Vĩ mô

Khoa học công nghệ là 'đòn bẩy' để đất nước tiến vào kỷ nguyên mới

Hà Nhân - Trường Phong 13/01/2025 10:22

"Tôi cảm nhận sâu sắc rằng Tổng Bí thư, lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhìn thẳng vào thực tiễn để thấy những điểm nghẽn trong phát triển khoa học công nghệ trong tất cả các ngành, lĩnh vực; thấy rõ khoa học công nghệ sẽ đóng vai trò là “đòn bẩy” để đất nước ta phát triển, có uy tín, tiến vào kỷ nguyên mới", GS.TS Trần Trung Dũng – Giám đốc Trung tâm Y học thể thao (Bệnh viện Vinmec) chia sẻ với phóng viên Tiền Phong.

Từ câu chuyện thực tế việc điều trị chấn thương cho cầu thủ Nguyễn Xuân Son, GS.TS Trần Trung Dũng – Giám đốc Trung tâm Y học thể thao (Bệnh viện Vinmec) chia sẻ với phóng viên Tiền Phong quanh những kỳ vọng đột phá phát triển khoa học công nghệ, trong đó có y học, để nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Khoa học công nghệ là 'đòn bẩy' để đất nước tiến vào kỷ nguyên mới ảnh 1
GS.TS Trần Trung Dũng – Giám đốc Trung tâm Y học thể thao (Bệnh viện Vinmec) và cầu thủ Nguyễn Xuân Son. Ảnh: NVCC.

(TyGiaMoi.com) - Ca phẫu thuật cho tiền đạo Nguyễn Xuân Son và niềm tin vào y tế Việt Nam

Thưa ông, thời điểm Nguyễn Xuân Son bị chấn thương trong trận chung kết ASEAN Cup 2024 trên đất Thái Lan, có thông tin cho rằng, phía Thái Lan cũng muốn phẫu thuật cho tiền đạo đội tuyển Việt Nam. Nhưng sau đó, Xuân Son về nước và phẫu thuật tại Bệnh viện Vinmec. Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

Khi Xuân Son chấn thương và được đưa đi cấp cứu, chúng tôi đã hội chẩn ngay trong đêm. Lãnh đạo Liên đoàn, huấn luyện viên, các bác sĩ của đội tuyển, các đồng nghiệp Thái Lan, đại diện CLB Thép Xanh Nam Định đã trao đổi, phân tích, đánh giá về tổn thương, để thống nhất kế hoạch, phương án điều trị.

Qua trường hợp của Xuân Son điều trị ở Việt Nam có một điểm rất tích cực, là điểm sáng chung cho cả hệ thống y tế. Một cầu thủ thi đấu đỉnh cao bị chấn thương, trước việc có thể sang nước ngoài điều trị, nhưng lại tin tưởng lựa chọn điều trị tại Việt Nam. Điều này thể hiện niềm tin đối với hệ thống y tế đang tăng dần lên.

Lúc đó, có hai phương án lựa chọn, có thể phẫu thuật ngay tại Thái Lan, cũng có thể di chuyển về Việt Nam, vì vẫn trong "thời gian vàng" 24 tiếng để xử lý. Sau khi trao đổi với vận động viên, gia đình, câu lạc bộ, chúng tôi thấy, nếu phẫu thuật bên Thái Lan, cầu thủ cần phải nằm viện thêm vài ngày, sau đó mới về Việt Nam. Lãnh đạo CLB cũng nêu phương án có thể đưa cầu thủ sang Hàn Quốc hay Nhật Bản điều trị. Tuy nhiên, sau đó, qua tìm hiểu được biết, ê kíp của Trung tâm Y học thể thao Vinmec đã từng điều trị thành công nhiều trường hợp tương tự, tất cả thống nhất đưa Xuân Son về Việt Nam điều trị.

Với trường hợp chấn thương như của Xuân Son, kỹ thuật thống nhất trên toàn thế giới là “phương án đóng đinh nội tuỷ" để cố định xương gãy và không mở ổ gãy, không can thiệp vào vùng gãy xương. Phương pháp này có nhiều yếu tố tích cực, như giúp xương liền nhanh, không gây tổn thương thêm các thành phần nuôi dưỡng xương như màng xương, các cơ xung quanh.

