Việc xây dựng thị trấn sang trọng này bắt đầu vào năm 2014 nhưng đã bị dừng lại khi công ty đứng đầu dự án tuyên bố phá sản.
Lấy cảm hứng từ những lâu đài của Disney , Burj Al Babas là một khu đô thị bao gồm hàng trăm biệt thự được xây dựng nhằm mục đích trở thành một điểm nghỉ dưỡng nhộn nhịp dành cho giới siêu giàu trên thế giới.
Tuy nhiên, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ  rơi vào suy thoái khiến dự án Burj Al Babas bị ngưng lại hoàn toàn.
Ngày nay, 587 căn biệt thự bỏ trống tạo thành một trong những thị trấn ma lớn nhất thế giới.
Buri Al Babas, một thị trấn ma bỏ hoang từ rất lâu. Ảnh: BI |
Dự án mang tên Burj Al Babas nằm gần thị trấn nhỏ Mudurnu ở khu vực phía Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một thị trấn ma chứa hơn 500 ngôi nhà không người ở có thiết kế giống nhau.
Những tháp chuông xanh xám và đồ đạc mang phong cách Gothic gợi nhớ đến những lâu đài được tìm thấy trong công viên Disney.
Nhưng nơi này lại thiếu sự đông đúc vốn có của Disneyland. Thay vào đó, những tòa lâu đài trống rỗng của Burj Al Babas lại được coi là biểu tượng cho tình hình kinh tế ảm đạm của Thổ Nhĩ Kỳ.
Dự án bắt đầu vào năm 2014 khi anh em nhà Yerdelen và Bulent Yilmaz - chủ công ty xây dựng Sarot Property Group - phác thảo kế hoạch cho một khu cộng đồng sang trọng trị giá 200 triệu USD.
Đây là một trong những thị trấn ma lớn nhất thế giới. Ảnh: BI |
Mục tiêu của họ là thu hút những người mua nước ngoài giàu có đang đi nghỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo BI, những ngôi nhà có giá bán từ 370.000 đến 500.000 USD mỗi căn, tùy thuộc vào vị trí. Công trình có tổng cộng 732 tòa nhà gồm các khu tổ hợp giải trí, tắm hơi kiểu Thổ Nhĩ Kỳ, rạp chiếu phim, khu thể thao.
Khoảng 350 biệt thự trong tổng số 732 căn đã được bán cho khách hàng từ Qatar, Bahrain, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Saudi Arabia.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hài lòng với dự án. Người dân địa phương cho rằng nó không phù hợp với kiến trúc truyền thống trong khu vực, nơi đặc trưng bởi các tòa nhà xây dựng theo lối kiến trúc Byzantine và nhà gỗ kiểu Ottoman. Một số khác tỏ ra lo ngại sự phát triển sẽ làm hỏng các khu rừng gần đó.
Nhiều căn biệt thự chỉ mới hoàn thành một phần. Ảnh: BI |
Thêm vào đó, theo kiến trúc sư của dự án, giá dầu lao dốc cũng ảnh hưởng đến những người mua tiềm năng. Một số đã rút lại thỏa thuận mua bán trong khi nhiều người khác ngừng thanh toán cho những ngôi nhà nghỉ dưỡng của họ.
Đồng thời, lạm phát tăng vọt ở Thổ Nhĩ Kỳ, bất ổn chính trị và suy thoái kinh tế đã đẩy dự án rơi vào tình trạng bế tắc vào năm 2018 khi các nhà phát triển buộc phải nộp đơn xin phá sản. Đất nước vô địch World Cup năm 2022 đang chứng kiến mức lạm phát lên tới 276%.
Những gì còn lại là 587 ngôi nhà đã hoàn thiện một phần và khoản nợ 27 triệu USD. Đến năm 2019, hai anh em Yerdelen và Bulent Yilmaz được cấp phép hoàn thành việc xây dựng theo hợp đồng khi phán quyết phá sản của họ bị hủy bỏ.
Vào mùa đông, nơi này bị tuyết phủ trắng xóa và không có lấy một ánh đèn hay bóng người. Ảnh: BI |
Nhưng ngay sau đó, đại dịch Covid-19 xảy đến và dự án bị bỏ dở hoàn toàn. Toàn bộ khu vực sau đó được mua lại bởi NOVA Group Holdings, một tập đoàn đa quốc gia của Mỹ.
Dù vậy, cho đến nay, các dãy lâu đài 3 tầng bị bỏ hoang vẫn còn đó. Và vì cơ sở hạ tầng của các biệt thự chưa hoàn thiện nên khu phát triển này hiện không thể ở được.
Giờ đây, thay vì là nơi nghỉ dưỡng cho giới siêu giàu, thị trấn ma lại trở thành điểm đến thu hút những du khách tò mò muốn khám phá khu vực kỳ lạ này.
>> Quá phụ thuộc vào Trung Quốc, thành phố ở Campuchia sở hữu tới 500 'tòa nhà ma'