỗ liên quan đến lịch thiên văn cổ đại cùng nhiều ‘báu vật’ hiếm: Chuyên gia khảo cổ lập tức vào cuộc xác minh danh tính chủ nhân
Các nhà nghiên cứu cho biết những đồ vật này có liên quan đến một "lịch thiên văn" cổ đại ẩn chứa "bí mật thiên thể".
Theo thông tin trên All That's Interesting, vào đầu năm 2024, các nhà khảo cổ học ở Trung Quốc đã khai quật được một bộ đồ gỗ hình chữ nhật trong một ngôi mộ  2.000 năm tuổi ở Vũ Long, TP. Trùng Khánh (Trung Quốc). Các nhà nghiên cứu cho biết những đồ vật này có liên quan đến một "lịch thiên văn" cổ đại ẩn chứa "bí mật thiên thể".
Ngôi mộ 2.000 năm tuổi ở Vũ Long, TP. Trùng Khánh (Trung Quốc) (Ảnh: Internet)
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy 23 tấm gỗ, kích thước 2,5x10cm, khắc văn tự Trung Quốc, được cho là lịch Thiên Can Địa Chi có nguồn gốc từ thời nhà Thương (1600-1045 TCN).
Mặc dù hệ thống lịch Thiên Can Địa Chi đã quen thuộc, nhưng loại lịch gỗ cổ này chưa từng được phát hiện trước đây, khiến các nhà khảo cổ gặp khó khăn trong việc xác định cách sử dụng chính xác.
23 tấm gỗ có kích thước 2,5x10cm (Ảnh: Internet)
Theo China News, các chuyên gia khảo cổ chỉ đưa ra giả thuyết rằng một mảnh lịch đại diện cho năm hiện tại, trong khi 22 mảnh còn lại có thể dùng để xác định các năm khác. Được biết, các lỗ tròn ở mép mỗi tấm cho thấy chúng từng được buộc lại với nhau.
Theo nhà khảo cổ Wang Meng từ TP. Trùng Khánh, đây là ngôi mộ cổ gỗ được bảo tồn tốt nhất từng khai quật ở phía Tây Nam Trung Quốc.
Ngoài tấm lịch đặc biệt này, ngôi mộ còn chứa nhiều báu vật giá trị, khẳng định địa vị quý tộc của người đã khuất (Ảnh: Internet)
Trưởng dự án Huang Wei chia sẻ thêm với tờ Global Times rằng ngôi mộ này còn chứa khoảng 600 hiện vật khác như đồ dùng ăn uống, lọ, đĩa sơn mài, nhạc cụ, tượng nhỏ, đồ gốm và đồ đồng, tất cả đều trở thành “báu vật” quý giá sau hơn 2.200 năm.