Đây không phải là kỹ thuật quá phức tạp, và các bệnh viện có các chuyên khoa sâu về chấn thương, chỉnh hình có thể thực hiện được, thậm chí với các bác sĩ chỉ cần kinh nghiệm vài năm có thể phẫu thuật được rất thuận lợi. Với những người bình thường, giải quyết việc gãy xương để đi lại bình thường thì rất đơn giản. Còn với vận động viên thể thao như trường hợp của Xuân Son, việc phẫu thuật, can thiệp phải làm sao đảm bảo cho vận động viên có cơ hội quay trở lại thi đấu thể thao đỉnh cao. Ca phẫu thuật chỉ chiếm 10% trong tổng thể thành công của việc điều trị. 90% còn lại phụ thuộc vào quá trình tập luyện, phục hồi của Xuân Son.

Khoa học công nghệ là 'đòn bẩy' để đất nước tiến vào kỷ nguyên mới ảnh 2
GS.TS Trần Trung Dũng trong cuộc phẫu thuật chấn thương cho cầu thủ Nguyễn Xuân Son. Ảnh: NVCC.

Như ông nói, chúng ta có thể xử lý chấn thương của Xuân Son như những nơi khác trên thế giới. Vậy chi phí ca phẫu thuật, điều trị này trong so sánh tương quan với một số nước khác ra sao, thưa ông?

Về cơ bản, chi phí ở bệnh viện Vinmec là cao so với mặt bằng chung ở Việt Nam, nhưng còn rẻ hơn nhiều so với Thái Lan. Còn nếu ở Singapore, chi phí có thể cao hơn ở Việt Nam tới 3 – 4 lần. Nhưng, với trường hợp của Xuân Son, chi phí không phải vấn đề. Liên đoàn, CLB, gia đình… rồi các Mạnh thường quân đều sẵn sàng hỗ trợ. Lãnh đạo CLB cũng sẵn sàng đưa Xuân Son sang Hàn Quốc, Nhật Bản điều trị với mức chi phí có thể gấp 10 lần ở Việt Nam. Nhưng, qua trường hợp của Xuân Son điều trị ở Việt Nam có một điểm rất tích cực, là điểm sáng chung cho cả hệ thống y tế. Một cầu thủ thi đấu đỉnh cao bị chấn thương, trước việc có thể sang nước ngoài điều trị, nhưng lại tin tưởng lựa chọn điều trị tại Việt Nam. Điều này thể hiện niềm tin đối với hệ thống y tế đang tăng dần lên.

Chúng ta có học tập kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, áp dụng các biện pháp tiên tiến nhất để đảm bảo khả năng quay trở lại thi đấu thể thao đỉnh cao cho các vận động viên như trường hợp của Nguyễn Xuân Son, thưa bác sĩ?

Cần phải nói thêm, Trung tâm Y học thể thao Vinmec vừa trở thành trung tâm xuất sắc của Liên đoàn bóng đá Châu Á. Chúng tôi đảm bảo các tiêu chuẩn xử lý, chăm sóc, phẫu thuật cho vận động viên phục vụ các giải đấu lớn tầm cỡ châu lục. Các trang thiết bị, con người đều có sự kết nối với các trung tâm khác của châu Á. Kể cả trong trường hợp Xuân Son có nhu cầu, chúng tôi có thể kết nối, liên hệ với Liên đoàn bóng đá Nhật Bản, Ban Y học của Liên đoàn bóng đá Nhật Bản. Tuy nhiên, vận động viên vẫn muốn điều trị ở trong nước.

Về việc vận động viên có trở lại thi đấu đỉnh cao được không, thì với những người ngoài chuyên môn, họ chỉ nghĩ về chỗ xương gãy có liền lại được không. Nhưng với chuyên môn sâu, chúng tôi nhìn nhận quan trọng về phần mềm xung quanh khu vực gãy xương. Với chấn thương ở tốc độ di chuyển cao như vậy, nếu vết thương phần mềm nhiều, sẽ tổn thương cơ, khó để phục hồi lại 100%. Trên thế giới, dù y học tiến bộ, nhưng cũng không phục hồi hoàn toàn được. Hơn nữa, sau cuộc phẫu thuật thành công, như tôi nói ở trên, còn phụ thuộc vào quá trình tập luyện sau này, duy trì phong độ ra sao, có những người không thể trở lại mức độ cao nhất được. Tôi đã nói nhiều lần, với chỗ xương gãy, thậm chí chỉ là bác sĩ ra trường vài năm cũng có thể xử lý được rất tốt. Quan trọng là xử lý chấn thương phần mềm, có hồi phục được như cũ không. Câu chuyện trở lại thi đấu của các vận động viên là rất khó khăn, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của bản thân vận động viên và sự hỗ trợ của đội ngũ y tế chuyên môn…

Khoa học công nghệ là 'đòn bẩy' để đất nước tiến vào kỷ nguyên mới ảnh 3
Cầu thủ Nguyễn Xuân Son tập phục hồi thể lực trên giường bệnh. Ảnh: NVCC.

