Cho tới nay, "thế giới ngầm" bên dưới miệng hố vẫn còn nhiều bí ẩn với các nhà khoa học.
Được các chuyên gia phát hiện lần đầu tiên vào năm 1994, hố sụt Xiaozhai (còn gọi là hố thiên đường) đến nay vẫn là hố sâu nhất thế giới. Được biết, vị trí của hố nằm ở quận Phụng Tiết, thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc ).
Hố có đường kính khoảng 537m, sâu từ 511 - 662m. Không chỉ sâu nhất, hố sụt này còn lớn nhất thế giới với thể tích lên tới 130 triệu m3.
Mỗi khi mưa xuống, miệng hố khi ấy giống như một dòng thác đổ xuống phía sau những bức tường. Điều này khiến cho việc khám phá hố sụt, cũng như tìm hiểu cấu trúc sinh vật bên dưới trở nên khó khăn. Cho tới nay, "thế giới ngầm" bên dưới miệng hố vẫn còn nhiều bí ẩn với các nhà khoa học.
Hố sụt Xiaozhai |
Hệ thực vật phong phú dưới vực sâu
Theo các nhà nghiên cứu, hố sụt Xiaozhai Tiankeng được tạo thành bởi dòng sông ngầm chảy trong hang Dipheng.
Con sông này chạy dài khoảng 8,5km và hiện có thể được quan sát thấy bên dưới miệng hố, nơi nó mang dòng nước chảy qua suốt qua các hệ thống hang động bên trong.
Các nhà khoa học tin quá trình hình thành hố sụt này mất tới 128.000 năm. Một hang đá  vôi bị sụt do tác động của sông ngầm đã tạo nên hố sụt này. Tuy nhiên, chưa có kết luận chính thức về cách Xiaozhai Tiankeng hình thành.
Có 2 loại hố sụt trên thế giới. Loại đầu tiên hình thành khi mưa và các dòng nước trên bề mặt từ từ ngấm xuống đất. Qua thời gian, phần bên trên bị sụt xuống tạo ra một cái hố. Xiaozhai Tiankeng được xếp vào loại 2 khi bị nguồn nước bên dưới tác động, không phải bên trên.
Hiện tại, Xiaozhai Tiankeng vẫn còn khá kém tiếng trên "bản đồ du lịch Trung Quốc". Từ bên trên, du khách phải đi khoảng 2.800 bậc thang ẩm ướt, kết cấu ngoằn ngoèo để tới miệng hố.
Các nhà khoa học tin quá trình hình thành hố sụt này mất tới 128.000 năm |
Nhờ được cung cấp lượng nước dồi dào, hệ thực vật bên dưới miệng hố cũng vô cùng phong phú. Theo Iflscience, hiện có 1.285 loài thực vật đã được phát hiện ở độ sâu của hố sụt Xiaozhai, tạo nên hệ sinh thái phong phú, độc đáo và quý hiếm.
Theo Coral Island Adventures, không gian dưới hố như một "thế giới riêng biệt" |
Trong đó, đặc biệt có Ginkgo Biloba, một loại cây quý hiếm chỉ có thể được tìm thấy trong hố.
Ngoài ra, đây cũng là nơi sinh sống của các loài động vật quý hiếm như báo gấm, ước tính chỉ còn ít hơn 10.000 con trong tự nhiên.
Nhiều "hố thiên đường" tại Trung Quốc
Trung Quốc hiện là nơi có nhiều hố sụt nhất, thường được biết đến với tên gọi là "tiankeng" (hay hố thiên đường). Đây là từ được dùng để chỉ một nhóm cấu trúc địa chất rất cụ thể, bao gồm độ sâu và rộng ít nhất 100m, cũng như bao gồm một dòng sông chảy qua ở khu vực đáy.
Hầu hết các hố thiên đường trên thế giới đều bao gồm đá cacbonat, ngoại trừ 2 cấu trúc cá biệt ở Venezuela  với đá sa thạch. Theo các nhà khoa học, chúng được hình thành thông qua quá trình Karst, hay còn được biết đến như hiện tượng phong hóa đặc trưng của những khu vực núi đá vôi bị nước làm xói mòn.
Dẫu vậy, các điều kiện cần thiết để hình thành một "tiankeng" là rất đặc trưng, khiến cho những cấu trúc địa chất dạng này trở nên tương đối hiếm gặp. Cụ thể, cấu trúc này yêu cầu lớp đất đá phải ở trên mực nước biển, và đủ dày để không bị trộn lẫn lớp tạp chất.
Tính đến thời điểm hiện tại, trong số 75 hố thiên đường được xác định, có hơn 50 hố lớn nhất được tìm thấy ở Trung Quốc.
>> Láng giềng Việt Nam xuất hiện “kho báu” quý hiếm chưa từng thấy trên thế giới