Vĩ mô

Lần đầu tiên Việt Nam có nhà máy sản xuất động cơ ô tô 260 triệu USD tại 1 tỉnh miền Trung

Khương Lê 23/08/2024 - 17:28

Đây là lần đầu tiên Việt Nam được bàn giao công nghệ tiên tiến hàng đầu để chủ động sản xuất động cơ ô tô hiện đại và động cơ cho các ngành công nghiệp khác.

Tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế, CTCP Kim Long Motor Huế và CTCP YuChai (Trung Quốc) tổ chức lễ động thổ xây dựng nhà máy sản xuất chế tạo động cơ Kim Long Motor vào sáng hôm nay (23/8).

Lần đầu tiên Việt Nam có nhà máy sản xuất động cơ ô tô 260 triệu USD tại 1 tỉnh miền Trung
Các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ xây dựng nhà máy sản xuất chế tạo động cơ trị giá 260 triệu USD tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế - Ảnh: VGP/Nhật Anh

Kim Long Motor Huế và YuChai chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện về sản xuất, chế tạo động cơ tại Việt Nam. Điểm nhấn trong chiến lược là việc hai bên xây dựng nhà máy sản xuất chế tạo động cơ Kim Long Motor thuộc KCN sản xuất, lắp ráp ô tô Kim Long Motor Huế, tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.

Kim Long Huế có tổng mức đầu tư là 260 triệu USD chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 tập trung vào sản xuất, chế tạo các loại động cơ phục vụ ngành công nghiệp ô tô, dự kiến đi vào hoạt động vào đầu quý II/2025, mức độ tự động hóa lên đến 90%. Sản phẩm của nhà máy là các dòng động cơ sử dụng trong sản xuất ô tô, động cơ thuỷ, động cơ cho máy phát điện, sản xuất nông nghiệp và động cơ cho các máy dùng trong sản xuất các công trình dân dụng…

Giai đoạn đầu, nhà máy ưu tiên sản xuất, lắp ráp các dòng động cơ đốt trong (Diesel), động cơ CNG và động cơ điện với công suất hơn 12.000 động cơ mỗi năm và gia tăng công suất trong những năm tiếp theo. Giai đoạn sau sẽ tập trung đầu tư sản xuất, chế tạo cầu, hộp số hệ thống truyền động xe ô tô.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam được bàn giao công nghệ tiên tiến hàng đầu để chủ động sản xuất động cơ ô tô hiện đại và động cơ cho các ngành công nghiệp khác.

"Nhà máy sản xuất chế tạo động cơ Kim Long Huế có vai trò như "quả tim" trong chiến lược phát triển sản phẩm xe ô tô mang thương hiệu Việt của Kim Long Motors, đáp ứng mục tiêu chiến lược đứng đầu thị trường xe thương mại tại Việt Nam và hướng đến xuất khẩu”, ông Lý Quốc Việt, Phó Tổng Giám đốc thường trực Kim Long Motors nói. Sự kết hợp giữa Kim Long Motors và YuChai mang đến giải pháp động cơ tối ưu về an toàn và tiêu hao nhiên liệu.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Quý Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: "Lễ ký kết hợp tác chiến lược toàn diện giữa Kim Long Motor và Công ty Cổ phần YuChai và động thổ xây dựng nhà máy sản xuất chế tạo động cơ Kim Long Huế hôm nay là các sự kiện có ý nghĩa quan trọng, không chỉ với Kim Long Motor mà còn đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, nhằm hiện thực hóa Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 và là niềm tự hào, niềm vinh dự của tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Lần đầu tiên Việt Nam có nhà máy sản xuất động cơ ô tô 260 triệu USD tại 1 tỉnh miền Trung
Khu liên hợp sản xuất lắp ráp Kim Long Motor Huế - Ảnh: VGP/Nhật Anh

Ô tô được xếp vào nhóm các ngành công nghiệp có công nghệ trung bình - cao, các chi tiết cấu thành lại được sản xuất theo dây chuyền công nghệ rất khác nhau, từ công nghệ trung bình thấp (một số sản phẩm ép nhựa đơn giản) đến những công nghệ cao, phức tạp (hộp số, động cơ).

Tại Việt Nam, ngành công nghiệp ô tô bắt đầu được hình thành và chú trọng phát triển cách đây hơn 20 năm (năm 1991), muộn hơn so với các nước trong khu vực khoảng 30 năm, nhưng trong 3 năm trở lại đây ngành này phát triển khá nhanh.

Hiện nay, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có khoảng trên 40 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô, nhiều doanh nghiệp nội địa đã tham gia tích cực vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu.

Tỷ lệ nội địa hóa một số dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước khá cao do khả năng cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nội địa được cải thiện trong thời gian qua. Các chủng loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, đạt mục tiêu đề ra đáp ứng về cơ bản thị trường nội địa. Chẳng hạn, xe tải đến 7 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa trung bình 55% hay xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 20% đến 50%.

>> Nhà máy ô tô đầu tiên tại tỉnh có mức sống cao nhất Việt Nam 'cất cánh' lên TP trực thuộc Trung ương sẽ vận hành vào quý IV/2024

Ông lớn ô tô Việt ế ẩm và lỗ nặng vì bán ô tô điện Trung Quốc

Ô tô Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam, giá bán cao, ai sẽ mua?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/lan-dau-tien-viet-nam-co-nha-may-san-xuat-dong-co-o-to-260-trieu-usd-tai-1-tinh-mien-trung-246445.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Lần đầu tiên Việt Nam có nhà máy sản xuất động cơ ô tô 260 triệu USD tại 1 tỉnh miền Trung
    POWERED BY ONECMS & INTECH