Tài chính quốc tế

Không còn là dầu mỏ, điện trở thành động lực tăng trưởng số 1 của kinh tế Mỹ

Vũ Bấc 31/03/2025 19:46

Điện đang trở thành nguồn tài nguyên chiến lược mới, định hình lại cách các quốc gia tăng trưởng trong thời đại của nền kinh tế AI.

Suốt nhiều thập kỷ, dầu mỏ vẫn luôn được coi như cốt lõi của an ninh năng lượng và là động lực số 1 cho tăng trưởng kinh tế. Bất kỳ gián đoạn nào trong nguồn cung —do chiến tranh, thiên tai hay bất ổn chính trị —đều có thể gây chấn động cả nền kinh tế. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đang thay đổi. Trong tương lai gần, điện mới là yếu tố then chốt quyết định sự ổn định và phát triển kinh tế.

Sau nhiều năm tăng trưởng chậm, nhu cầu điện đang bùng nổ trở lại. Nguyên nhân đến từ sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI), các trung tâm dữ liệu, dịch vụ kỹ thuật số và trong dài hạn là giao thông cũng như các tòa nhà sử dụng điện.

Một nền kinh tế phụ thuộc vào điện sẽ khác hẳn thời kỳ dầu mỏ thống trị. Nó đòi hỏi những khoản đầu tư khổng lồ vào sản xuất, truyền tải và phân phối. Vấn đề cung – cầu điện năng sẽ trở thành vấn đề chính trị không kém gì giá xăng.

Tại vùng ngoại ô Gloucester, bang Virginia (Mỹ), dấu ấn của nền kinh tế điện đã hiện rõ. Cách đây gần 2 năm, công ty Dominion Energy đã hoàn thành cơ sở năng lượng mặt trời rộng 175 mẫu Anh tại một khu đất từng là vườn ươm cây. Khi ông Ross Millikan gia nhập bộ phận năng lượng tái tạo của Dominion năm 2015, công ty chưa có cơ sở điện mặt trời nào đang hoạt động. Hiện tại, đội ngũ 80 người do ông lãnh đạo đang vận hành 58 cơ sở, bao gồm cả trang trại điện mặt trời tại Gloucester.

“Chúng tôi từng xem mình như một startup hoạt động trong lòng một công ty tiện ích truyền thống. Giờ đây, đây là nguồn thu chính của cả bộ phận và công ty", Millikan, 38 tuổi, Giám đốc vận hành năng lượng tái tạo của Dominion, chia sẻ.

Theo công ty tư vấn Grid Strategies, thời kỳ hoàng kim của điện tại Mỹ là những năm 1950–1960, khi nhu cầu tăng trung bình 8% mỗi năm nhờ sự phổ biến của thiết bị gia dụng và điều hòa. Tuy nhiên, đến đầu những năm 2000, đà tăng chững lại dưới 1% do dân số tăng chậm, thiếu đổi mới công nghệ và hiệu suất sử dụng năng lượng được cải thiện.

Nhưng cú hích công nghệ đã làm thay đổi cục diện. Theo dữ liệu của Wall Street Journal, tăng trưởng tiêu thụ điện năm ngoái đã vọt lên 3% và dự kiến giữ mức này trong ít nhất 5 năm tới.

Không còn là dầu mỏ, điện trở thành động lực tăng trưởng số 1 của kinh tế Mỹ - ảnh 1
Mức tăng trưởng nhu cầu điện trung bình hằng năm ở Mỹ từ những thập niên 1950 đến năm 2024.

Grid Strategies ước tính, kể từ năm 2022, các công ty điện lực đã liên tục điều chỉnh dự báo về nhu cầu điện. Các yếu tố thúc đẩy gồm: trung tâm dữ liệu phục vụ AI, điện toán đám mây, tiền điện tử; các nhà máy sản xuất mới; và việc áp dụng rộng rãi xe điện, máy bơm nhiệt cùng sản xuất hydro.

