Khi nào giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí từ 80 xuống 75?
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi quy định, công dân từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH, xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo.
Theo quy định hiện hành hiện hành, người 80 tuổi được nhận trợ cấp hưu trí hàng tháng (360.000 đồng/tháng). Tuy nhiên, nhằm đảm bảo cuộc sống của người cao tuổi, dự thảo luật BHXH sửa đổi đề xuất giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí  hàng tháng.
Cụ thể, dự thảo Luật BHXH  sửa đổi quy định, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo.
Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ.
Nhà nước khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Dự thảo Luật cũng giao Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.
Việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800 nghìn người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế.
Người cao tuổi cần được hỗ trợ
Việc bổ sung quy định về trợ cấp hưu trí, xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng, thể hiện tính nhân văn, trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm an sinh cho người cao tuổi.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, trợ cấp hưu trí xã hội không gắn với nghĩa vụ đóng và được điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội như trong dự thảo luật BHXH sửa đổi có thể ảnh hưởng tới chính sách phát triển đối tượng tham gia BHXH, cũng như ảnh hưởng tới mục tiêu hạn chế rút BHXH một lần.
Việc này có thể dẫn tới tâm lý người lao động không cần tham gia BHXH hoặc không cần duy trì đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí, đến khi đủ 75 tuổi (như dự thảo đề xuất) vẫn được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Về vấn đề này, trao đổi với PV VietNamNet, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội phân tích: “BHXH theo cơ chế có đóng, có hưởng, nhưng một xã hội văn minh, tốt đẹp thì người già không có lương hưu cần được hỗ trợ để đảm bảo người yếu thế được hỗ trợ".
Do vậy, trợ cấp hưu trí là để người cao tuổi được trợ cấp một khoản giúp cuộc sống tốt hơn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí sẽ khó khăn trong việc cân đối ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, cần tính toán thời điểm cho phù hợp.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, việc điều chỉnh giảm độ tuổi trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi sẽ tùy theo tình hình phát triển kinh tế – xã hội và khả năng ngân sách của Nhà nước.
Chính sách BHXH, BHYT, lương hưu thay đổi khi cải cách tiền lương trong năm 2024 
Nên tăng trợ cấp một lần cho người lao động khi nghỉ hưu 
Điều chỉnh lương hưu và các loại trợ cấp khi cải cách tiền lương