Lào muốn hiểu sâu hơn về mô hình VSIP: Hướng tới thành lập khu công nghiệp Lào - Việt
Chuỗi khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) được phát triển bởi liên doanh giữa Sembcorp (Singapore) và Becamex IDC (BCM). VSIP được coi là hình mẫu cho quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Singapore.
Theo Báo Chính phủ, chiều ngày 30/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Phó Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Saleumxay Kommasith nhân dịp thăm làm việc tại Việt Nam.
Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh Phó Thủ tướng Saleumxay Kommasith sang thăm Việt Nam để chuẩn bị kỹ lưỡng cho Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào sắp tới, nhấn mạnh việc hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao và các cấp thể hiện tình cảm gắn bó có một không hai giữa hai nước. Thủ tướng tin tưởng chuyến thăm của đồng chí Saleumxay Kommasith sẽ đạt kết quả tốt đẹp, góp phần tích cực vào việc tăng cường mối quan hệ vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lào Saleumxay Kommasith (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu quan trọng của Lào trong việc giữ vững ổn định chính trị xã hội và an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế, đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN, AIPA 2024, khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho mối quan hệ vĩ đại Việt Nam - Lào, đồng thời trân trọng chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Lào.
Phó Thủ tướng Lào Saleumxay Kommasith cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp và dành cho Đoàn những tình cảm thân thiết, trân trọng cảm ơn tình cảm chân thành và sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu, vô tư trong sáng của Việt Nam dành cho Lào trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như trong công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước ngày nay. Phó Thủ tướng Saleumxay Kommasith nhấn mạnh trong quá trình xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, Lào luôn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam.
Hai bên đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực giữa hai nước thời gian qua. Quan hệ chính trị ngày càng gắn bó bền chặt và tin cậy cao. Các lĩnh vực hợp tác trọng điểm khác như quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo và hợp tác giữa các địa phương hai nước đều được quan tâm thúc đẩy và có bước phát triển mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho mối quan hệ vĩ đại Việt Nam - Lào (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Hai bên đặc biệt quan tâm và nhất trí tiếp tục tạo đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại - đầu tư. Phó Thủ tướng Lào khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy các bộ, ngành cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại Lào, đặc biệt trên các lĩnh vực chiến lược như cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông, năng lượng…, mong muốn đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, hợp tác cải thiện hệ thống pháp lý nhằm gia tăng gắn kết, vì lợi ích của người dân hai nước.
Phó Thủ tướng Lào bày tỏ quan tâm và tìm hiểu sâu hơn về mô hình hợp tác khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP), mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm khai thác tiềm năng thế mạnh để phát triển và hướng tới thành lập khu công nghiệp Lào - Việt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của hai bên nhằm khai thông một số dự án trọng điểm thời gian qua cũng như hợp tác tìm hướng đi mới, cách thức hợp tác mới trên tinh thần quyết tâm đưa quan hệ hợp tác hai nước vào giai đoạn phát triển mới, thực chất và hiệu quả hơn.
Chuỗi khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) được phát triển bởi liên doanh giữa Tập đoàn Sembcorp của Singapore và Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP (Becamex IDC, BCM ). VSIP được coi là hình mẫu cho quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Singapore. Tháng 1/1996, hai bên ký kết hợp đồng liên doanh và động thổ dự án VSIP đầu tiên tại Bình Dương vào tháng 5/1996. Đến nay, VSIP đã hình thành chuỗi 14 khu công nghiệp hiện diện tại 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam và thu hút gần 20 tỷ USD vốn đầu tư thứ cấp. Quy mô của các khu công nghiệp khoảng 11.000ha và tạo việc làm cho hơn 300 ngàn lao động.