Tài chính Ngân hàng

Lãnh đạo Sacombank (STB) nói doanh nghiệp chưa mạnh dạn vay

Hà An 22/09/2024 10:44

Lãnh đạo Sacombank (STB) chia sẻ tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ với các ngân hàng chiều 21/9.

Tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ với các ngân hàng chiều 21/9, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng cho biết, tính đến 16/9, tăng trưởng tín dụng đạt 7,26% so với cuối 2023. Số này cải thiện so với cùng kỳ đạt 5,73%, song vẫn thấp hơn chỉ tiêu 15% giao đầu năm.

Tăng trưởng tín dụng Sacombank chưa đạt kỳ vọng

Chia sẻ tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực - Tổng Giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank - Mã: STB) Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết, đến 31/8, dư nợ cho vay sản xuất kinh doanh của Sacombank đạt 347 nghìn tỷ đồng, tăng gần 25 nghìn tỷ, chiếm 67% dư nợ tăng thêm.

Trong đó cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên đạt gần 165 nghìn tỷ, tăng 15 nghìn tỷ so đầu năm. Cho vay lĩnh vực bất động sản đạt 104 nghìn tỷ đồng, tăng 9 nghìn tỷ, tăng 9,8%, trong đó có gần 50% dư nợ là cho vay tiêu dùng bất động sản. Cho vay tiêu dùng đạt hơn 57 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3 nghìn tỷ, tăng 6,2%.

Theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Sacombank đã có nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Đó là quản trị chặt chẽ chi phí vốn, kéo giảm lãi suất huy động 1,2% so đầu năm, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay gần 1,5%. Thực tế, lãi suất giải ngân hiện nay tại Sacombank chỉ quanh mức 7,5%/năm (trong đó khách hàng cá nhân là 7,9% và doanh nghiệp là 7%).

Lý giải nguyên nhân tín dụng chưa như kỳ vọng, bà Thạch Diễm cho biết, nhu cầu vốn của doanh nghiệp vẫn khá thấp do tình hình xuất khẩu, tiêu dùng nội địa chưa hồi phục.

snapedit_1726974826271.jpeg
Lãnh đạo Sacombank (STB) tuyên bố doanh nghiệp chưa mạnh dạn vay

"Nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, thận trọng với rủi ro nên chưa mạnh dạn sử dụng vốn vay", bà Diễm cho hay.

Cùng đó, đại diện Sacombank đánh giá, thu nhập của người mua bất động sản giảm, trong khi nguồn cung phục vụ nhu cầu để ở với giá hợp lý chưa đáp ứng. Các công ty, dự án bất động sản còn khó khăn khi pháp lý chưa hoàn thiện, năng lực tài chính suy giảm nghiêm trọng.

Theo Tổng Giám đốc Sacombank, thu nhập người dân giảm sút do kinh tế khó khăn, bùng phát các loại hình cho vay qua ứng dụng với điều kiện nới lỏng, không cần tài sản thế chấp cũng khiến tín dụng tiêu dùng của các ngân hàng tăng chậm.

Kiến nghị duy trì chính sách tài khoá mở rộng để kích thích tổng cầu

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, bà Diễm cho rằng cần tiếp tục kéo giảm chi phí vốn, giảm mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn. Triển khai các gói tín dụng ưu đãi đối với một số lĩnh vực, ngành nghề cần thúc đẩy theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.

Thêm vào đó, tiếp tục phối hợp với các Hiệp hội ngành nghề (Hiệp hội bất động sản, Hiệp hội điều, cà phê, mắc ca…) triển khai các cơ chế về sản phẩm, lãi suất ưu đãi để giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, tăng trưởng dư nợ.

Ngoài ra, cần tăng cường thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro nhằm kiểm soát rủi ro tín dụng ở mức độ phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng.

Tiếp đó, tinh gọn quy trình, quy chế nội bộ trong cấp phát tín dụng; ứng dụng công nghệ vào sản phẩm dịch vụ, giúp giảm thời gian giao dịch, gia tăng trải nghiệm khách hàng, tăng tính an toàn trong giao dịch.

Tổng Giám đốc Sacombank kiến nghị tiếp tục duy trì chính sách tài khóa mở rộng kích thích tổng cầu nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Thực hiện các giải pháp giảm thuế, phí để hỗ trợ trực tiếp cho cầu tiêu dùng, giúp tăng sức mua nền kinh tế.

Bên cạnh đó, rất cần có sự truyền thông từ cấp Nhà nước để tạo sự an tâm, tính cần thiết, tính quảng bá về sự an toàn/thuận tiện khi giao dịch các kênh số để tất cả người dân hưởng ứng và thực hiện.

Ngoài ra, các tổ chức trung gian thanh toán xem xét giảm phí để chung tay cùng ngân hàng thương mại miễn phí cho người dùng.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước nói gì?

Về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng cho hay, để tăng khả năng hấp thụ tín dụng, ngoài các giải pháp từ phía ngành ngân hàng, các chính sách tổng thể từ các bộ ngành, địa phương cũng cần được thực hiện.

Cụ thể, các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng niềm tin của thị trường vào sự phục hồi kinh tế, qua đó giúp doanh nghiệp khôi phục kỳ vọng mở rộng đầu tư, người dân tăng tiêu dùng.

Đồng thời, ông đề nghị các cơ quan Nhà nước tăng giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư xã hội, nguồn vốn FDI chất lượng cao, gỡ khó cho thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.

"Cần nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp từ cả phía doanh nghiệp, cũng như các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn thông qua các Quỹ bảo lãnh, Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa", Phó Thống đốc nói thêm.

Theo Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng, thời gian qua, nhà chức trách liên tục cải tiến việc giao, điều hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, ông khẳng định biện pháp này chưa thể dừng áp dụng. Nguyên nhân do tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng, chạy đua lãi suất như trước 2011 có thể quay lại. Điều này sẽ gây bất ổn vĩ mô, rủi ro lạm phát, nợ xấu, ảnh hưởng tới an toàn hệ thống.

>> Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy: Ngân hàng lúng túng khi nhận thế chấp bất động sản

Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy: Ngân hàng lúng túng khi nhận thế chấp bất động sản

Sacombank (STB) giảm lãi suất cho vay đến 2%/năm cho khách hàng bị thiệt hại do bão lũ

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/lanh-dao-sacombank-stb-tuyen-bo-doanh-nghiep-chua-manh-dan-vay-249883.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Lãnh đạo Sacombank (STB) nói doanh nghiệp chưa mạnh dạn vay
    POWERED BY ONECMS & INTECH