Kỳ lạ quốc gia rộng gấp 3 lần Việt Nam chỉ vừa bước qua năm 2017
Chỉ vừa mới bước qua năm 2017, quốc gia độc đáo này đang sống "chậm" hơn toàn bộ hành tinh đến 7 năm 8 tháng.
Vào ngày 11/9 vừa qua, người dân Ethiopia  đã tổ chức lễ kỷ niệm đánh dấu sự kết thúc của một năm và bắt đầu của năm mới. Tuy nhiên, khi Ethiopia đón năm theo lịch của họ, quốc gia  này chỉ mới bước sang năm 2017, theo thông tin từ đài CNN.
Ethiopia nằm ở khu vực Đông Phi, là quốc gia có dân số lớn thứ hai trên lục địa này. Quốc gia này có diện tích 1.112.000 km2, gấp hơn 3 lần so với Việt Nam (diện tích 331.690 km2).
Quốc gia này nổi bật với nền văn hóa lâu đời và phong phú, đặc biệt là việc sử dụng một hệ thống lịch riêng biệt, khác với lịch Gregory mà phần lớn thế giới hiện nay đang dùng. Lịch của Ethiopia, còn được gọi là lịch Coptic, có nguồn gốc từ lịch Ai Cập cổ đại và bắt đầu từ năm 525 sau Công nguyên. Lịch Ethiopia bao gồm 13 tháng, mỗi tháng dài 30 ngày, và tháng cuối cùng có 5 hoặc 6 ngày (trong năm nhuận). Vì vậy, năm mới ở Ethiopia thường diễn ra vào khoảng ngày 11/9 theo lịch Gregory (lịch dương).
Việc Ethiopia sử dụng lịch riêng có nguồn gốc từ truyền thống tôn giáo và văn hóa lâu đời của quốc gia này. Lịch Ethiopia được Giáo hội Chính thống Tewahedo Ethiopia áp dụng để xác định các ngày lễ quan trọng như Giáng sinh, Phục sinh và các nghi lễ tôn giáo khác.
Ngoài ra, lịch này cũng được sử dụng trong đời sống hàng ngày, từ việc xác định thời điểm gieo trồng và thu hoạch đến tổ chức các lễ hội địa phương và tính tuổi tác.
Tuy nhiên, việc sử dụng đồng thời hai hệ thống lịch có thể gây ra một số bất tiện trong cuộc sống hiện đại. Ví dụ, trong các hoạt động kinh doanh và giáo dục quốc tế, Ethiopia phải sử dụng lịch Gregory. Cũng như khi đăng ký giấy khai sinh, người dân thường phải chuyển đổi ngày tháng sang lịch Gregory, điều này có thể dẫn đến sự nhầm lẫn và khó khăn trong việc trao đổi thông tin.
Du khách  đến Ethiopia có thể cảm thấy như “quay ngược thời gian”. Dù cảm giác này có thể tạo sự tò mò và hứng thú nhưng du khách cũng cần làm quen với việc chuyển đổi giữa hai hệ thống lịch và có thể cần sự hỗ trợ từ người dân địa phương để lên kế hoạch chuyến đi một cách phù hợp. Mặc dù việc sử dụng hệ thống lịch riêng có thể gây ra một số bất tiện, nhưng nó là minh chứng cho việc bảo tồn bản sắc và truyền thống lâu đời của Ethiopia. Điều này cũng nhấn mạnh sự tôn trọng đối với sự đa dạng và khác biệt văn hóa trên toàn cầu.
Dù không nổi bật với sự hiện đại hay vẻ đẹp mỹ miều như nhiều điểm đến khác, Ethiopia nổi bật với thiên nhiên hoang sơ và bản sắc văn hóa độc đáo, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.
Đặc biệt, lễ đón năm mới ở Ethiopia diễn ra vào ngày 11/9 theo lịch dương. Vào thời điểm kết thúc mùa mưa và hoa Adey Abeba nở rộ, người dân Ethiopia tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc để chào đón một khởi đầu mới đầy hy vọng.
Nguồn: CNN
>> Bí ẩn thành phố rộng 260km2 giữa sa mạc với truyền thuyết ‘ma hú quỷ khóc’