Với người bình thường, chỉ cần khoảng sau một thời gian ngắn, khi xương liền là có thể đi lại bình thường. Nhưng với trường hợp của Xuân Son, tôi nghĩ rằng, có thể quay trở lại tập luyện từ tháng thứ 4, sau đó dần dần tăng lượng vận động, đánh giá theo từng tháng… Sau đó, có thể nâng mức độ lên, cứ hình dung chạy bình thường là một cấp độ, cấp độ cao hơn là chạy lắt léo, chạy ngang, chạy chéo, chạy đổi hướng đột ngột… Xuân Son cần trải qua 3 giai đoạn, đầu tiên là chờ liền xương; giai đoạn 2 là phục hồi vận động; giai đoạn 3 là tăng mức độ thể lực, chạy bền, chạy dài, chạy nhanh… Chúng tôi nghĩ, khoảng 8 – 9 tháng sau, Xuân Son có thể quay trở lại, còn phong độ thế nào thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

(TyGiaMoi.com) - Nghị quyết 57 là "làn gió mới"

Thưa ông, chúng ta vừa trò chuyện về việc phẫu thuật chấn thương cho cầu thủ Nguyễn Xuân Son, thể hiện rằng, y học Việt Nam cũng phát triển trình độ cao, đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ. Liên quan vấn đề này, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ông nhìn nhận như thế nào về sự ảnh hưởng của nghị quyết này đối với các cộng đồng khoa học công nghệ nói chung, y học nói riêng?

Tôi dành thời gian đọc và tìm hiểu khá kỹ về Nghị quyết 57. Tôi nghĩ rằng, đây đúng là “làn gió mới”, sẽ giúp cho những nhà khoa học, những người làm công tác đào tạo, nghiên cứu, những người làm công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân có cơ hội làm tốt hơn nữa công việc của mình. Thầy thuốc sẽ chữa bệnh tốt hơn, thầy giáo đào tạo học trò có năng lực, kỹ năng, tầm nhìn tốt hơn, thấy được xu hướng trên thế giới để bắt nhịp với “dòng chảy khoa học công nghệ trên thế giới”, để có thể nhanh nhất đưa các ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến mới vào phục vụ đời sống, phục vụ chữa bệnh cho người dân Việt Nam. Không chỉ cá nhân tôi mà nhiều nhà khoa học khác cũng nhìn thấy như vậy. Nhiều tâm huyết của chúng tôi có thể sẽ được giải quyết từ ảnh hưởng của Nghị quyết 57.

Khoa học công nghệ là 'đòn bẩy' để đất nước tiến vào kỷ nguyên mới ảnh 4Khoa học công nghệ là 'đòn bẩy' để đất nước tiến vào kỷ nguyên mới ảnh 5Khoa học công nghệ là 'đòn bẩy' để đất nước tiến vào kỷ nguyên mới ảnh 6
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học. Ảnh: PV.

Là nhà khoa học từng dự cuộc gặp mặt của Tổng Bí thư Tô Lâm với đại biểu các trí thức, nhà khoa học, ông cảm nhận như thế nào về thông điệp của Tổng Bí thư liên quan lĩnh vực khoa học công nghệ?

Tôi cảm nhận sâu sắc Tổng Bí thư, lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhìn thẳng vào thực tiễn để thấy những điểm nghẽn trong phát triển khoa học công nghệ trong tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành Y tế. Tổng Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước thấy rõ, khoa học công nghệ sẽ đóng vai trò là “đòn bẩy” để đất nước ta phát triển, có uy tín, tiến vào kỷ nguyên mới. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh việc tạo điều kiện để tạo ra những nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng ngay những công nghệ tiên tiến trên thế giới để rút ngắn khoảng cách phát triển.

Đặc biệt, bây giờ là thế giới phẳng, là cơ hội để chúng ta có những công nghệ hàng đầu phục vụ cho phát triển đất nước. Vậy thì làm sao để tận dụng, triển khai được. Đó chính là câu chuyện về thể chế, quy định, hành lang pháp lý của Đảng, Nhà nước đi trước, để “mở toang” cánh cửa cho các nhà khoa học, các doanh nghiệp tham gia cùng với Nhà nước. Mọi thành phần trong xã hội đều có thể đóng góp, trong đó có cả Việt kiều, người nước ngoài; không chỉ đóng góp về mặt tài chính, mà có thể đóng góp về ứng dụng, giải pháp khoa học công nghệ. Nếu làm được như thế, đất nước sẽ phát triển nhanh hơn.

