Vĩ mô

Kỳ họp bất thường dự kiến diễn ra trong 4,5 ngày, quyết định nhiều nội dung quan trọng

Luân Dũng 07/01/2025 - 13:21

Kỳ họp bất thường lần thứ 9, dự kiến Quốc hội sẽ họp 4,5 ngày, trong đó bố trí ngày cuối kỳ họp biểu quyết, thông qua các dự án luật, nghị quyết và xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền (nếu có).

Tiếp tục chương trình phiên họp, sáng 7/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9.

Về dự kiến nội dung, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng thông tin, đến ngày 3/1, đã nhận được văn bản của 7/17 cơ quan, trong đó, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội 8 nội dung, gồm 4 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và 1 tờ trình về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư.

Kỳ họp bất thường dự kiến diễn ra trong 4,5 ngày, quyết định nhiều nội dung quan trọng ảnh 1
Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng. Ảnh: QH

Ban Công tác đại biểu đề nghị trình Quốc hội xem xét, sửa đổi các luật về tổ chức theo Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; công tác nhân sự thuộc thẩm quyền (nếu có).

Theo kế hoạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các luật khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

Về thời gian, dự kiến Quốc hội họp khoảng 4,5 ngày, trong đó dự kiến bố trí ngày cuối kỳ họp để biểu quyết, thông qua các dự án luật, nghị quyết và xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền (nếu có).

Kỳ họp sẽ khai mạc sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và bế mạc vào cuối tháng 2/2025. Trong đó sẽ bố trí thời gian Quốc hội nghỉ họp để các cơ quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua.

Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, đến nay, toàn bộ các nội dung dự kiến trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9 đều đang trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, tài liệu; một số nội dung chưa bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, cơ quan của Quốc hội chưa thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa cho ý kiến.

Để bảo đảm thành công của kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tài liệu, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chậm nhất tại Phiên họp thứ 42 (tháng 2/2025), và gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội chậm nhất là 3 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp.

Tổng Thư ký Quốc hội cũng lưu ý đánh giá tác động chính sách đầy đủ, nghiêm túc theo quy định; rà soát các luật có liên quan bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bám sát tinh thần đổi mới tư duy lập pháp, chỉ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa những vấn đề thực tiễn đang biến động mà giao Chính phủ, bộ, ngành, địa phương quy định.

Làm ngày làm đêm cho kịp tiến độ

Tại phiên họp, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, mặc dù thời gian gấp, nhưng Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, không vì thời gian gấp mà ảnh hưởng đến chất lượng các dự án luật. Chính vì vậy, các cơ quan đã ngày đêm chuẩn bị cho các dự án luật trình tại kỳ họp bất thường tới. Ông Ninh cũng cam kết sẽ gửi hồ sơ các dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng nội dung cao nhất.

Kỳ họp bất thường dự kiến diễn ra trong 4,5 ngày, quyết định nhiều nội dung quan trọng ảnh 2
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QH

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, từ nay đến khi diễn ra kỳ họp bất thường chỉ còn 1,5 tháng, lại có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thời gian rất gấp, nên phải khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cho kỳ họp. Qua đó, các cơ quan phải làm ngày làm đêm, kể cả ngày nghỉ, cụ thể hóa các nội dung, chuẩn bị thật tốt cho từng vấn đề.

Về thời gian, dự kiến diễn ra trong 4,5 ngày nhưng cũng có thể kéo dài hơn hoặc ngắn hơn dự kiến, với tinh thần sẽ giải quyết hết tất cả các văn bản, nội dung liên quan. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, có báo cáo trình Bộ Chính trị về thời gian, nội dung chương trình kỳ họp bất thường.

8 nội dung Chính phủ đề nghị trình Quốc hội, gồm: Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); các Nghị quyết của Quốc hội về thành lập một số bộ của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI; Nghị quyết giải quyết các vấn đề phát sinh trong các quy định của pháp luật liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy; và tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

>> Quốc hội sẽ họp bất thường xem xét lập một số bộ, cơ cấu thành viên Chính phủ khóa mới

Quốc hội sẽ họp bất thường xem xét lập một số bộ, cơ cấu thành viên Chính phủ khóa mới

UBTVQH thông qua Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/ky-hop-bat-thuong-du-kien-dien-ra-trong-45-ngay-quyet-dinh-nhieu-noi-dung-quan-trong-post1707571.tpo
Bài liên quan
  • CPI năm 2024 tăng 3,66%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra
    Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2024 từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý IV/2024 tăng 2,87% so với quý IV/2023. Tính chung cả năm 2024, CPI tăng 3,63% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
  • Dồn sức cho họp Quốc hội bất thường, thông qua các nghị quyết phục vụ việc tinh gọn bộ máy
    Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, khối lượng công việc năm 2025 rất lớn, trước mắt cần dồn sức cho kỳ họp bất thường. Đây là kỳ họp không tính thời gian, mà làm sao phải hoàn thành, thông qua các nghị quyết phục vụ cho việc tổng kết Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy.
  • Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Quyết tâm đổi mới mạnh mẽ vì sự phát triển của đất nước
    Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Năm 2025 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Các cấp ủy Đảng sẽ tiến hành tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031. Trong bối cảnh đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới, bứt pháNhân dịp năm mới Ất Tỵ 2025, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nư
  • Quốc hội 'gương mẫu, đi đầu' trong sắp xếp tổ chức bộ máy
    Đổi mới mạnh mẽ tư duy lập pháp, quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, sắp xếp tinh gọn bộ máy… là những điểm nổi bật trong 10 hoạt động tiêu biểu của Quốc hội năm 2024, được Văn phòng Quốc hội công bố ngày 31/12.
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Kỳ họp bất thường dự kiến diễn ra trong 4,5 ngày, quyết định nhiều nội dung quan trọng
    POWERED BY ONECMS & INTECH