Lĩnh vực được kỳ vọng thu 100 tỷ USD/năm của Việt Nam xuất hiện thêm một đối thủ đến từ châu Á
Chính phủ quốc gia này thừa nhận tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn và đang nỗ lực triển khai lộ trình, chính sách khả thi.
Hiện nay, ngành công nghiệp bán dẫn trên toàn cầu đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, được dự báo là công nghệ sẽ thay đổi và định hình lại thế giới. Tuy nhiên, ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi cao về nhân sự cũng như những thiết bị với khoản đầu tư lớn.
Theo Báo Daily Star của Bangladesh đưa tin, việc xây dựng các cơ sở chế tạo và sản xuất chip đòi hỏi thời gian cũng như khoản đầu tư lớn nhưng có một lĩnh vực khác đưa Bangladesh vào giai đoạn phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn – VLSI (Tích hợp quy mô rất lớn), một quy trình tạo ra các IC phức tạp thông qua việc thiết kế các chip bán dẫn.
Bên cạnh đó, bài báo cho biết, Bangladesh có vị thế tốt để mở rộng mô hình (gia công) sang các dịch vụ thiết kế bán dẫn. Với sự đào tạo và cơ sở hạ tầng phù hợp, các kỹ sư Bangladesh có thể đóng góp vào các dự án bán dẫn toàn cầu.
Chính phủ Bangladesh thừa nhận tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn  và đang nỗ lực triển khai lộ trình và chính sách khả thi. Tại cuộc họp các bên liên quan diễn ra vào ngày 18/12/2024 đã thông báo, một lực lượng đặc nhiệm cấp cao sẽ được thành lập nhằm thúc đẩy phát triển ngành bán dẫn tại quốc gia này.
Ngoài ra, nhiều trường đại học tại Bangladesh đã giới thiệu các khóa học về VLSI và vi điện tử. Những khóa học này sẽ cung cấp nền tảng lý thuyết về thiết kế bán dẫn cho người học dù việc tiếp cận thực tế còn hạn chế.
Bài báo này khẳng định, với kế hoạch chiến lược, đầu tư trong và ngoài nước vào giáo dục và cơ sở hạ tầng, nghiên cứu,... Bangladesh có thể tạo dựng được vị trí trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu như đã làm trước đây với ngành may mặc .
Ngành công nghiệp bán dẫn trên toàn cầu đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ - Ảnh: M.H. |
Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang cơ cấu lại vị trí trong ngành công nghiệp bán dẫn. Trong đó, Việt Nam cũng đang nỗ lực để có chỗ đứng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu và là điểm dừng chân của nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.
Ngày 3/12, Hội thảo “Chiến lược Công nghiệp Bán dẫn: Động lực mới cho Việt Nam và Hà Nội” thuộc khuôn khổ Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam – châu Á 2024 đã được tổ chức.
Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ và Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Khắc Lịch cho biết, ngày 21/9/2024, Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có chiến lược dài hạn như vậy.
Theo đó, công nghiệp bán dẫn của Việt Nam được định hướng phát triển đến năm 2050 theo lộ trình 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2024 - 2030, giai đoạn 2 từ năm 2030 – 2040, giai đoạn 3 từ năm 2040 – 2050.
Đến giai đoạn 3, ít nhất 300 doanh nghiệp thiết kế được hình thành. Đồng thời, hình thành 3 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn cũng như làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn.
Khi đó, quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt hơn 100 tỷ USD/năm; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt hơn 1.045 tỷ USD/năm và giá trị gia tăng tại Việt Nam đều đạt từ 20-25%.
>>Lĩnh vực kỳ vọng thu 100 tỷ USD/năm của Việt Nam xuất hiện thêm một đối thủ đến từ ASEAN 
Thủ tướng Chính phủ: Phát triển công nghiệp bán dẫn cần 'quyết tâm làm bằng được' 
Thủ tướng chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn