Lộ đại gia đứng sau nhảy vào Tập đoàn Đại Dương qua công ty 7 ngày tuổi
Tập đoàn Đại Dương trước của ông Hà Văn Thắm còn những dự án bất động sản đầy giá trị và thương hiệu Kem Tràng Tiền sinh lời lớn. Đây cũng chính là các tài sản mà nhiều đại gia kín tiếng nhắm đến trong các năm qua.
Xuất hiện cổ đông lớn
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), CTCP Xây dựng Sông Hồng Bắc Việt vừa trở thành cổ đông lớn của Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, mã OGC ) từ ngày 8/12 với tỷ lệ sở hữu 9,02% sau khi thực hiện giao dịch (hoặc thực hiện hoán đổi) 27,05 triệu cổ phiếu.
Số cổ phiếu này có tổng trị giá gần 197 tỷ đồng nếu tính theo giá của OGC vào đúng ngày Xây dựng Sông Hồng Bắc Việt trở thành cổ đông lớn tại Ocean Group.
Tuy nhiên, trong phiên 8/12 trên thị trường chứng khoán không có giao dịch thỏa thuận cổ phiếu OGC nào. Khối lượng khớp lệnh mã này trên sàn HOSE chỉ là 596.900 cổ phiếu.
Nhiều khả năng Xây dựng Sông Hồng Bắc Việt có thể thực hiện hoán đổi để sở hữu 27,05 triệu cổ phiếu (tương đương 9,02%).
Rất có thể đây là một trường hợp hoán đổi nợ vay thuê tài chính hoặc/và các khoản phải trả. Tính tới giữa năm 2023, OGC có khoản phải trả đối với một số tổ chức, trong đó có CTCP Đầu tư Nông nghiệp Công nghệ cao Hà Nội (hơn 220 tỷ đồng), CTCP Giáo dục Quốc tế Thần Đồng (200 tỷ đồng), Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương…
CTCP Xây dựng Sông Hồng Bắc Việt mới được thành lập trước ngày trở thành cổ đông lớn của OGC đúng 1 tuần (tức ngày 1/12). Sông Hồng Bắc Việt có trụ sở tại Phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội. Đại diện pháp luật là Đinh Thị Nhi (1994). Lĩnh vực chính là tư vấn đầu tư tài chính, kinh doanh bất động sản, tư vấn quản lý...
Sông Hồng Bắc Việt có 3 cổ đông là ông Nguyễn Đức Tâm, Lê Thanh Hải và Đặng Thị Thủy. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ hơn 189 tỷ đồng. Bà bà Đinh Thị Nhi (SN 1994) là giám đốc.
Giao dịch của Sông Hồng Bắc Việt diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu OGC đang nằm trong diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính ở mức âm. Tới cuối tháng 9/2023, lỗ lũy kế sau thuế chưa phân phối của OGC đạt hơn 2.595 tỷ đồng. Quy mô vốn chủ sở hữu 1.239 tỷ đồng, trong đó vốn góp của chủ sở hữu là 3.000 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, OGC ghi nhận doanh thu thuần đạt 850,4 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi chi phí, công ty này báo lãi sau thuế 176,8 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2022.
OGC trước là tập đoàn đa ngành của nhà ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Ocean Bank và OGC. Tuy nhiên, sau khi ông Thắm vướng lao lý cuối năm 2014, tập đoàn này lao dốc, rơi vào tình trạng thua lỗ triền miên và phải bán tài sản để xử lý nợ nần.
Các nhóm cổ đông chi phối Ocean Group
Sau nhiều năm lao đao, từ năm 2018, OGC bước sang giai đoạn khác khi nhóm cổ đông mới xuất hiện. Dù vậy, khó khăn sau đó vẫn còn và OGC vướng vào những lùm xùm xoay quanh tính pháp lý các phiên họp cổ đông, tư cách cổ đông của doanh nghiệp đại diện cho ông Hà Văn Thắm và những người liên quan. Các ĐHCĐ đều không suôn sẻ.
