Khám phá những “khối sắt di động” khổng lồ đi vào lịch sử huy hoàng của Việt Nam, có loại trên 60 năm nhưng hiện vẫn được khai thác
Giờ đây vết hoen rỉ trên những khối sắt khổng lồ này chính là chứng nhân lịch sử, chứng kiến thăng trầm đổi thay của đất nước hàng chục năm qua.
Trong quá khứ, đường sắt Việt Nam  từng có thời kỳ phát triển huy hoàng, khi chiếm tỷ trọng đặc biệt cao, tới 32,52% về khối lượng luân chuyển hành khách và gần 21% về khối lượng luân chuyển hàng hóa trong toàn ngành vận tải. Đặc biệt, hệ thống đường sắt của Việt Nam được phát triển sớm nhất khu vực Đông Nam Á  với năng lực đồng bộ cả về vật chất – kỹ thuật và đội ngũ nhân lực. Tuy nhiên đến nay đường sắt ngày càng lạc hậu và mất thị phần so với các loại hình vận tải khác. Phần lớn do không được đầu tư, số lượng đầu máy cũ, công suất và tốc độ giảm dần.
Trong số các chủng loại đầu máy được sử dụng hàng chục năm trước, từng đóng góp lớn trong thời 'hoàng kim' của ngành đường sắt phải kể đến:
Đầu máy Đ12E
Những chiếc đầu máy D12E này được sản xuất tại Tiệp Khắc từ 1985 đến 1999. Sau đó, Tiệp Khắc đã bàn giao 25 đầu máy xe lửa đến Xí nghiệp đầu máy Đà Nẵng và 15 đầu máy cho Xí nghiệp đầu máy Hà Nội trong năm 1986. Thế nhưng từ năm 1996, Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng đã giao lại 12 đầu máy D12E cho Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội và Xí nghiệp Đầu máy Hà Lào. Khi đưa vào sử dụng, đầu máy này đã và đang có sự đóng góp lớn cho ngành vận tải đường sắt một cách an toàn và ổn định.
Đầu máy D9E
Loại này được sản xuất bởi General Electric, Hoa Kỳ từ năm 1963 đến năm 1965. Tại Việt Nam hiện nay có 31 đầu máy của Hoa Kỳ tuy đã trên 60 năm nhưng hiện vẫn được khai thác tốt, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.
Đầu máy này được thiết kế tương tự như loại đầu máy U8B ở Hoa Kỳ. Hiện nay, loại đầu máy giống như D9E vẫn còn được sử dụng, hoạt động ở một vài tuyến đường sắt điển hình như New Zealand và Philippines. Hiện nay, những đầu máy D9E đang được dùng để dồn toa ở các ga: Ga Vinh, Ga Sài Gòn, Ga Yên Viên, và Ga Đà Nẵng.
Đầu máy D10H - FHF21
Đầu máy D10H - FHF21 được Việt Nam mua cũ từ Trung Quốc năm 2006, là phiên bản cũ hơn của DHF3, đầu máy D10H nguyên thuỷ là đầu máy Đông Phương Hồng 21 (DFH 21), là một biến thể của đầu máy Đông Phương Hồng do Nhà máy Đầu máy toa xe Tứ Phương - Trung Quốc sản xuất từ cuối những năm 1970, đầu những năm 1980 của thế kỷ trước.
Các đầu máy này lắp động cơ diesel 12V 180ZJ công suất 1.150 mã lực (857kw) và bộ truyền động thuỷ lực SF 2010-2A với 2 máy biến tốc thuỷ lực.
Hiện nay có 30 đầu máy D10H có số hiệu từ 001 đến 030 được giao cho Xí nghiệp đầu máy Yên Viên quản lý và khai thác.
Cản trước hình tam giác đặc trưng của các đầu máy xe lửa truyền thống.
D19E - "Đổi mới"
D19E - "Đổi mới" (còn được gọi là CKD7F) là dòng đầu máy diesel phục vụ cho Đường sắt Việt Nam và được nhập khẩu về từ năm 2001 từ nhà máy Tư Dương, Trung Quốc sau đó là sản xuất trực tiếp bởi Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Biệt danh của dòng đầu máy này là "Đổi mới".
Đây là loại đầu máy có số lượng nhiều nhất Việt Nam. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hiện có 80 đầu máy xe lửa diesel D19E, được quản lý bởi Xí nghiệp đầu máy Hà Nội, Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn, Xí Nghiệp Đầu Máy Vinh. Được sử dụng chủ yếu cho tuyến đường sắt Bắc-Nam từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Hà Nội-Hải Phòng, tuyến Hà Nội-Lào Cai.
Đặc trưng của dòng đầu máy này tại Việt Nam là màu sơn xanh-đỏ và xanh-tím cùng biển tên “Đổi mới” ở 2 mặt. Các đầu máy từ số 901 đến 940 được thiết kế 2 đầu góc cạnh, các đầu máy từ 941 đến 980 được bo tròn 2 đầu. Cấu tạo cơ bản của đầu máy này gồm buồng lái 1, buồng lái 2, gian điện khí, gian động lực, gian làm mát. Buồng lái 1 và 2 cấu tạo đối xứng nhau ở 2 đầu của thân đầu máy, cả hai buồng lái đều có chức năng điều khiển như nhau. Trong buồng lái có bố trí bàn điều khiển, quạt gió, đèn chiếu sáng.
Đầu máy D5H
Đầu máy D5H thuộc lớp DH được chế tạo ở Công ty Đường sắt Queensland của Úc từ năm 1968 đến năm 1970 và có công suất 500 mã lực. Ở Queensland, nó được sử dụng chủ yếu dùng để chuyển ray.
Tổng công ty đường sắt Việt Nam mua cũ lại 13 chiếc đã qua sử dụng từ Úc. 13 đầu máy đã được giao từ năm 1991 đến 1995, hầu hết được giao cho Kho Yên Viên. Loại đầu máy này ban đầu được sản xuất để chạy trên đường sắt khổ 3 ft 6 in tại Queensland, Úc nhưng sau đó khi được đưa về Việt Nam lại được đổi để chạy trên đường sắt khổ hẹp, phục vụ với nhiều nhiệm vụ khác nhau.
Được biết, theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đến năm 2050: Chuyển đổi 100% đầu máy, toa xe phát điện đường sắt sử dụng nhiên liệu sạch, nhiên liệu tổng hợp (không phát thải khí nhà kính). Như vậy, toàn bộ các đầu máy, toa xe hiện có và đầu tư mới đều phải dừng hoạt động và thay thế mới toàn bộ trước năm 2050.