Láng giềng Việt Nam thử nghiệm thành công bom hydro phi hạt nhân, có khả năng tạo ra quả cầu lửa hơn 1.000 độ C
Thành công này đánh dấu bước tiến lớn trong công nghệ vũ khí năng lượng mới của Trung Quốc.
Theo một nghiên cứu được công bố hồi tháng trước, Trung Quốc đã kích nổ thành công một thiết bị nổ dựa trên hydro trong điều kiện có kiểm soát, tạo ra chuỗi phản ứng hóa học dữ dội mà không sử dụng vật liệu hạt nhân.
Quả bom nặng 2kg đã tạo ra một quả cầu lửa có nhiệt độ vượt 1.000 độ C và kéo dài hơn 2 giây – lâu gấp 15 lần so với vụ nổ TNT thông thường – mà không cần dùng đến chất phóng xạ.
Được phát triển bởi Viện Nghiên cứu 705 thuộc Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc (CSSC) – một đơn vị chủ lực trong lĩnh vực vũ khí dưới nước – thiết bị này sử dụng vật liệu lưu trữ hydro thể rắn trên nền magiê.

Loại vật liệu này, có tên gọi là magiê hydride – một dạng bột ánh bạc – có khả năng lưu trữ hydro vượt trội so với các bình nén khí. Ban đầu, nó được thiết kế để cung cấp năng lượng cho pin nhiên liệu ở các khu vực không kết nối lưới điện, tạo ra điện và nhiệt sạch.
Khi được kích hoạt bằng thuốc nổ thông thường, magiê hydride nhanh chóng phân hủy nhiệt, giải phóng khí hydro, sau đó bốc cháy thành một đám lửa kéo dài.
“Khí hydro dễ bắt lửa, có phạm vi phát nổ rộng và tạo ra ngọn lửa lan nhanh trên diện rộng”, nhóm nghiên cứu do nhà khoa học Wang Xuefeng dẫn đầu cho biết. “Tổ hợp đặc tính này cho phép kiểm soát chính xác cường độ nổ, dễ dàng gây ra sự phá hủy đồng đều trên phạm vi lớn”.
Theo nghiên cứu, quả cầu lửa trắng sinh ra từ loại bom này – đủ sức làm tan chảy hợp kim nhôm – có thời gian tác động nhiệt dài hơn nhiều so với tia lửa chỉ kéo dài 0,12 giây của TNT.
Bài báo không tiết lộ nguồn gốc lượng lớn magiê hydride được sử dụng trong thử nghiệm. Trước đây, vật liệu này chỉ có thể được tổng hợp trong phòng thí nghiệm với sản lượng vài gram mỗi ngày, do quy trình yêu cầu nhiệt độ và áp suất cao, đồng thời dễ phát nổ khi tiếp xúc với không khí.
Đầu năm nay, Trung Quốc đã vận hành một nhà máy sản xuất magiê hydride tại tỉnh Thiểm Tây, với công suất lên tới 150 tấn/năm. Các ứng dụng khác của công nghệ lưu trữ hydro thể rắn cũng đang được nghiên cứu, bao gồm cung cấp năng lượng cho tàu ngầm và máy bay không người lái có thời gian hoạt động kéo dài.
Theo SCMP