Top 3 quốc gia có trữ lượng vàng nhiều nhất gồm Mỹ, Đức và Italy. Trong đó, lượng dự trữ vàng của quốc gia đứng đầu gần bằng 3 quốc gia đứng sau cộng lại.
Theo Forbes, vàng được coi là một phương tiện lưu trữ giá trị ổn định và đáng tin cậy. Do đó, dự trữ vàng  rất quan trọng đối với sự ổn định kinh tế của một quốc gia, đặc biệt là trong thời kỳ bất ổn tài chính.
Bên cạnh đó, vàng trong lịch sử cũng đóng vai trò hỗ trợ giá trị đồng tiền của một quốc gia. Mặc dù chế độ bản vị vàng không còn được sử dụng rộng rãi, một số quốc gia vẫn coi dự trữ vàng là phương tiện để duy trì ổn định tiền tệ .
Được biết, bản vị vàng là chế độ quy định giá trị đồng nội tệ của một quốc gia được đảm bảo 100% bởi vàng. Chế độ này phổ biến vào cuối những năm 1800 và chiếm một phần quan trọng trong những năm 1900.
Hiện tại, các quốc gia hỗ trợ giá trị tiền giấy bằng vàng thông qua việc thiết lập tỷ giá hối đoái cố định giữa tiền tệ của họ và một lượng vàng cụ thể.
Về cơ bản, mỗi đơn vị tiền tệ được phát hành có giá trị tương ứng bằng vàng và các cá nhân có thể đổi tiền mặt lấy vàng thực tế theo tỷ giá quy định này.
Thế giới đang chứng kiến nhu cầu dự trữ vàng tăng lên trong bối cảnh bất ổn kinh tế ngày càng tăng. Các Ngân hàng Trung ương (NHTW) đều coi thứ kim loại này như một tài sản trú ẩn an toàn (safe haven).
Dự trữ vàng dự kiến sẽ tiếp tục chiếm ưu thế quan trọng trong việc xây dựng uy tín tín dụng và vị thế kinh tế tổng thể của một quốc gia.
Theo đó, các nhà phân tích của Forbes đã lên danh sách thống kê để tìm ra 20 quốc gia hàng đầu có trữ lượng vàng nhiều nhất.
Dựa trên ước tính của Hội đồng vàng thế giới (World Gold Council), họ đã xếp hạng những quốc gia có trữ lượng vàng lớn nhất thế giới trong quý IV/2023.
Đứng đầu danh sách là Mỹ, quốc gia nắm giữ khoảng 8.133 tấn vàng trị giá 543,4 tỷ USD. Ở vị trí thứ 2 là Đức với 3.352 tấn (224 tỷ USD), theo sau là Italy với 2.451 tấn (163,8 tỷ USD), Pháp với 2.436 tấn (162,8 tỷ USD) và Nga với 2.332 tấn (155,8 tỷ USD) đứng thứ 5.
Trong số những quốc gia này, đáng chú ý nhất phải kể đến Trung Quốc. Năm ngoái, ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã mua vàng nhiều nhất từ trước tới nay và tăng dự trữ vàng trong 16 tháng liên tiếp tính đến tháng 2/2024.
Tuy nhiên, đất nước tỷ dân lại chỉ đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng khi đạt 2.235 tấn vàng dự trữ trị giá 149,3 tỷ USD.
Ngay sau Trung Quốc là Thụy Sĩ với 1.040 tấn (62,5 tỷ USD), Nhật Bản đạt 845 tấn (56,5 tỷ USD), Ấn Độ đạt 803 tấn (53,69 tỷ USD) và Hà Lan ghi nhận 612 tấn (40,9 tỷ USD).
Sức hấp dẫn của vàng càng tăng cao do mối tương quan nghịch đảo của nó với đồng tiền Mỹ. Khi giá trị của đồng USD giảm, vàng có xu hướng tăng giá trị. Động lực này cho phép các NHTW bảo vệ dự trữ của họ trong thời điểm thị trường biến động.
Ngoài ra, một số quốc gia cũng sử dụng vàng để giải quyết sự mất cân bằng thương mại hoặc làm tài sản thế chấp cho các khoản vay. Sự hiện diện của dự trữ vàng có thể nâng cao uy tín tín dụng của một quốc gia và ảnh hưởng đến vị thế của quốc gia đó trong hệ thống kinh tế toàn cầu.
Giá vàng thế giới vừa lập kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày 1/4, tăng vọt 23,7 USD lên mức 2.256,7 USD/ounce nhờ kỳ vọng vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed ) cắt giảm lãi suất. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử của vàng thế giới tính đến thời điểm này.
>> Không phải Trung Quốc, đây mới là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới vào năm 2024