Năng lực số là nhân tố quan trọng để trở thành một người lao động giỏi thời chuyển đổi số. Người tiêu dùng nếu không có năng lực số tốt cũng sẽ là 'kẻ mù mờ' trong kỷ nguyên số.
Nhận định trên được ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI), Hội Truyền thông số Việt Nam đưa ra tại phiên Hội thảo chuyên đề “Phát triển đổi mới sáng tạo trở thành động lực xây dựng nền kinh tế số”, trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ nhất năm 2023.
Theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ KH&ĐT, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo đã được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết.
Thực tế, công cuộc phát triển nền kinh tế số của Việt Nam thời gian qua đã đạt được một số thành tựu. Báo cáo e-Conomy SEA năm 2022 của Google, Temasek , Bain & Company đã chỉ ra rằng, nền kinh tế số Việt Nam đã đạt khoảng 23 tỷ USD vào năm 2022, và dự kiến sẽ đạt gần 50 tỷ USD vào năm 2025, mức tăng trưởng nhanh nhất nhờ sự đột phá của thương mại điện tử.
Còn theo khảo sát năm 2023 của tập đoàn Dịch vụ tài chính DBS về chuyển đổi số, Việt Nam xếp thứ 2 trong số 10 quốc gia được khảo sát về mức độ ứng dụng chuyển đổi số vào nâng cao trải nghiệm và gắn kết khách hàng, chỉ đứng sau Singapore.
Báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2023 do NIC và Quỹ đầu tư Do Ventures phối hợp phát hành tháng 3/2023 đã chỉ ra Fintech nhận được nhiều vốn đầu tư nhất, với mức tăng ấn tượng 248%.
Các ứng dụng thanh toán di động như Momo, ZaloPay và ViettelPay đã trở thành những cái tên quen thuộc và phổ biến trong cuộc sống hằng ngày của người dân Việt Nam.
Đại diện NIC cũng nhận định, thời gian qua, các bộ, ngành trong đó có 3 bộ TT&TT, KH&ĐT, KH&CN đã tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0) theo đúng chức năng, thẩm quyền quy định, tham mưu cho Chính phủ nhiều chính sách và giải pháp phát triển kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo.
“Nhiều đơn vị trong cả khối công – tư đã và đang triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm hiện thực hóa những khát vọng, chủ trương, định hướng đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong cách mạng 4.0, thông qua các hoạt động với các đối tác trong và ngoài nước để cung cấp, kết nối các nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp”, đại diện NIC cho hay.
Bàn về đổi mới sáng tạo trong kinh tế số, ở góc độ của đơn vị nghiên cứu, ông Lê Nguyễn Trường Giang chỉ ra các đặc trưng của một nền kinh tế số, đó là: Dữ liệu trở thành nhân tố sản xuất chủ chốt định hướng cho tăng trưởng kinh tế; hạ tầng số trở thành một loại hình hạ tầng mới; năng lực số trở thành một đòi hỏi mới đối với người lao động và người tiêu dùng; biên giới giữa cung và cầu ngày càng trở nên mờ nhạt.
Trong đó, đề cập đến yêu cầu về năng lực số, ông Lê Nguyễn Trường Giang phân tích: Khi công nghệ số thâm nhập vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội, nó ngày càng đòi hỏi người lao động phải có năng lực kép: cả kỹ năng số và kỹ năng chuyên môn. Vì thế, việc đòi hỏi có năng lực số trở thành một nhân tố quan trọng để trở thành một người lao động giỏi trong kỷ nguyên số.
Tương tự, với người tiêu dùng, nếu không có năng lực số tốt, họ cũng sẽ trở thành một “kẻ mù mờ” trong kỷ nguyên số khi không có khả năng tiếp cận và sử dụng hiệu quả các công nghệ số và dữ liệu số để ra quyết định chọn lựa và bảo vệ các quyền cơ bản của mình trong quá trình tiêu dùng, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ.
Vị Viện trưởng Chiến lược Chuyển đổi số cũng nhấn mạnh rằng: “Đổi mới sáng tạo là bản chất của kinh tế số, không có đổi mới sáng tạo, kinh tế số cũng giống như cỗ máy không có nhiên liệu để vận hành”.
Chia sẻ góc nhìn của doanh nghiệp, cả 2 đại diện doanh nghiệp công nghệ là Công ty an ninh mạng thông minh SCS và Công ty cổ phần MISA đều cho thống nhất rằng cần có những cách tiếp cận mới để có thể tạo ra được các giá trị trong nền kinh tế số.
Từ câu chuyện thực tế của đơn vị mình khi triển khai cung cấp giải pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng cho các hộ gia đình, trường học, CEO Công ty SCS Ngô Tuấn Anh cho biết, từ việc hiểu rõ đặc điểm và nhu cầu của nhóm đối tượng này, đội ngũ triển khai giải pháp SafeGate đã thay thế cách thức triển khai truyền thống bằng cách thức mới.
“Thay vì cung cấp giải pháp đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, chúng tôi triển khai theo mô hình nền tảng, cho phép các trường học, hộ gia đình sử dụng theo hình thức thuê bao, đảm bảo cả 2 tiêu chí là dễ dùng và chi phí phù hợp”, ông Ngô Tuấn Anh chia sẻ.
Còn theo Giám đốc Chuyển đổi số của MISA, ông Trịnh Văn Biển, doanh nghiệp công nghệ này cũng đã nghiên cứu kỹ nhu cầu để phát triển các nền tảng, giải pháp công nghệ phù hợp với từng đối tượng khách hàng.
Đơn cử như, nền tảng số MISA AMIS được phát triển để giải 3 bài toán khó của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) trong quá trình chuyển đổi số, đó là: Khó tiếp cận với các giải pháp ERP toàn diện do chi phí cao trong khi tính năng dư thừa, không thể sử dụng hết; hiện đang ứng dụng giải pháp chuyển đổi số rời rạc, không kết nối với nhau cũng như với các hệ thống bên ngoài khác khiến dữ liệu phân mảnh, phải nhập liệu; khi doanh nghiệp phát triển, mở rộng quy mô dần lên thì ứng dụng đang triển khai không còn phù hợp nữa và cần phải thay, song việc thay thế lại khó kế thừa dữ liệu quan trọng ở ứng dụng cũ.
Nâng cao năng lực số cho thế hệ trẻ Việt Nam 
Nâng cao năng lực số sẽ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia