Kinh tế Trung Quốc đón tin xấu, đà hồi phục vẫn rất mong manh
Chỉ số PMI của cả lĩnh vực sản xuất và phi sản xuất đều sụt giảm bất chấp Chính phủ Trung Quốc liên tiếp tung ra các biện pháp kích thích.
Các số liệu mới nhất cho thấy đà hồi phục của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới rất mong manh. Kinh tế Trung Quốc vẫn cần đến những biện pháp hỗ trợ  từ Chính phủ.
Sáng nay (31/10), Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức giảm từ mức 50,2 điểm trong tháng 9 xuống chỉ còn 49,5 điểm. Con số thấp hơn so với dự đoán được các chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó và mức thấp hơn 50 điểm cho thấy hoạt động sản xuất bị thu hẹp.
Trong khi đó, PMI phi sản xuất – đo lường sức khỏe của lĩnh vực xây dựng và dịch vụ - cũng giảm từ 51,7 điểm xuống 50,6 điểm.
Mặc dù số liệu bị ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ do kỳ nghỉ kéo dài 8 ngày hồi đầu tháng 10, điều này cho thấy lực cầu trên thị trường vẫn còn yếu. Và, chỉ số phụ đơn hàng mới của cả khu vực sản xuất và dịch vụ đều ở dưới ngưỡng 50 điểm.
“Đây là những số liệu đáng thất vọng. Đà hồi phục vẫn rất mong manh, và cú phục hồi sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại có lẽ sẽ sớm kết thúc”, chuyên gia kinh tế Michelle Lam của Societe Generale SA nhận địn.
Các nhà đầu tư đang tìm kiếm bằng chứng để khẳng định các biện pháp kích thích gần đây mang lại nhiều hiệu quả. Năm 2023, kinh tế Trung Quốc gặp rất nhiều thách thức. Niềm tin của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp đều yếu ớt trong khi cuộc khủng hoảng bất động sản  tiếp tục leo thang.
Kỳ nghỉ Tuần lễ vàng của Trung Quốc kéo dài 8 ngày đã thúc đẩy hoạt động du lịch nhưng lại khiến sản xuất bị gián đoạn. Lượng khách du lịch tăng 4,1% so với thời điểm trước dịch, nhưng doanh thu từ du lịch nội địa gần như tương đương 2019.
Trung Quốc đã bỏ lỡ cơ hội vàng để vượt Mỹ trở thành siêu cường số 1 thế giới