Dominion Energy đang chuẩn bị cho một cuộc đại tu quy mô lớn. Trong 15 năm tới, công ty có kế hoạch tăng gấp đôi công suất phát điện, lên 56 gigawatt—phần lớn để phục vụ "Thung lũng Trung tâm Dữ liệu" (Data Center Alley) ở Bắc Virginia, khu vực tập trung dày đặc các trung tâm dữ liệu hàng đầu nước Mỹ. Năng lượng mặt trời dự kiến sẽ chiếm 45% trong số đó, đồng nghĩa với việc Dominion sẽ phải xây dựng hàng loạt cơ sở mới mỗi năm.

Dù dầu mỏ và khí đốt vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong nhiều thập kỷ tới, vị trí của chúng trong bức tranh năng lượng nội địa đang dần nhường chỗ cho điện.

Nhờ cuộc cách mạng khai thác đá phiến, Mỹ đã trở thành một trong những nhà sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, mức tiêu thụ trong nước đang chững lại. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), lượng tiêu thụ các sản phẩm dầu mỏ như xăng, nhiên liệu máy bay và dầu sưởi đã gần như không đổi trong 20 năm qua. Mức sử dụng khí đốt tự nhiên—trừ phần dùng để sản xuất điện—cũng giảm kể từ năm 2018. EIA dự báo mức tăng trưởng tiêu thụ dầu khí sẽ dưới 1% mỗi năm trong hai năm tới.

Dù vậy, dầu mỏ vẫn mang tính chiến lược. Sự gián đoạn nguồn cung tại bất kỳ điểm nào trên thế giới, từ Trung Đông đến Nga, vẫn có thể tác động trực tiếp đến thị trường Mỹ, bất kể nước này đã trở thành quốc gia xuất khẩu ròng. Đây chính là lý do khiến dầu mỏ từ lâu ảnh hưởng sâu sắc đến chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ.

Không giống dầu mỏ vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường toàn cầu, điện chủ yếu được sản xuất từ các nguồn nội địa — than, khí đốt, hạt nhân, thủy điện, gió, mặt trời và địa nhiệt. Điều này giúp cách ly ngành điện khỏi các cú sốc bên ngoài liên quan đến từng loại nhiên liệu đơn lẻ.

Không còn là dầu mỏ, điện trở thành động lực tăng trưởng số 1 của kinh tế Mỹ - ảnh 2
Một trung tâm dữ liệu của Amazon Web Services , đang được xây dựng gần một nhà máy hạt nhân tại Berwick, Pennsylvania, Mỹ

Khi mặt trời lặn và các tấm pin ở Gloucester ngừng hoạt động, điện được cung cấp bởi các nhà máy hạt nhân và khí đốt của Dominion Energy — và trong tương lai là các hệ thống lưu trữ bằng pin. “Không một nguồn điện nào có thể đảm bảo cung cấp ổn định cho tất cả khách hàng,” người phát ngôn của Dominion, ông Aaron Ruby, cho biết. “Chúng tôi cần hạt nhân, khí đốt tự nhiên và cả năng lượng tái tạo.”

Tuy nhiên, an ninh điện không hoàn toàn miễn nhiễm với rủi ro. Thời tiết cực đoan, thiên tai, sự biến động bất ngờ từ các ngành như khai thác tiền mã hóa, hay tình trạng thiếu gió và nắng đều có thể ảnh hưởng đến nguồn cung.

Tại bang Pennsylvania, một trung tâm dữ liệu khổng lồ của Amazon Web Services đang mọc lên bên cạnh nhà máy điện hạt nhân Berwick—biểu tượng rõ nét cho nhu cầu điện đang tăng vọt của nền kinh tế số.

Không giống dầu khí, phần lớn chi phí trong ngành điện nằm ở đầu tư cơ sở hạ tầng—từ nhà máy, đường dây truyền tải đến thiết bị lưu trữ và phân phối. Trong khi đó, dầu khí tạo ra đóng góp GDP gấp đôi so với các công ty tiện ích, thì riêng lĩnh vực điện lại đầu tư nhiều hơn 50% vào công nghệ và thiết bị.

