Làng cổ này được thành lập từ năm 1470, dưới thời Lê Thánh Tông, được bao bọc bởi con sông Ô Lâu.
Làng cổ Phước Tích thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) là ngôi làng cổ thứ 2 được công nhận và cấp bằng Di tích Quốc gia sau làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội).
Qua hơn 500 năm hình thành, làng cổ  Phước Tích vẫn lưu giữ được giá trị của ngôi làng di sản với hàng chục nhà rường cổ có tuổi đời hàng trăm năm.
Làng cổ Phước Tích được thành lập từ năm 1470, dưới thời Lê Thánh Tông, được bao bọc bởi con sông Ô Lâu, nằm cách TP. Huế 40km về phía Bắc.
Ở làng cổ Phước Tích hiện có 26 ngôi nhà rường cổ có tuổi đời trên 100 năm, trong đó có 12 ngôi nhà có giá trị đặc biệt về kiến trúc, nghệ thuật.
Với những lợi thế quần thể nhà rường cổ dày đặc, đường nét trên gỗ vô cùng tinh tế được chạm khắc kỹ lưỡng, những di tích, đình, chùa, miếu… đường xá cây xanh nối liền nhau một cách tự nhiên, sinh động… Tất cả đều mang đậm nét tín ngưỡng của dân xứ Huế.
Hiện nay, làng cổ Phước Tích có đến 9 loại hình dịch vụ gồm: tham quan nhà rường, lưu trú, ẩm thực, xe đạp, quảng diễn nghề gốm … Người dân địa phương rất nhiệt tình và mến khách, các dịch vụ tại đây đều được phục vụ chu đáo, đáp ứng được nhu cầu giao lưu, tìm hiểu được văn hóa địa phương. Vì vậy mà làng cổ Phước Tích đang trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn với mọi du khách ưa thích khám phá Huế.
Dẫn tin từ báo Sức khoẻ và Đời sống, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế cho biết, với những giá trị nổi bật về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của di tích, nhằm bảo tồn những tinh hoa văn hóa của dân tộc, góp phần phát huy giá trị di tích, UBND Thừa Thiên Huế có tờ trình gửi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về việc đề nghị nâng cấp xếp hạng di tích làng cổ Phước Tích lên Di tích Quốc gia đặc biệt .