Giá điện ở châu Âu tiếp tục phá vỡ kỷ lục, làm gia tăng cuộc khủng hoảng năng lượng trong khu vực. Vì 20% lượng điện của châu Âu được sản xuất bằng các nhà máy chạy bằng khí đốt, nên sự sụt giảm trong nguồn cung khí đốt sẽ khiến giá điện tăng.
Giá điện tại châu Âu tăng do Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt
Các tác động của tình trạng nguồn cung năng lượng hạn hẹp đang ngày càng trầm trọng hơn. Cùng với cuộc xung đột Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu lắng dịu, nền kinh tế tại châu Âu đang phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề.
Điển hình là giá điện sinh hoạt đã tăng lên các mức cao kỷ lục, báo hiệu một mùa đông vô cùng khó khăn với nhu cầu tiêu thụ điện lớn vào việc sử dụng lò sưởi của các quốc gia châu Âu.
Theo dự đoán của các chuyên gia, giá điện của Đức trong năm sau từng được coi là mức giá tiêu chuẩn của châu Âu. Nhưng vào ngày 29/8 cũng đã tăng mạnh 1.000 € (999,80 USD) mỗi megawatt giờ.
Cụ thể, từ ngày 1/10/2022, mỗi hộ gia đình tại Đức sẽ phải đóng thêm 2,4 cent cho mỗi KWh sử dụng khí đốt, tương đương với việc phải chi thêm khoảng 500 euro mỗi năm.
Tại thị trường châu Âu, giá khí đốt ngày 26/8 đã ở mức 341 euro cho mỗi MWh, gần bằng mức kỷ lục 345 euro/MWh hồi tháng 3/2022 và mức giá này đã tăng 5,5 lần chỉ trong vòng 12 tháng qua.
Giá điện đã tăng vọt từ khi Gazprom (công ty tinh lọc khí thiên nhiên lớn nhất thế giới) của Nga thông báo rằng họ sẽ đóng cửa đường ống dẫn khí Nord Stream 1 trong ba ngày bắt đầu từ 31/8 để thực hiện công việc bảo trì, làm dấy lên lo ngại rằng Moscow có thể đóng cửa hoàn toàn khí đốt cho châu Âu, nơi đang chạy đua để tích trữ nguồn cung trước mùa đông.
20% lượng điện của châu Âu được sản xuất bằng các nhà máy chạy bằng khí đốt, vì vậy sự sụt giảm trong nguồn cung khí đốt sẽ khiến giá tăng lên.
Ở lĩnh vực hạt nhân, Pháp là nơi cung cấp khoảng 70% điện năng cho cả nước, cũng đang phải vật lộn với sản lượng thấp hơn, đẩy giá năng lượng của nước này lên cao.
Xung đột Nga - Ukraine không phải là nguyên nhân duy nhất khiến giá điện tăng cao tại Pháp. Việc nhiều lò phản ứng hạt nhân bị đóng cửa do vấn đề khấu hao cũng là một yếu tố dẫn đến tình hình hiện nay.
Đến ngày 29/8, chỉ 24 trong số 56 lò phản ứng do tập đoàn năng lượng EDF vận hành vẫn còn hoạt động. Hiện Pháp đã trở thành nước nhập khẩu điện, thay vì xuất khẩu như trước đây.
Theo thông báo mới nhất của Cộng hoá Séc, họ sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của các bộ trưởng năng lượng của châu Âu tại Brussels vào tuần tới khi khu vực tìm kiếm các giải pháp.
Các quốc gia tại châu Âu yêu cầu người dân tiết kiệm năng lượng điện
Trung tâm tư vấn chiến lược Bruegl có trụ sở tại Brussels, Bỉ cho hay, các nước EU đã phân bổ 236 tỷ EUR từ tháng 9/2021 tới tháng 8/2022 để bảo vệ hộ gia đình và doanh nghiệp khỏi cú sốc tăng giá. Tuy nhiên, tổ chức này nhận định, mùa đông sẽ là giai đoạn đầy khó khăn với tất cả các nước châu Âu. Giá điện sẽ duy trì ở mức cao, thậm chí có thể tăng thêm.
Giá năng lượng châu Âu bắt đầu tăng từ khi nhiều quốc gia dỡ hạn chế COVID-19 và tăng vọt sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Những tuần gần đây, các nước EU liên tục công bố nhiều chiến dịch tiết kiệm năng lượng, khuyến khích người dân giảm tiêu thụ điện trong mùa đông.
Đức thông báo nhiệt độ trong văn phòng hành chính công mùa đông sẽ giới hạn ở mức 19 độ C, còn nước nóng sẽ bị tắt. Bể bơi tư nhân cũng bị cấm bật hệ thống sưởi từ tháng 9 và kéo dài trong 6 tháng.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết lượng khí tồn kho của nước này đã đủ để cung cấp điện cho cả nước và quốc gia này sẽ không phải trả mức giá cao như thị trường hiện nay. Các kho chứa khí đốt của Đức đã đầy gần 83% và sẽ đạt ngưỡng 85% vào đầu tháng 9.
Phần Lan cũng khuyến khích người dân giảm nhiệt độ hệ thống sưởi, tắm nhanh, ít đi xông hơi. Các hộ gia đình Pháp được bảo vệ bởi giá trần năng lượng từ 31/12/2021 tới nay.
Dự án điện tái tạo hưởng giá ưu đãi không đúng sẽ bị thu hồi lại tiền 
Láng giềng Việt Nam chi hơn 3 triệu tỷ đồng xây siêu đập lớn gấp 3 lần Tam Hiệp