“Chúng tôi đang mua thiết bị điện gấp 10 lần so với vài năm trước,” ông Rob Gramlich, Chủ tịch Grid Strategies, cho biết. “Máy biến áp và các thiết bị cơ bản cho trạm biến áp hiện đang thiếu hụt nghiêm trọng.” Nguyên nhân một phần đến từ việc nhiều nhà sản xuất đã giảm công suất hoặc chuyển hướng trong thời kỳ nhu cầu thấp từ 5–9 năm trước.

Tình trạng khan hiếm này làm tăng chi phí đầu tư—và người tiêu dùng có thể sẽ phải gánh chịu. Trong trường hợp nhu cầu điện tăng không như kỳ vọng—chẳng hạn như bong bóng trung tâm dữ liệu nổ vỡ—chi phí đầu tư dư thừa cũng sẽ được chuyển sang hóa đơn điện của khách hàng.

Không còn là dầu mỏ, điện trở thành động lực tăng trưởng số 1 của kinh tế Mỹ - ảnh 3
Nguồn vốn đầu tư tài sản cố định của Mỹ giữa hai lĩnh vực: điện năng và khai thác dầu khí – sản phẩm dầu mỏ và than đá từ năm 2000 đến nay (tỷ USD) - Nguồn: Bộ Thương mại Mỹ

Không giống dầu, ngành điện bị kiểm soát chặt chẽ ở cả cấp địa phương, tiểu bang và liên bang. Một dự án phát điện mới phải xin phép để được kết nối vào lưới điện. Theo Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley, vào năm 2023, thời gian chờ trung bình cho các đơn xin kết nối là khoảng 5 năm.

Trong khi đó, quá trình phê duyệt cơ sở hạ tầng mới đang trở nên ngày càng khó khăn. “Ai cũng thừa nhận cần mở rộng hệ thống truyền tải, nhưng giải pháp cụ thể thì lại rất thiếu,” ông Timothy Fox, Giám đốc điều hành tại công ty nghiên cứu ClearView Energy Partners, nhận định.

Tại Mỹ, ngành điện đang vấp phải nhiều thách thức do môi trường chính trị đang bị phân hóa sâu sắc. Đảng Dân chủ và các nhóm cấp tiến thường ủng hộ trợ cấp và quy định bắt buộc sử dụng năng lượng tái tạo, trong khi phản đối việc mở rộng khai thác khí đốt và phát triển đường ống dẫn.

Ngược lại, Đảng Cộng hòa và các nhóm bảo thủ lại ưu tiên nhiên liệu hóa thạch và chống lại các chính sách năng lượng xanh.

Dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, chính quyền từng bãi bỏ nhiều quy định kiểm soát khí thải nhà kính, thúc đẩy xây dựng đường ống khí đốt, tạm dừng cấp phép cho các dự án điện gió ngoài khơi và cân nhắc cắt trợ cấp cho năng lượng sạch. Một số bang do Đảng Cộng hòa kiểm soát thậm chí còn trao quyền cho các thành phố chặn các dự án năng lượng tái tạo.

Fox News cho biết, dưới thời ông Trump, Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang ít có khả năng thông qua các dự án đường dây truyền tải mới nếu vấp phải sự phản đối từ các tiểu bang.

Khi dòng điện dần thay thế xăng dầu trong mọi lĩnh vực từ giao thông đến công nghiệp, việc điều chỉnh chính sách, quy hoạch hạ tầng và vượt qua rào cản chính trị sẽ là những bài toán lớn cho tương lai.

Tham khảo Wall Street Journal (WSJ)

>> Ông Trump làm tê liệt ngành công nghiệp điện gió của Mỹ, thiệt hại hàng tỷ USD

Mỹ ngừng dự án khôi phục lưới điện cho Ukraine

Phát hiện ‘kho báu’ khủng ẩn dưới sa mạc có thể tạo ra 50 tấn hydro xanh mỗi ngày, siêu cường thế giới tham vọng dẫn đầu cuộc cách mạng năng lượng sạch

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/khong-con-la-dau-mo-dien-tro-thanh-dong-luc-tang-truong-so-1-cua-kinh-te-my-139395.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Không còn là dầu mỏ, điện trở thành động lực tăng trưởng số 1 của kinh tế Mỹ
    POWERED BY ONECMS & INTECH