Lễ hội xuyên suốt năm ở Ngọa Vân, Yên Tử
Nằm trên núi cao “Bảo Đài sơn” ở phía Tây dãy núi Yên Tử - cánh cung Đông Triều, quần thể di tích Am - Chùa Ngọa Vân thu hút hàng vạn lượt khách đến hành hương vào ngày đầu xuân Giáp Thìn.
Am - Chùa Ngọa Vân được biết đến là nơi đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông  tu hành và hóa Phật - là Thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm . Với giá trị lịch sử cùng những nét độc đáo từ cảnh quan, tiện ích, nơi đây mang đến tâm an nhiên cho mọi Phật tử khi hành hương, chiêm bái Phật hoàng.
Theo chia sẻ của Hoà thượng Thích Thanh Quyết trong dịp lễ khai hội xuân Ngoạ Vân 2024: “Sau khi nhà nước Việt Nam thống nhất độc lập tự chủ thì đến thời Trần dưới uy đức to lớn của đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông, Ngài đã đứng ra thống nhất 3 hệ thống phật giáo trong đất nước Đại Việt lúc đó, Vô Ngôn Thông, Tì Ni Đa Lưu chi và Thảo Đường. Rồi Ngài tiếp tục thống nhất 3 tôn giáo là Đạo giáo - Nho giáo - Phật giáo để trở thành một Phật giáo Trúc Lâm. Thống nhất các phương pháp tu hành thiền tông, tịnh tông, mật độ tông để trở thành một nội hàm tu hành của người Việt Nam lúc bấy giờ. Vì thế Phật giáo Trúc lâm bao gồm cả đạo lẫn đời. Bao gồm 3 tôn giáo Nho giáo - Đạo giáo - Phật giáo, Bao gồm 3 hệ thống thiền-tịnh-mật, Bao gồm 3 nấc tu hành đại thừa - tiểu thừa và trung thừa tạo thành một tối thượng thừa. Đó là Thừa của Việt Nam”.
Vào dịp Lễ Thượng Nguyên Ngọa Vân 2024 nhằm ngày 15 tháng Giêng, đã có 3.000 phật tử tham dự nghi lễ cầu quốc thái dân an và 5.000 hoa đăng được thắp sáng.
Một chương trình nghệ thuật đặc sắc, hấp dẫn với chủ đề “Linh thiêng Thánh địa Phật giáo Trúc Lâm, Ngọa Vân tỏa sáng” đã thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương. Chương trình có sự tham gia của nhiều ca sĩ được khán giả hâm mộ như Mỹ Linh.
“Khi được đứng trước không gian của chùa Ngọa Vân là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành và hóa Phật để thể hiện ca khúc mình có cảm giác rất đặc biệt. Ở đây rất rộng, thiên nhiên hữu tình, chính vì vậy Mỹ Linh cảm nhận được sự an nhiên ngay từ khi bước những bước chân đầu tiên đến Ngọa Vân”, ca sĩ Mỹ Linh chia sẻ.
Bên cạnh lễ khai hội xuân Ngọa Vân & lễ Thượng nguyên 2024, tại Ngoạ Vân - Yên Tử dự kiến là nơi diễn ra chuỗi các hoạt động xuyên suốt năm 2024: “Toạ Đàm - Đệ Tam Tổ Huyền Quang với Phật giáo Trúc Lâm” vào dịp tưởng niệm 690 năm ngày Đệ Tam Tổ Huyền Quang viên tịch.
Tiếp đến là hoạt động Lễ tưởng niệm ngày viên tịch của Đệ Nhị Tổ Pháp Loa vào tháng 3 âm lịch, Đại lễ Phật Đản vào tháng 4 âm lịch, Lễ tưởng niệm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn tại Am Ngọa Vân vào ngày 1 tháng 11 âm lịch…
Chuỗi các hoạt động được tổ chức góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa, di sản đặc sắc của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử  gắn với con đường Hoằng dương Phật pháp của Tam Tổ Trúc Lâm đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. Qua đó, giúp nhân dân và du khách hiểu và cảm nhận rõ nét hơn một thiền phái tôn giáo mang đặc trưng riêng có của con người Việt Nam, lấy lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia và lợi ích chúng sinh là yếu tố cơ bản trong quá trình tu tập của mỗi người; có giá trị to lớn không chỉ trong lĩnh vực tôn giáo mà cả trong đời sống chính trị xã hội.
Nhằm mang đến du khách những trải nghiệm ấn tượng, nhiều tiện ích cũng đã hình thành như hệ thống 52 cabin cáp treo, vườn thiền tại sảnh đón ga đi cáp treo, thiền đường Trúc Lâm với bức tranh của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, cầu Bình An ở độ cao 500m so với mực nước biển, khu lưu trú, nhà hàng chay…
Am - Chùa Ngọa Vân
Thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.