Khơi dòng kiều hối dịp cuối năm

12-01-2023 15:21|Minh Vũ

Kiều hối là nguồn thu ngoại tệ, góp phần bảo đảm cung - cầu ngoại tệ, là yếu tố quan trọng trong việc phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ, tỷ giá và lãi suất của ngân hàng trung ương, vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải có các chính sách để khơi dòng kiều hối, đặc biệt là vào dịp cuối năm.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM mới đây cho biết, năm 2022 lượng kiều hối chuyển về TP.HCM ước đạt 6,8 tỷ USD, giảm 0,3 tỷ USD so với năm 2021.

Theo ông Lệnh, trong bối cảnh kinh tế của một số quốc gia và khu vực trên thế giới gặp nhiều khó khăn do lạm phát, đồng tiền mất giá, thu nhập của người dân, người lao động bị ảnh hưởng mà kiều hối chuyển về trong năm 2022 vẫn khả quan tiếp tục có ý nghĩa và vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng.

Theo Công ty Kiều hối Đông Á, nửa đầu năm 2022, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam bị ảnh hưởng do bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn. Nhưng tình hình đã cải thiện tích cực vào nửa cuối năm nên tính chung cả năm 2022, lượng kiều hối vẫn khả quan.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, lượng kiều hối chuyển về vào dịp Tết Nguyên đán thường tăng 10 - 15% so với các tháng trong năm. Năm nay, do Tết đến sớm, gần với Noel và Tết Dương lịch, nên kiều bào sẽ tập trung gửi tiền về dịp cuối năm cho người thân ăn Tết và mừng tuổi.

Ông Nguyễn Đức Lệnh cho hay, nguồn kiều hối là nguồn thu ngoại tệ từ kiều bào, từ người lao động gửi về, vì vậy trước hết phục vụ cho nhu cầu của người nhận kiều hối, có thể là tiết kiệm, tiêu dùng cá nhân, xây dựng, sửa sang nhà cửa hay mở rộng các hoạt động sản xuất - kinh doanh... Tất cả đều mang lại ý nghĩa cho sự tăng trưởng và phát triển trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

"Với ý nghĩa này, nếu so với nguồn thu ngân sách TP.HCM (ước tính năm 2022 đạt trên 434.000 tỷ đồng), nguồn kiều hối chuyển về trên địa bàn trong năm 2022 khoảng 6,8 tỷ USD (xấp xỉ 160.000 tỷ đồng) là nguồn thu không nhỏ, mang lại hiệu ứng tích cực. Nếu so với quy mô tiền gửi bằng ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM thì nguồn kiều hối chuyển về năm 2022 chiếm 48%. Đây cũng là con số ý nghĩa và là nguồn vốn không nhỏ", ông Lệnh nói.

Bên cạnh đó, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM còn cho biết, nguồn kiều hối chuyển về năm 2022 là nguồn thu ngoại tệ, góp phần trong việc bảo đảm cung - cầu ngoại tệ, là yếu tố quan trọng trong việc phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ, tỷ giá và lãi suất của ngân hàng trung ương, đặc biệt trong bối cảnh áp lực tỷ giá, lãi suất tăng là không nhỏ - khi áp lực lạm phát gia tăng và đồng tiền tại một số quốc gia trên thế giới có xu hướng mất giá mạnh trong năm 2022.

Theo đó, giá trị mang lại từ nguồn kiều hối là rất lớn, trở thành “nguồn lực vàng” cần tiếp tục khuyến khích, thu hút và phát huy hiệu quả từ nguồn lực này. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải có các chính sách để khơi dòng kiều hối, đặc biệt là vào dịp cuối năm.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, Nhà nước cần tạo ra sự đột phá về chính sách đối với Việt kiều và kiều hối. Theo đó, Luật Nhà ở nên cởi mở để Việt kiều có thể mua nhà tại Việt Nam nhiều hơn, tạo điều kiện giao lưu, gắn bó với quê hương. Ngoài việc đơn giản hóa các thủ tục chứng nhận đầu tư, trong thời gian tới, các ngành chức năng cũng cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về khuyến khích kiều hối để hình thành các quỹ sản xuất từ dòng kiều hối như quỹ kiều hối bất động sản, quỹ kiều hối hỗ trợ cho sản xuất nhỏ và vừa, hỗ trợ khởi nghiệp.

Về phía các ngân hàng, để chuẩn bị cho mùa cao điểm kiều hối cuối năm, các ngân hàng, công ty kiều hối đã và đang đẩy mạnh đầu tư về công nghệ. Khi thân nhân chuyển tiền từ nước ngoài, ngay lập tức tiền sẽ vào tài khoản cá nhân trong nước, hoặc chỉ một vài phút để có thể nhận tiền tại quầy. Việc chi trả tại nhà của người nhận cũng được thực hiện trong ngày. Nhiều ngân hàng, công ty kiều hối hiện đã phát triển hàng nghìn điểm, đại lý chi trả nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người nhận.

Bên cạnh đó, để "hút" kiều hối, nhiều ngân hàng thương mại cũng đã bắt đầu triển khai các chương trình khuyến mại, tặng quà cho khách nhận tiền gửi từ nước ngoài như Agribank, BIDV, Eximbank,...

Một tỉnh lập kỷ lục số lao động xuất ngoại, nhận 650 triệu USD kiều hối mỗi năm

Việt Nam thặng dư cán cân vãng lai 7.778 triệu USD trong quý III/2024

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/khoi-dong-kieu-hoi-dip-cuoi-nam-165847-165847.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Khơi dòng kiều hối dịp cuối năm
    POWERED BY ONECMS & INTECH