Liên minh rạn nứt: Lo bị theo dõi, EU cấp điện thoại dùng 1 lần cho quan chức tới Mỹ công tác
EU nâng cấp bảo mật an ninh cho quan chức công tác tại Mỹ, phản ánh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang xuống cấp nghiêm trọng trong bối cảnh căng thẳng thương mại và xung đột Ukraine làm rạn nứt lòng tin hai bên.
Ủy ban Châu Âu đã triển khai các biện pháp an ninh mạng nghiêm ngặt bằng cách cung cấp điện thoại dùng một lần và máy tính xách tay cơ bản cho đoàn công tác cấp cao sang Mỹ, áp dụng quy trình bảo mật thường chỉ dành cho các chuyến công tác đến Trung Quốc.
Theo thông tin từ bốn nguồn tin thân cận, các ủy viên và quan chức cấp cao tham dự hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới tuần tới đã nhận được hướng dẫn an ninh mới. Các biện pháp này tương đương với quy định áp dụng cho các chuyến công tác đến Ukraine và Trung Quốc, nơi thiết bị công nghệ thông tin tiêu chuẩn không được phép mang theo do nguy cơ giám sát từ Nga hoặc Trung Quốc.
"Họ quan ngại về khả năng các cơ quan tình báo Mỹ xâm nhập vào hệ thống của Ủy ban", một quan chức EU tiết lộ.
Việc xem Mỹ như một mối đe dọa an ninh tiềm tàng cho thấy mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã xuống cấp nghiêm trọng kể từ khi Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025. Chính quyền Trump đã cáo buộc EU được thành lập với mục đích "gây tổn hại cho Mỹ" và ban hành thuế quan 20% đối với hàng hóa xuất khẩu từ EU, mặc dù sau đó đã giảm một nửa trong thời hạn 90 ngày.

Đồng thời, Tổng thống Mỹ cũng đã có những động thái xích lại gần Nga , gây áp lực buộc Ukraine nhượng bộ lãnh thổ thông qua việc tạm ngưng viện trợ quân sự và đe dọa rút lại cam kết an ninh đối với châu Âu, thúc đẩy làn sóng tái vũ trang trên toàn lục địa.
Theo Financial Times, Brussels và Washington hiện đang tham gia vào các cuộc đàm phán nhạy cảm trên nhiều lĩnh vực, tạo động lực cho cả hai bên trong việc thu thập thông tin về đối phương.
Ủy viên thương mại EU Maroš Šefčovič dự kiến gặp Bộ trưởng thương mại Howard Lutnick tại Washington vào ngày 14/4 nhằm tìm giải pháp cho cuộc chiến thương mại đang ngày càng gia tăng. EU đã tạm hoãn các biện pháp trả đũa đối với hàng hóa xuất khẩu trị giá 21 tỷ euro từ Mỹ, phản ứng trước việc Washington áp thuế lên thép và nhôm của châu Âu .
Ngoài các vấn đề thương mại, chính quyền Mỹ cũng chỉ trích mạnh mẽ quy định của EU đối với các công ty công nghệ, cáo buộc Brussels hạn chế quyền tự do ngôn luận và can thiệp vào các cuộc bầu cử, đặc biệt là trong vụ việc gây tranh cãi liên quan đến việc loại một ứng viên tổng thống Romania do được hưởng lợi từ sự ủng hộ trên nền tảng TikTok.
Ba ủy viên EU dự kiến sẽ có mặt tại Washington để tham dự hội nghị IMF và Ngân hàng Thế giới từ ngày 21-26 tháng 4, bao gồm Valdis Dombrovskis (phụ trách kinh tế), Maria Lúis Albuquerque (giám đốc dịch vụ tài chính) và Jozef Síkela (phụ trách hỗ trợ phát triển).
Ủy ban Châu Âu xác nhận đã cập nhật hướng dẫn an ninh cho các chuyến công tác tại Mỹ, song khẳng định không có chỉ thị cụ thể bằng văn bản về việc sử dụng thiết bị điện tử dùng một lần. Theo Ủy ban, cơ quan ngoại giao của khối đã tham gia vào quá trình cập nhật này, tuân theo quy trình thông thường.
Các nguồn tin cho biết hướng dẫn áp dụng cho toàn bộ nhân viên EU công tác tại Mỹ bao gồm khuyến nghị tắt điện thoại khi qua biên giới và bảo quản thiết bị trong các túi đặc biệt để ngăn chặn khả năng bị theo dõi khi không có người giám sát.
Luuk van Middelaar, giám đốc Viện Địa chính trị Brussels, nhận định rằng các biện pháp này không gây ngạc nhiên: "Washington không phải là Bắc Kinh hay Moscow, nhưng là đối thủ có xu hướng sử dụng các biện pháp phi pháp lý để thúc đẩy lợi ích và quyền lực của mình."
Van Middelaar cũng nhắc lại vụ việc năm 2013 khi chính quyền của Tổng thống Barack Obama bị cáo buộc do thám điện thoại của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel. "Các chính quyền Dân chủ cũng áp dụng chiến thuật tương tự. Đây là cách Ủy ban thích ứng với thực tế," ông nói.
Một rủi ro bổ sung khi đến Mỹ là nhân viên biên giới có quyền thu giữ và kiểm tra nội dung điện thoại, máy tính của du khách. Nhiều người châu Âu, bao gồm cả học giả, đã bị từ chối nhập cảnh sau khi cơ quan chức năng phát hiện các bình luận hoặc tài liệu chỉ trích chính sách của chính quyền Trump trên thiết bị cá nhân.
Mới đây nhất vào tháng 3, chính phủ Pháp xác nhận một nhà nghiên cứu người Pháp đã bị từ chối nhập cảnh và trục xuất về nước do đã bày tỏ "ý kiến cá nhân" về chính sách nghiên cứu của Mỹ.
Trước tình hình này, các quan chức Ủy ban đã được yêu cầu sử dụng "giấy thông hành" ngoại giao thay vì hộ chiếu quốc gia để đảm bảo an toàn khi nhập cảnh vào Mỹ.
Tham khảo Financial Times (FT)
>> Từ Berlin đến Seoul, các đồng minh Mỹ chuẩn bị cho kịch bản Washington rút lại 'chiếc ô hạt nhân'
Mỹ chặn tuyên bố lên án Nga của nhóm G7
Nga thừa nhận khó đạt nhất trí với Mỹ về thỏa thuận hòa bình Ukraine