Kinh tế Việt Nam vừa thiết lập một kỷ lục mới: Lộ diện nhân tố chủ chốt đứng sau kỳ tích ngoạn mục
Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, rau quả sẽ sớm gia nhập vào câu lạc bộ 10 tỷ USD xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), kim ngạch xuất khẩu tháng 12/2024 ước đạt 474 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 15,6%. Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu  rau quả cả năm 2024 đạt kỷ lục 7,1 tỷ USD, tăng 1,5 tỷ USD, tương đương gần 27% so với năm trước.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ rau quả chính của Việt Nam. Tính đến hết tháng 11/2024, kim ngạch đạt tới 4,3 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước ghi nhận tăng 27%. Xếp ở vị trí thứ 2 là Mỹ với 320 triệu USD, tăng 37% và tiếp theo là Hàn Quốc với 289 triệu USD.
Xếp ở vị trí thứ 4 là Thái Lan với 259 triệu USD, tăng đến 79%. Trong nhóm 10 thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất của Việt Nam, Thái Lan  là thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất. Kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam tăng mạnh phần lớn là nhờ sản phẩm sầu riêng đông lạnh.
Sầu riêng tiếp tục là mặt hàng chủ chốt, đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành rau quả với kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 3,3 tỷ USD, so với năm trước tăng khoảng 1,1 tỷ USD.
Trong đó, thị trường chủ lực của sầu riêng Việt Nam là Trung Quốc. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đất nước tỷ dân đã đẩy mạnh việc thu mua sầu riêng trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã đạt trên 3 tỷ USD, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 10 tháng năm 2024, sầu riêng Việt chiếm tới 46,9% lượng sầu riêng Trung Quốc nhập khẩu, giữ vị trí thứ hai, chỉ sau Thái Lan với 52,4%.
Theo số liệu từ cơ quan hải quan Trung Quốc, đất nước này đã chi gần 6,7 tỷ USD để nhập khẩu khoảng 1,5 triệu tấn sầu riêng trong 10 tháng năm 2024, tăng 10,1% về lượng và 4,4% về giá trị.
Trung Quốc là thị trường có nhiều tiềm năng phát triển mặt hàng này bởi lượng sầu riêng được tiêu thụ ở quốc gia này chiếm tới 91% tổng lượng tiêu thụ trên toàn thế giới.
Ngoài sầu riêng, những mặt hàng xuất khẩu khác đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số như: chuối, xoài, mít, dừa, dưa hấu, nhãn,... Tuy nhiên, từng là mặt hàng xuất khẩu tỷ USD, thanh long tiếp tục lao dốc khi giảm 19% và chỉ đạt khoảng 435 triệu USD.
Đối với nhập khẩu, trong năm 2024, nhập khẩu rau quả đạt 2,4 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 23%. Như vậy, trong năm nay, rau quả đã xuất siêu gầm 4,7 tỷ USD.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Tại Tọa đàm “Kết nối Chuỗi Cung ứng và Giải pháp nâng cao giá trị thương hiệu ngành Rau, Hoa, Quả Việt Nam” diễn ra vào sáng 12/12, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, với đà phát triển hiện nay và nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng từ thị trường Trung Quốc, ngành rau quả Việt Nam đang thiết lập kỷ lục mới và dự kiến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, ngành rau quả Việt Nam cần tập trung đầu tư vào khâu sản xuất, chế biến và bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ hiện đại và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế là vấn đề quan trọng cần triển khai thực hiện để nông sản Việt nam thâm nhập sâu hơn vào các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ,...
Ngoài ra, các quốc gia trên thế giới ngày càng dành nhiều sự quan tâm đến vấn đề môi trường và phát triển bền vững, vì thế các doanh nghiệp cũng cần tập trung nhiều hơn đến tính bền vững, tác động của biến đổi khí hậu, tăng cường các chứng nhận bền vững về trách nhiệm xã hội, môi trường,... Cùng với đó, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chuỗi liên kết, cập nhật các tiêu chuẩn từ thị trường nhập khẩu để kịp thời có chính sách phù hợp trong việc xây dựng nguồn nguyên liệu, chế biến, đóng gói,...