VN-Index giảm 14 điểm, khối ngoại mua ròng trở lại
Thị trường chứng khoán điều chỉnh trong phiên 15/4 sau 3 phiên hồi phục mạnh nhờ thông tin hoãn áp thuế từ Mỹ. Toàn bộ các nhóm ngành đều sụt giảm, dòng tiền trú ẩn ở một số cổ phiếu đơn lẻ.
14h45: VN-Index giảm sâu trong suốt phiên chiều, kết phiên tại 1.227,79 điểm, tương ứng mức giảm 13,65 điểm (-1,1%). Thanh khoản đạt hơn 1 tỷ cổ phiếu, giá trị giao dịch tương ứng 24.216 tỷ đồng.
Toàn bộ các nhóm ngành đều ghi nhận sụt giảm. Đáng chú ý, nhóm bị tác động bởi thuế quan tiếp tục có xu hướng “dò đáy”.
Cụ thể, nhóm bất động sản khu công nghiệp chứng kiến nhiều cổ phiếu nằm sàn như GVR, KBC, SZC, PHR… Các mã khác như BCM, IDC, NTC cũng giảm sâu trên 6%. Duy nhất VGC giữ được sắc xanh gần hết phiên nhưng suy yếu nhẹ về cuối.
Các nhóm cao su, thủy sản, dệt may cũng xuất hiện làn sóng bán tháo, với nhiều cổ phiếu đầu ngành giảm mạnh như VHC, TCM, MSH, DPR… đồng loạt mất trên 5%.
Điểm sáng trong phiên là hoạt động mua ròng của khối ngoại với giá trị 217 tỷ đồng, tập trung tại HPG (246 tỷ đồng), MWG (175 tỷ đồng), VCB (101 tỷ đồng).

14h: VN-Index tiếp tục giảm sâu, mất 18 điểm và lùi về vùng 1.223 điểm. Trên HoSE, có 10 cổ phiếu giảm sàn, một số cái tên đáng chú ý gồm VTP, TCM, SIP, PHR, GVR, DPR... Đây đều là những doanh nghiệp nổi bật trong các nhóm bất động sản khu công nghiệp, logistics, dệt may, cao su – những ngành được đánh giá chịu tác động rõ rệt từ chính sách thuế quan.
Bên cạnh các cổ phiếu đơn lẻ như VIC, HPG, GEX, nhóm cổ phiếu đầu tư công bất ngờ hút dòng tiền. Nhiều cổ phiếu đầu ngành tăng mạnh như VCG (+3,69%), HHV (+2,15%), CTD (+2,43%)...
Phiên sáng: Sắc xanh từng xuất hiện
11h30: VN-Index từng có thời điểm lấy lại sắc xanh, nhưng lực bán quay trở lại khiến chỉ số nhanh chóng giảm sâu. Kết phiên sáng, VN-Index giảm 11,88 điểm, xuống còn 1.229,56 điểm. Thanh khoản đạt 502,4 triệu đơn vị, giá trị giao dịch tương ứng 11.590 tỷ đồng.
Sắc đỏ bao phủ thị trường với 362 mã giảm, áp đảo 111 mã tăng. Có 18/19 nhóm ngành sụt giảm, trong đó duy nhất nhóm bất động sản tăng 1,01% nhờ bộ đôi cổ phiếu nhà Vingroup gồm VIC (+4,6%) và VHM (+3,5%).
Thị trường ghi nhận sự phân hóa, một số cổ phiếu đi ngược xu hướng ngành như Vingroup. Ví dụ, trong nhóm thép, HPG tăng 0,59% trong khi toàn ngành sụt giảm, như HSG (-2,78%), NKG (-2,44%)... Tương tự, ở nhóm bất động sản khu công nghiệp, nhiều cổ phiếu đầu ngành giảm mạnh như GVR (-6,87%), BCM (-4,96%), KBC (-6,53%), SZC (-5,59%)... nhưng VCG lại ngược dòng, tăng 2,08%.
Khối ngoại đầu phiên sáng mua ròng nhưng đã quay đầu bán ròng 125 tỷ đồng.

9h15: Sau khi Tổng thống Donald Trump công bố hoãn áp thuế trong 90 ngày đối với hầu hết các quốc gia, bao gồm Việt Nam, thị trường chứng khoán bật tăng mạnh trở lại. VN-Index hồi phục gần 168 điểm sau 3 phiên và dừng chân tại 1.241,44 điểm vào ngày 14/4.
Sang phiên 15/4, chỉ số bất ngờ giảm 13,5 điểm ngay sau đợt ATO, tuy nhiên các cổ phiếu thuộc “họ” Vingroup như VIC , VHM tiếp tục tăng mạnh và đóng vai trò nâng đỡ thị trường. Đến khoảng 9h45, lực cầu mạnh mẽ xuất hiện giúp VN-Index rút chân và lấy lại sắc xanh. Tuy vậy, độ rộng thị trường vẫn nghiêng về bên bán với 230 mã giảm, 172 mã tăng và 55 mã đứng giá.
Dòng tiền tiếp tục hướng đến một số cổ phiếu bluechip như VIC (+3,45%), VHM (+1,22%), HPG (+0,59%). Nhóm cổ phiếu Gelex cũng ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ như GEX (+3,48%), GEE (+4,53%).
Ngoài ra, báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2025 bắt đầu được công bố. HAG báo lãi 360 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ. Cổ phiếu HAG lập tức tăng trần ngay đầu phiên với thanh khoản gấp 5 lần so với cùng thời điểm phiên liền trước.
Về diễn biến theo nhóm ngành, 5/19 ngành tăng điểm, dẫn đầu là bất động sản (+0,96%), tiếp đến là vật liệu, truyền thông và y tế. Ngược lại, áp lực bán diễn ra mạnh ở nhóm viễn thông do VGI giảm 2,77%, và nhóm công nghệ với FPT giảm 1,86%, CMG giảm 3,73%.
Khối ngoại mua ròng 37 tỷ đồng, tập trung vào các mã HPG, MBB và STB.
>> Nhận định chứng khoán 15/4: VN-Index hướng về vùng 1.275 điểm
Dòng tiền tỷ USD giúp SSI, VND, VIX… hồi mạnh, KBSV nói định giá nhóm chứng khoán vẫn chưa rẻ
Tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam bị tấn công mã độc tống tiền