(TyGiaMoi.com) - Chưa đạt được như kỳ vọng của người dân vì phải lo khâu trung gian

Như bác sĩ vừa nói, các nhà khoa học hiện gặp nhiều rào cản trong nghiên cứu khoa học công nghệ. Có tình trạng nhiều khi nhà khoa học buộc phải "nói dối" để quyết toán, thanh toán đề tài. Theo bác sĩ, cần làm gì để tháo gỡ vấn đề này, để các nhà khoa học chỉ chuyên tâm vào nghiên cứu khoa học, có những công trình thực sự chất lượng?

Vấn đề này cũng được đề cập trong cuộc gặp với Tổng Bí thư Tô Lâm. Các bài tham luận đều rất tâm huyết, có nhiều đóng góp rất quan trọng. Tôi nhớ có tham luận nêu ví dụ rất thực tế. Hiện nay, kinh phí nghiên cứu khoa học cấp theo kiểu ngân sách hằng năm. Vì vậy, khi đấu thầu qua chu kỳ ngân sách thì có khi lại phải chờ đến… năm sau. Tuy nhiên, đến năm sau, có thể có đề tài khác tốt hơn, thì lại tiếp tục chờ. Vị này đề xuất giống mô hình các nước, là kinh phí nghiên cứu khoa học chuyển cho các quỹ. Nghĩa là, ngân sách hằng năm đều có kinh phí cho nghiên cứu khoa học, thì đều chuyển vào quỹ để có thể xử lý kịp thời, bởi ý tưởng khoa học, nếu không kịp có thể bị người khác triển khai mất. Quỹ sẽ chịu trách nhiệm về tối ưu hóa hiệu quả đầu tư tài chính của Nhà nước cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

"Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc" - trích Nghị quyết 57.

Hiện nay, cơ chế tài chính liên quan lĩnh vực này khá rườm rà, rắc rối về xác nhận này kia. Đôi khi các nhà khoa học tốn thời gian, bỏ công sức nhiều hơn vào phần này bởi nếu không được thì không thanh toán được.

Kết quả cuối cùng có khi lại không dành tâm huyết cho nghiên cứu. Ở một góc độ khác, bạn tôi nhận được học bổng của Quỹ Bill Gates, được tài trợ 250.000 USD, không phải giải trình gì, chi cho ai mà chủ yếu họ quan tâm sản phẩm cuối cùng là gì.

Ở đây, họ quan tâm là sản phẩm thương mại hóa được, đến tay người dùng, còn khâu trung gian họ không quan tâm. Thậm chí, có nhiều quỹ phi lợi nhuận, họ chỉ quan tâm sản phẩm để sử dụng miễn phí cho người dân.

Tiêu chí hoạt động của quỹ như vậy. Với một số quỹ khác, có thể doanh nghiệp tài trợ thì họ quan tâm đến giai đoạn sau là thương mại hóa sản phẩm. Quy chế chung là các quỹ thấy dự án phù hợp, họ cân đối rót tiền để nghiên cứu, sau đó họ cần báo cáo về sản phẩm cuối cùng như thế nào. Họ không quan tâm khâu trung gian, họ cũng không cần anh phải chứng minh bằng hóa đơn nào khác…

Tôi nghĩ đó là mô hình rất hợp lý. Tôi cũng từng tham gia khá nhiều đề tài cấp bộ, đề tài cấp nhà nước, nhưng thực tế cũng chưa thấy mức độ đầu tư lớn của Nhà nước, và với sự kỳ vọng về sản phẩm đầu ra, thì chưa đạt được như kỳ vọng của người dân. Có lẽ, một phần nguyên nhân là do nhà khoa học phải dành quá nhiều thời gian giải quyết những khâu trung gian…

Khoa học công nghệ là 'đòn bẩy' để đất nước tiến vào kỷ nguyên mới ảnh 7
Tổng Bí thư Tô Lâm thị sát tại dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná, ở huyện Thuận Nam. Ảnh: Lữ Hồ.

Như bác sĩ vừa nói, chưa cần đề cập đến năng lực của các nhà khoa học, mà chỉ cần về thủ tục, cơ chế, phân bổ kinh phí… đã là rào cản hạn chế sự sáng tạo của họ. Nghị quyết 57 cũng nêu về cơ chế tạo điều kiện để các nhà khoa học phát huy năng lực. Tổng Bí thư nói rằng, cần có cơ chế như “khoán 10” trong nông nghiệp thời trước. Bác sĩ nghĩ sao về vấn đề này?

