Kinh tế Anh vẫn "đau đầu" trước lạm phát
Lạm phát cao khiến các chuyên gia hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của quốc gia châu Âu này.
Trong bối cảnh nhiều nước châu Âu  ghi nhận những chuyển biến tích cực về lạm phát, Vương quốc Anh vẫn phải đối mặt với áp lực từ lạm phát tăng cao, đe dọa đến triển vọng tăng trưởng kinh tế của quốc gia này.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã công bố dự báo mới nhất đối với các quốc gia phát triển vào hôm thứ Năm và mọi thứ dường như không mấy thuận lợi với Vương quốc Anh. Đây là một trong số ít quốc gia bị tổ chức này hạ triển vọng tăng trưởng xuống mức 0,4%, thay vì 0,7% như trước đây.
Dự báo trên cho thấy nước này chỉ tăng trưởng nhanh hơn Đức, quốc gia được dự báo chỉ đạt mức tăng 0,2% trong năm nay, và thấp hơn mức dự báo tăng trưởng 0,7% của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Theo Jens Eisenschmidt, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Âu của Morgan Stanley, những dữ liệu trên giúp các chuyên gia phân tích nắm rõ tình hình của quốc gia đang phải vật lộn với lạm phát dai dẳng.
“Tăng trưởng ở Vương Quốc Anh đang kém hơn so với hầu hết các nước tại châu Âu” – chuyên gia này cho biết.
Những dữ liệu kinh tế đang gây lo ngại cho các nhà hoạch định chính sách.
Chuyên gia Eisenschmidt cho biết Ngân hàng trung ương Anh nhiều khả năng sẽ trì hoãn việc đưa ra các biện pháp cắt giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng.
Vương quốc Anh đang phải gánh chịu lạm phát nặng nề hơn so với các nước châu Âu. Trong khi tỉ lệ lạm phát chung ở khu vực đồng euro tháng 4 ở mức 2,4%, giúp khu vực này tiến gần hơn với việc cắt giảm lãi suất, lạm phát tại Anh đã chạm mốc 3,4% trong tháng 3, dù đã thấp hơn 0,6% so với tháng 1 (4%) nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức lãi suất mục tiêu cơ bản 2% mà nước này hướng đến.
“Các chuyên gia vẫn đang tranh luận về nguyên nhân lạm phát dai dẳng, có thể là do khủng hoảng thất nghiệp ngày càng gia tăng tại Anh,” Chuyên gia Eisenschmidt cho biết.
Tình trạng ngưng trệ hoạt động kinh tế trong nước tăng vọt, chủ yếu do xu hướng nghỉ ốm kéo dài và thất nghiệp gia tăng.
Khác với các nước thuộc Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh hiện không thể hưởng lợi từ việc tận dụng nguồn lực di cư trong bối cảnh thị trường lao động thắt chặt.
Bên cạnh đó, vốn là một nền kinh tế mang tính mở, Vương quốc Anh dễ bị tổn thương trước tình trạng các nhà đầu tư tháo chạy sau những cú sốc của thị trường, chẳng hạn như thâm hụt ngân sách tài chính vào tháng 9/2022.
Chuyên gia Eisenschmidt cho biết những áp lực này có thể buộc Chính phủ Anh nhiều khả năng phải áp dụng việc chi tiêu kỷ luật trong thời gian ngắn.
Kết quả của cuộc tổng tuyển cử ở Vương quốc Anh năm nay có thể sẽ ảnh hưởng quan trọng đến triển vọng của nền kinh tế nước này.
Dân số già đi
Theo các chuyên gia, Chính phủ Anh nên quan tâm hơn đến tác động của thị trường lao động đối với nền kinh tế.
Chuyên gia Eisenschmidt cho biết đa số các nền kinh tế châu Âu đang đối mặt với thách thức chung về già hóa dân số. Trong tương lai, các quốc gia này sẽ phải vật lộn với tình trạng thiếu lao động, kèm theo đó là những chi phí đến từ chăm sóc người cao tuổi.
Chuyên gia này nhận định các quốc gia trên sẽ ngày càng phụ thuộc vào người nhập cư từ các quốc gia có dân số trẻ hơn để lấp đầy khoảng trống trên thị trường lao động.
Tuy vậy, Vương quốc gia Anh trong những năm gần đây lại không chú trọng đến nguồn lực nhập cư. Quốc gia này đã bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu vào năm 2016, khi bất đồng về vấn đề người nhập cư.
Gần đây, kế hoạch chuyển người tị nạn bất hợp pháp đến Rwanda, châu Phi của Chính phủ Anh cũng gây ra những tranh cãi.
Dù vậy, tổng số người nhập cư vào nước này vẫn tăng liên tục kể từ sau Brexit – sự kiện Vương quốc Anh và Bắc Ireland bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu. Bất chấp thái độ của chính phủ đối với người nhập cư, nước này vẫn là điểm đến lý tưởng cho công dân đến từ các quốc gia khác.
“Một thước đo quan trọng cho sự thành công lâu dài là khả năng hút người di cư của đất nước này. Điều này phần lớn đến từ lợi thế về ngôn ngữ - tiếng anh là ngôn ngữ phổ biến trên khắp thế giới cũng như uy tín từ các tổ chức giáo dục” – Eisenschmidt cho biết.