Cho tới ĐHCĐ thường niên 2022 (vào 29/4/2022), tình hình mới ổn định với tất cả nội dung của đại hội được thông qua, trong đó có nội dung miễn nhiệm và bầu bổ sung lại hầu như toàn bộ HĐQT và Ban Kiểm soát. Đây cũng là bước ngoặt “đổi chủ” hoàn tất tại OGC sau nhiều năm dai dẳng.
Đại diện của IDS Equity Holdings (một công ty quản lý tài sản rủi ro chuyên đầu tư vào những doanh nghiệp bị định giá thấp tại Việt Nam) được bầu làm Chủ tịch OGC. Chủ tịch mới Lê Thị Việt Nga đã lèo lái OGC từ tháng 4/2022 tới nay.
IDS Equity Holdings được biết đến là nhóm cổ đông nắm trên 51% vốn Ocean Group. Tuy nhiên, theo ĐTCK, còn một nhóm cổ đông liên quan đến đại gia tên tuổi, là lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản sở hữu trên 30%.
Trong khoảng thời gian cuối tháng 3 tới đầu tháng 4/2022, có tổng cộng khoảng 90 triệu cổ phiếu OGC, đương đương hơn 30% cổ phần lưu hành đã được chuyển nhượng. Đây cũng là giai đoạn nhiều cựu lãnh đạo và người liên quan OGC bán ra lượng lớn cổ phiếu.
Trong năm 2022, Ngân hàng HDBank (HDB) của nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo cũng trở thành cổ đông lớn của Ocean Group sau khi mua cổ phiếu xử lý nợ. Sau đó, HDBank giảm dần tỷ lệ nắm giữ tại OGC.
Trước đó, Cục Thi hành án Dân sự Thành phố Hà Nội nắm khoảng hơn 12% cổ phần OGC. Bên cạnh đó là Doanh nghiệp Tư nhân Hà Bảo (của gia đình ông Hà Văn Thắm) nắm hơn 5,3% cổ phần.
Tới giữa tháng 6/2023, theo báo cáo quản trị, Công ty TNHH Đầu tư và Quản lý Bảo Lâm Holdings - người có liên quan tới người nội bộ là thành viên HĐQT Nguyễn Thị Lan Hương, nắm giữ hơn 11,47 triệu cổ phần (tương đương 3,82%).
Hiện, Xây dựng Sông Hồng Bắc Việt cũng trở thành cổ đông lớn của Tập đoàn Đại Dương, với hơn 9%.
Nhóm IDS cũng đang nắm giữ nhiều cổ phần tại One Capital Hospitality (OCH) - công ty con của OGC.
Có thể thấy, cho tới thời điểm hiện tại, công cuộc sắp xếp, tái cấu trúc tại OGC đã ổn thỏa. Nhóm 3-4 cổ đông chính nắm giữ gần như toàn bộ Ocean Group và đang tập trung khởi động lại các dự án, đặc biệt các dự án bất động sản đất vàng của tập đoàn này.
Ocean Group từng là tập đoàn đa ngành hoạt động trong các lĩnh vực từ bất động sản, dịch vụ khách sạn với thương hiệu Star City, Sunrise hay trong lĩnh vực thực phẩm với thương hiệu kem Tràng Tiền, bánh Givral thông qua OCH. Ở thời kỳ đỉnh cao 2010-2013, OGC lãi cả nghìn tỷ đồng/năm.
Tính tới cuối quý II/2023, OGC còn một số dự án bất động sản có vị trí đắc địa như Tổ hợp văn phòng, TTTM, khách sạn và căn hộ cho thuê tại số 25 Trần Khánh Dư (Hà Nội) trên diện tích hơn 5.400m2; Dự án StarCity Westlake Hà Nội ở Trấn Vũ, Ba Đình (Hà Nội)…
OGC cũng còn mở rộng hoạt động sản xuất của Kem Tràng Tiền và bánh Givral và nghiên cứu để đầu tư, hợp tác đầu tư từ 1-2 dự án mới trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, kho vận, nhà ở…
>> Profile doanh nghiệp 7 ngày tuổi chi 200 tỷ đồng 'ôm' cổ phiếu OGC của Ocean Group