Về vấn đề này, tôi chia sẻ lại quan điểm của một giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp vì tôi rất tâm đắc ý kiến đó. Khi khoa học công nghệ phát triển rất mạnh thì cần chú trọng đến vấn đề bản quyền sở hữu. Vấn đề này có liên quan đến kinh phí của Nhà nước.

Theo vị giáo sư này, sau khi nghiệm thu công trình nghiên cứu, rất khó triển khai vào cuộc sống. Kinh phí nhà nước bỏ ra, nhà khoa học chỉ thực hiện nghiên cứu chứ không sở hữu công trình đó được. Tức là anh ăn lương để làm nhiệm vụ đó. Như vậy thì không tạo được động lực. Nhiều nhà khoa học nghiên cứu ra những sản phẩm rất tâm huyết, kết quả rất tốt nhưng không được quyền để triển khai vào sản xuất.

Vị giáo sư đề xuất, với một số nhiệm vụ nghiên cứu khoa học có thể cho phép quỹ đầu tư, doanh nghiệp tham gia vào. Khi đó, với những dự án lớn, nhà nước đầu tư kinh phí một phần, doanh nghiệp đầu tư một phần, coi như sản phẩm đó vừa có sở hữu nhà nước, vừa có sở hữu doanh nghiệp, khi thương mại hóa sẽ tạo ra lợi nhuận. Mặt lợi cho nhà nước vừa thể hiện trong vấn đề bản quyền sở hữu, vừa được lợi khi chuyển sang thương mại, sản xuất vì có thể thu thuế từ doanh nghiệp…

Tôi nghĩ rằng, đó là một trong những nội dung điều chỉnh để tạo ra những cải cách, bước đột phá. Nhà nước chỉ tập trung đầu tư những dự án kéo dài, công trình lớn, mang tính thế hệ. Còn những nghiên cứu cơ bản, tính ứng dụng cao, thời gian ngắn thì giao bớt một phần hoặc giao hẳn cho doanh nghiệp để họ nhanh ứng dụng vào thực tế. Nhà nước sẽ thu lợi từ thuế và tránh được tình trạng lãng phí.

Hiện nay, Nhà nước rất khó trong việc ứng dụng nghiên cứu khoa học vào thực tiễn, bởi không thể linh hoạt giải pháp, trong khi, doanh nghiệp tham gia vào, sẽ kéo sát nhịp thở cuộc sống, của thị trường, gắn kết trách nhiệm chặt chẽ. Doanh nghiệp chi tiền, người ta sẽ tìm những cái mang lại hiệu quả, phục vụ nhu cầu thị trường, phục vụ nhân dân, đóng thuế cho Nhà nước.

(TyGiaMoi.com) - Dù công lập hay tư nhân cũng đều đóng góp cho sự phát triển chung

Theo bác sĩ, làm thế nào để thu hút nhân lực chất lượng cao?

Nghị quyết cũng đã nêu một điểm quan trọng của Nhà nước là tạo ra hành lang pháp lý, tạo môi trường để thu hút. Hiện nay vẫn hay chia ra doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công lập, tư nhân… nhưng thực ra, dù ở khu vực nào thì cũng vẫn đóng góp cho sự phát triển chung.

Ví dụ, trong nghề y của tôi chẳng hạn, dù công tác ở khu vực công lập, tư nhân… thì tôi vẫn làm hai nhiệm vụ chính là giảng dạy và chữa bệnh. Khi từ khu vực công sang khu vực tư nhân, tôi chia sẻ thật, một trong những động lực là vì câu chuyện “đầu tư cho khoa học công nghệ”.

Trước đây, tôi đam mê ấp ủ với ứng dụng công nghệ hàng đầu thế giới để phục vụ cho việc chữa bệnh, nhưng “bó tay” bởi mình không có công nghệ. Mình biết là phải sử dụng cái đó, công nghệ đó, nhưng không có công nghệ trong tay. Như công nghệ in 3D xương chậu, xương đùi… thì mới thay thế được, còn không chỉ có thể cắt bỏ.

Vì thế, dù đã làm công tác quản lý của bệnh viện công, tôi nhận thấy khả năng đầu tư công không thể đáp ứng, có những công nghệ đó. Thời điểm đó, cơ chế đó không thể làm được. Đó là lý do thúc đẩy tôi sang khu vực y tế tư nhân. Không hẳn là vì đãi ngộ, mà vấn đề doanh nghiệp sẵn sàng cam kết đầu tư, tài trợ công nghệ đó để phục vụ khám chữa bệnh.

