Tài chính Ngân hàng

Không dễ để xử lý tình trạng sở hữu chéo, sở hữu ngân hàng vượt trần

Tuân Nguyễn 05/12/2024 20:27

Mặc dù Luật Các tổ chức tín dụng đã giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của cổ đông tổ chức và cá nhân tại các ngân hàng, tuy nhiên không dễ xử lý tình trạng sở hữu vượt trần trong một sớm một chiều.

Vốn pháp định của một ngân hàng hiện nay là 3.000 tỷ đồng, theo quy định tại Nghị định số 141/2006/NĐ-CP. Tuy nhiên, để bảo đảm các hệ số an toàn trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng "thần tốc" và cạnh tranh khốc liệt, hầu hết ngân hàng đã tăng vốn điều lệ lên gấp hàng chục lần so với mức tối thiểu.

Để có được mức vốn điều lệ “khủng” như hiện nay, không ít ngân hàng chấp nhận nhiều năm liền không chia cổ tức bằng tiền mặt.

Tại Hội thảo “Xây dựng tập đoàn tài chính phát triển bền vững ở Việt Nam”, diễn ra ngày 5/12, luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI - cho rằng giới chủ của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân thường có xu hướng tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần. Do đó, tăng vốn chủ yếu là của cá nhân, thậm chí nhiều cổ đông tăng sở hữu bằng vốn thực chất của cá nhân.

Theo ông Đức, điều này dẫn đến tình trạng trong một số thời kỳ, ước đoán có nhiều hơn một nửa số ngân hàng cổ phần chỉ do một số ít cá nhân sở hữu chi phối.

LS Trương Thanh Đức.jpg
Luật sư Trương Thanh Đức (giữa): trong một số thời kỳ, ước đoán có nhiều hơn một nửa số ngân hàng cổ phần chỉ do một số ít cá nhân sở hữu chi phối. Ảnh: VietTimes.

Tuy nhiên, khác với lộ trình giảm dư nợ cấp tín dụng (cho một khách hàng từ 15%, mỗi năm giảm 1%, xuống 10% vốn tự có kể từ năm 2029, tương tự là giảm mức dư nợ đối với mỗi nhóm khách hàng và người có liên quan từ 25% xuống 15%), lại chưa đặt ra lộ trình cụ thể giảm sở hữu vốn, mà giao toàn quyền cho Ngân hàng Nhà nước.

Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2024 quy định cổ đông là cá nhân chỉ được sở hữu tối đa 5% vốn điều lệ ngân hàng, trong khi cổ đông tổ chức không được sở hữu quá 10%. Các tổ chức tín dụng cũng phải công khai danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ. Điều này giúp minh bạch hóa việc giám sát các ngân hàng. Tuy nhiên, đến nay mới có 23 ngân hàng chấp hành quy định công bố công khai danh sách này.

“Một người dân không nằm trong diện nộp thuế thu nhập cá nhân nhưng lại là cổ đông nắm 1% vốn ngân hàng, một doanh nghiệp liên quan đến giới chủ vay rất nhiều tiền từ ngân hàng, nếu được công khai chi tiết thông tin thì công chúng đều nhìn thấy và cơ quan chức năng phải xem xét ngay. Tuy nhiên, nếu 10 cổ đông, mỗi người được nhờ đứng tên sở hữu suýt soát 1% thì tổng số đã gần gấp đôi giới hạn đối với một cổ đông cá nhân mà không phải công khai, tức không bị giám sát chặt”, luật sư Trương Thanh Đức phân tích.

Theo vị này, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ thì rất dễ xảy ra tình trạng nguồn vốn từ sở hữu chéo, liên kết, bắt tay nhau.

Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, cho rằng, nếu ngân hàng thuộc hệ sinh thái một tập đoàn tài chính sẽ tận dụng được lợi thế của nhau. Tuy nhiên, hạn chế là vẫn sở hữu chéo chằng chịt, trong điều kiện không minh bạch thì vô cùng khó kiểm soát. Cùng với đó là việc tuồn vốn cho công ty sân sau dễ dãi, tạo rủi ro lan truyền trong hệ thống, ưu đãi nội bộ nhằm lách luật, thiếu minh bạch.

“Hệ sinh thái của tập đoàn tài chính có vốn Nhà nước đơn giản hơn, thuần về lĩnh vực tài chính. Trong khi hệ sinh thái của tập đoàn tài chính tư nhân cơ cấu phức tạp hơn, nhiều công ty con hoạt động phi tài chính, gồm cả bất động sản”, ông Phạm Xuân Hòe nói.

Chia sẻ tại hội thảo, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, nhấn mạnh, tính minh bạch là một trong những yêu cầu quan trọng nhất của Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Song, không dễ để kiểm tra nguồn gốc vốn góp nhằm đảm bảo tính minh bạch, do tính minh bạch chung của xã hội còn thấp.

Theo ông Nghĩa, nếu không có cải cách thực sự về hành chính và pháp lý, sẽ còn tồn tại tình trạng thiếu minh bạch như từng xảy ra tại Ngân hàng SCB.

Còn theo chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, tỷ lệ sở hữu của cá nhân tại Luật Các tổ chức tín dụng được quy định thấp hơn so với pháp nhân. Các cổ đông có thể lách quy định sở hữu bằng việc nhờ đứng tên hộ.

“Nhưng điều này thường không giấu được cơ quan chức năng. Muốn làm quyết liệt sẽ làm được, việc điều tra một người có liên quan đến ai trong ngân hàng đâu có khó,” TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Ông Hiếu đề xuất Nghị định hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có thể đưa ra chế tài, nếu ngân hàng nào vi phạm lặp đi lặp lại, chẳng hạn như 3 lần, thì bị rút giấy phép.

>> 'Ngân hàng SCB tồn tại nhiều năm trong tình trạng không minh bạch'

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an 'vào cuộc' xử lý thao túng, sở hữu chéo ngân hàng

Vụ Vạn Thịnh Phát: Người phát minh ra công thức giúp tránh tình trạng sở hữu chéo thấy 'nhẹ lòng'

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/khong-de-de-xu-ly-tinh-trang-so-huu-cheo-so-huu-ngan-hang-vuot-tran-2348914.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Không dễ để xử lý tình trạng sở hữu chéo, sở hữu ngân hàng vượt trần
    POWERED BY ONECMS & INTECH