Khối ngoại ‘đổ xô’ mua cổ phiếu Hòa Phát (HPG) cao nhất 5 tháng
VN-Index quay lại mốc 1.270 điểm trong phiên 8/10. Khối ngoại bán ròng nhẹ gần 225 tỷ đồng trên toàn thị trường nhưng vẫn miệt mài gom một cổ phiếu ngân hàng 6 phiên liên tiếp.
Sau nhiều giờ giằng co, VN-Index kết phiên 8/10 với 2 điểm tăng (+0,16%) lên gần 1.272 điểm. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trên cả ba sàn đạt hơn 779,2 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị đạt gần 17.617,6 tỷ đồng.
Thị trường xảy ra tình trạng "xanh vỏ, đỏ lòng" với độ lệch nghiêng về phía tiêu cực khi có 176 mã tăng, 179 mã giảm và 79 mã tham chiếu. Lý do là dòng tiền tìm đến nhóm VN30 (+0,27%) và một số cổ phiếu vốn hóa lớn kéo chỉ số đi lên.
Các cổ phiếu có giá trị giao dịch lớn nhất trên sàn HoSE phiên 8/10 |
Kết thúc phiên hôm nay, khối ngoại bán ròng 224,8 tỷ đồng trên toàn thị trường, với giá trị bán ròng trên HoSE đạt 116 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, nhóm nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng hơn 138,8 tỷ đồng (5,7 triệu đơn vị) tại cổ phiếu Techcombank (TCB ), qua đó nối dài chuỗi mua ròng 6 phiên liên tiếp, tương ứng 920 tỷ đồng (37,2 triệu đơn vị).
Đáng chú ý, dòng tiền ngoại đã đổ vào cổ phiếu ngân hàng này 14/15 phiên gần nhất, với tổng giá trị đạt 1.300 tỷ đồng (53,4 triệu đơn vị).
Một mã blue chip khác cũng được mua mạnh phiên hôm nay là Hòa Phát (HPG ) với 137,2 tỷ đồng (5,1 triệu đơn vị), cao nhất 5 tháng. Kết phiên 8/10, cổ phiếu thép này tăng 2,1% lên 26.950 đồng/cp.
Cổ phiếu HPG có diễn biến tích cực trong bối cảnh tập đoàn vừa điều chỉnh giá bán đáng kể cho các sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) và thép xây dựng. Ngoài thép HRC, giá thép dây và thép cuộn dùng cho lĩnh vực xây dựng cũng ghi nhận mức tăng đáng kể.
Top 10 cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất trên HoSE theo khối lượng trong phiên 8/10 |
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc - quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn trên thị trường thép toàn cầu - vừa tung ra gói kích thích kinh tế lớn nhất kể từ sau đại dịch Covid-19. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã giảm các lãi suất chủ chốt và cung cấp nguồn vốn hỗ trợ tái cấp vốn thế chấp với mức lãi suất thấp hơn nhằm kích thích nền kinh tế đang chững lại. Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc cũng cam kết ngăn chặn sự suy giảm của thị trường bất động sản, đưa ra các chính sách nới lỏng quy định mua nhà, giúp cải thiện nhu cầu trong lĩnh vực này.
Trong báo cáo phân tích gần đây, Chứng khoán MBS nhận định, bộ ba ông lớn đầu ngành bao gồm Hòa Phát, Hoa Sen và Nam Kim sẽ hưởng lợi vào cuối năm bởi: (1) Tiêu thụ nội địa là động lực chính cho chu kỳ tăng trưởng trong 2 năm tới và giá thép có thể phục hồi kể từ quý IV/2024, (2) Các nhà sản xuất trong nước sẽ có thể giành được thị phần nhờ thuế chống bán phá giá sẽ được ban hành từ tháng 12/2024 và (3) Mức định giá của các công ty thép vẫn ở dưới mức trung bình trong giai đoạn tăng trưởng của chu kỳ thép.
Quay lại thị trường, các cổ phiếu nằm trong top mua ròng còn lại là LPB (83,4 tỷ đồng), VNM  (57,4 tỷ đồng), HAH (37 tỷ đồng), PVT (29,1 tỷ đồng). Các mã TPB, VIX, VIC, HCM cũng được bơm ròng dưới 28 tỷ đồng mỗi mã.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu MWG của Thế giới Di động bị khối ngoại xả mạnh nhất với gần 121 tỷ đồng (1,8 triệu đơn vị). Kết phiên 10/8, MWG  giảm 1,7% xuống còn 65.200 đồng/cp.
Top 10 cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất trên HoSE theo khối lượng trong phiên 8/10 |
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu được khối ngoại bán ròng nhiều nhất là các mã như STB (63,4 tỷ đồng), BMP (63 tỷ đồng), FPT (53,8 tỷ đồng). Các cổ phiếu VPB, PLX, SSI, OCB cũng bị xả dưới 38 tỷ mỗi mã.
>> Dòng tiền ngoại ‘chảy về’ cổ phiếu ngân hàng sắp lọt rổ VN30, thị giá vượt đỉnh lịch sử
Dòng tiền ngoại ‘đổ về’ cổ phiếu ngân hàng sắp lọt rổ VN30, thị giá vượt đỉnh lịch sử 
Sản lượng bán thép quý III của Hoà Phát (HPG) được dự báo 'tăng nóng'