Lợi ích mang lại là gì, người bệnh được sử dụng công nghệ đó để chữa bệnh, thụ hưởng giải pháp công nghệ hàng đầu như các nước phát triển. Sinh viên cũng sẽ được chứng kiến, học tập, tham gia vào việc giải quyết các bài toán khó bằng khoa học công nghệ để có tầm nhìn khác. Từ đó, sinh viên có suy nghĩ dám nghĩ, dám làm, dám triển khai, dám ứng dụng, bỏ qua mặc cảm tự ti về nước nghèo, nước kém phát triển…

Như bác sĩ chia sẻ, bác sĩ từng làm quản lý ở bệnh viện công. Thời điểm đó, bác sĩ có đề xuất việc đầu tư khoa học công nghệ như đã nói không, và lãnh đạo bệnh viện trả lời ra sao?

Thực ra, với những công nghệ hàng đầu đó thì không hề ít tiền. Trong thời gian tham gia công tác lãnh đạo bệnh viện, tôi nhận thấy đầu tư cho khu vực y tế công lập chưa tương xứng với nhu cầu, mong muốn của người dân về dịch vụ y tế. Khu vực y tế công có rất nhiều lợi thế, về hạ tầng, thiết bị, bảo hiểm, con người…. Nhưng tôi thấy, mức độ đầu tư cho bệnh viện công phải nhiều hơn nữa, không phải vì đội ngũ nhân viên y tế mà chính là phải vì niềm mong mỏi của những người dân muốn thụ hưởng một dịch vụ của bệnh viện hàng đầu của Thủ đô.

Công nghệ đó đáng lẽ phải có, nhưng vướng rất nhiều vấn đề về cơ chế, chính sách. Chi phí công nghệ đó rất đắt. Trong thời gian làm công tác quản lý, tôi chưa nhìn thấy dự án nào có thể đạt 1/10 mức mong muốn của tôi về đầu tư khoa học công nghệ, nên tôi biết là không thể có được, bởi vượt quá ngân sách hằng năm.

Vấn đề công nghệ cũng phải đi kèm với con người. Như công nghệ in 3D, bây giờ nhiều bệnh viện đang muốn phát triển sau khi tôi triển khai thành công, có tiếng vang trên khu vực. Nhưng khi họ đến hỏi ý kiến, tôi đều chia sẻ thật, rằng, đầu tư tài chính lớn như vậy thì cần phải có đội ngũ tương xứng, nếu không sẽ lãng phí ngay. Xưa nay chúng ta nghe nhiều về việc nhiều đơn vị công mua thiết bị rất tốt, nhưng về không có người vận hành, đắp chiếu rất lãng phí. Tôi phân tích kỹ lưỡng để mọi người hiểu, tránh đầu tư lãng phí. Trong các yếu tố thì con người vận hành đóng vai trò quan trọng. Hiện nay, với nhiều đơn vị, mức đầu tư hơn 100 tỷ thì không quá lớn, nhưng việc đạt được hiệu quả hay không thì lại là vấn đề.

Hơn nữa, với công nghệ, chỉ cần 1 – 2 năm có khi đã lỗi thời rồi. Nhiều người chỉ thấy phần nổi, nhưng quan trọng phải thấy chiều sâu về đầu tư con người. Mọi người nhìn thấy tôi triển khai 2 – 3 năm đã có thành quả vang dội, nhưng đâu biết tôi đã chuẩn bị con người từ 5 năm trước. Máy móc chỉ là phần cứng, phần mềm. Còn con người tôi đã có hết rồi, đã cử anh em đi học, đi tìm hiểu nhiều nơi.

Chúng tôi cũng chuẩn bị cả về việc làm sao chi phí phù hợp với người Việt Nam. Cái gì cần phải được hỗ trợ. Chúng tôi cũng đang dự kiến xin đề xuất được bảo hiểm hỗ trợ, để giảm chi phí cho bệnh nhân. Một giải pháp công nghệ chỉ có ý nghĩa khi phục vụ được gì, phục vụ được cho số đông chứ không phải tự hào vì mình có công nghệ đó. Chúng tôi cũng chuẩn bị cả các điều kiện cần thiết để chuyển giao công nghệ trong nước, đào tạo, tư vấn cho các đơn vị khác để giải quyết các nhu cầu trong thực tiễn.

Chúng tôi làm như vậy để không lãng phí. Kinh phí nghiên cứu khoa học tập đoàn rót cho chúng tôi cũng có yêu cầu về KPI, tức là các sản phẩm đầu ra, nhưng chưa bao giờ tập đoàn yêu cầu chúng tôi về doanh thu hoàn vốn, mà chỉ là câu chuyện anh đào tạo như thế nào. KPI là ứng dụng điều trị cho bao nhiêu bệnh nhân, đào tạo được bao nhiêu sinh viên, thậm chí còn cho chúng tôi thêm một phần kinh phí quỹ từ thiện để hỗ trợ cho các nạn nhân có chi phí điều trị lớn…

Công nghệ chúng tôi đang triển khai có thể nói tự tin là giải pháp công nghệ hàng đầu ASEAN, thậm chí Hàn Quốc cũng “tìm hiểu” và thời gian tới tôi sẽ được mời sang để giới thiệu. Nghĩa là, ở các nước phát triển, họ cũng đã ghi nhận, trân trọng tâm huyết của mình. Như Hàn Quốc là nước nằm trong tốp châu lục và thế giới, nhưng thấy mình triển khai ứng dụng khoa học công nghệ thành công, họ cũng không nề hà, sẵn sàng mời mình sang để tham khảo, học hỏi kinh nghiệm. Tôi làm việc lâu năm với các nhóm ở Hàn Quốc, Nhật Bản, thấy rằng, đó là điểm rất đáng trân trọng ở họ. Nghĩa là, không phải nghĩ mình ở trên đỉnh thế giới thì không cần quan tâm đến những người xung quanh, ngược lại, khi ở phân khúc dưới có những giải pháp hay, hiệu quả thì sẵn sàng học hỏi.

(TyGiaMoi.com) - Nhân tài thì "dùng chung"

Từng công tác ở cả lĩnh vực bệnh viện công lập và tư nhân, theo bác sĩ, khác biệt lớn nhất giữa hai khối này là gì. Làm sao để thu hút các nhà khoa học, nhà chuyên môn, nhân tài, để họ phát huy khả năng tập trung sáng tạo, đổi mới vì cộng đồng?

Vấn đề này tôi lại chia sẻ một câu chuyện về người thầy của tôi ở ĐH Y Hà Nội. Khi đó, tôi là PGĐ Bệnh viện Xanh Pôn. Thầy có mời tôi phụ trách thêm lĩnh vực chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Đại học Y. Lúc đó, nhiều người bên đó cũng phản đối, nói là kiêm chức… thế này thế kia. Nhưng thầy nói: Các anh nghĩ thế là không đúng, nhân tài thì phải dùng chung. Tôi chẳng đến mức được gọi là nhân tài, nhưng lúc đó cũng là một bác sĩ có uy tín trong mắt các bệnh nhân và sinh viên. Sau đó, thầy vẫn quyết định bổ nhiệm tôi. Tôi rất trân trọng chuyện đó. Tôi tâm niệm rằng, một cán bộ có năng lực thì câu chuyện không phải là vị trí, mà vấn đề chính là làm sao để người ta có thể đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển.

Tôi không nghĩ vị trí là quan trọng. Vì thế, tôi mong rằng, trong giai đoạn phát triển tới thì chúng ta thực hiện đúng nghĩa "nhân tài thì dùng chung". Hiện tại ở bệnh viện công lập, do vướng vào câu chuyện tự chủ tài chính, thành ra một số lãnh đạo vận dụng chưa đúng, theo kiểu tự chủ thì muốn nhân viên y tế phải toàn tâm toàn ý cho bệnh viện, không được đi đâu; sợ mang bệnh nhân đi mất. Như câu chuyện của tôi ở trên, phải trân trọng thế nào người ta mới mời sang. Hơn nữa, tôi sang cũng giúp chữa bệnh cho người dân và giúp cho việc đào tạo nhân lực tại chỗ, và về tổng thể sẽ góp phần nâng thương hiệu của bệnh viện cũ lên cao hơn.

Khoa học công nghệ là 'đòn bẩy' để đất nước tiến vào kỷ nguyên mới ảnh 8
Tôn vinh các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024. Ảnh: PV.

Đó là tôi chia sẻ rất thật. Khi Vinmec mời tôi về đây, tôi cũng nói sẽ tham gia phẫu thuật ở một số bệnh viện, tất nhiên không phải trong hệ thống tư nhân. Tôi không vì chuyện tài chính, bởi tôi phẫu thuật nhân đạo, không lấy tiền, chủ yếu giải quyết cho bệnh nhân, bởi không phải bệnh nhân nào cũng đủ tiền để vào Vinmec để tôi phẫu thuật. Và tôi sang những nơi đó cũng giúp giảng dạy, đào tạo cho các bác sĩ bên đó. Vinmec cũng đồng ý với tôi chuyện này, bởi họ biết rằng, nhờ việc đó, tôi có thể đóng góp nhiều hơn, chứ không phải vì tôi kiếm được nhiều tiền hơn.

(TyGiaMoi.com) - Cần điều chỉnh để không cần "vượt rào"

Nguyên nhân cơ bản của việc chưa thu hút được người tài, là do vướng cơ chế. Thay vì tập trung cống hiến thì đôi khi nhà khoa học lại cứ phải lo lắng về việc câu chuyện tài chính, thưa bác sĩ?

Tôi thấy rằng hai khu vực vẫn có điểm khác biệt về cơ chế. Từng làm ở khu vực công, tôi thấy rằng anh em cứ loay hoay, không triển khai được vì nhiều văn bản chưa thống nhất với nhau, rất dễ sai. Nhưng nếu mạnh dạn bứt phá, vượt rào, thì có khi sai. Tất nhiên, không nên khuyến khích chuyện “vượt rào”, mà cần thiết phải điều chỉnh để không cần vượt rào. Tôi nghĩ, nếu điều chỉnh được một số vấn đề, cơ chế rõ ràng thì chắc chắn không bác sĩ nào nghèo nữa. Bởi, khi người ta phát huy được khả năng nhiều nhất, thì thu nhập của họ cũng sẽ tương xứng với công sức bỏ ra.

Cũng cần phải nhìn nhận, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cũng như nhu cầu về ăn, ở. Trong xã hội, có người ăn cơm văn phòng thôi, nhưng có người sẽ ăn hải sản, uống rượu vang. Y tế cũng vậy. Có những người rất giàu, nhưng khu vực y tế công lập, với cơ chế tài chính bị bó hẹp thì không thể đáp ứng được. Cơ sở vật chất, trang thiết bị không phục vụ được, dù chất lượng bác sĩ rất giỏi. Nên nhiều người có tiền, họ sẽ ra nước ngoài chữa bệnh.

Trong những năm gần đây, y tế tư nhân phát triển, trong đó có Vinmec, Tâm Anh, thì đã góp phần làm chậm dòng chảy bệnh nhân ra nước ngoài. Trước đây, y tế tư nhân thường đầu tư cơ sở vật chất nhiều, sau đó mời bác sĩ chuyên môn giỏi của các bệnh viện công hợp tác. Nhưng với sự phát triển, hiện nay, lĩnh vực y tế tư nhân đã đầu tư cả về mặt con người, nghĩa là mời các chuyên gia đầu ngành sang làm cố định; tạo ra nguồn nhân lực để giúp hệ thống phát triển. Các trường tư về ngành y cũng đã xuất hiện, chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực trong tương lai.

Thực ra, chúng ta có cơ hội “mổ xẻ” rất nhiều thứ. Tại sao trước đây bệnh nhân muốn đi nước ngoài điều trị, nhưng hiện đã tự tin chữa trị tại Việt Nam, có niềm tin với y tế Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, nền y tế công nên áp dụng mô hình tương tự như một số nước có nhà thương – thực hiện các nhiệm vụ chính trị và có những phần làm dịch vụ. Như ở Singapore, ở một bệnh viện, người ta đấu thầu việc vận hành. Trong bệnh viện vẫn có những khu nằm giường bệnh có quạt trần thôi chứ không có điều hoà; cũng có những phòng 6 – 8 giường. Nhà nước có quỹ lo những ca mổ ruột thừa, cắt dạ dày với mức phí cố định do bảo hiểm chi trả. Như vậy, đơn vị nào quản trị tốt thì thắng, quản trị không tốt thì thua. Mô hình đó, “phần cứng” tức là khu vực thực hiện chức năng “nhà thương”, bảo hiểm y tế chi trả toàn bộ. Nhưng bên cạnh đó, bệnh viện vẫn có một khu dịch vụ, các giáo sư, bác sĩ vẫn làm ở bên khu vực “nhà thương”, nhưng cũng làm ở khu dịch vụ để khám chữa bệnh cho những người có điều kiện, để các bệnh nhân “có tiền” họ không sang nước ngoài.

Nghị quyết 57 đặt tầm nhìn đến năm 2045, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tỉ lệ doanh nghiệp công nghệ số tương đương các nước phát triển; tối thiểu có 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến. Thu hút thêm ít nhất 5 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam.

>> Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tháo gỡ điểm nghẽn trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/khoa-hoc-cong-nghe-la-don-bay-de-dat-nuoc-tien-vao-ky-nguyen-moi-post1709035.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Khoa học công nghệ là 'đòn bẩy' để đất nước tiến vào kỷ nguyên mới
    POWERED BY ONECMS & INTECH