Lộ diện 2 ngân hàng sắp được chuyển giao bắt buộc
Hai ngân hàng này sẽ được thực hiện lễ chuyển giao bắt buộc trong năm 2024 hoặc 2025.
Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 7/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực rà soát tình hình tài chính và chuẩn bị sẵn sàng tài liệu sẽ tổ chức lễ chuyển giao 2 ngân hàng 0 đồng. Hai ngân hàng còn lại, trong nhóm các ngân hàng yếu kém, Thống đốc cho biết NHNN đang chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện nhanh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Về hai ngân hàng “0 đồng” sắp được chuyển giao, theo nguồn tin của VietNamNet, một trong hai ngân hàng là OceanBank đang trong quá trình hoàn tất những thủ tục cuối cùng để được chuyển giao về Ngân hàng TMCP Quân đội (MB ).
Ngân hàng còn lại là CBBank cũng đã có phương án xử lý, qua những động thái của các bên liên quan, có thể thấy nhà băng này sẽ được chuyển giao bắt buộc về Vietcombank .
Theo dự kiến OceanBank và CBBank sẽ được chuyển giao bắt buộc trong năm 2024 hoặc 2025.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên Vietcombank 2024, Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Tùng cho biết, ngân hàng đã hoàn thiện phương án, đang trình NHNN phê duyệt. Theo kế hoạch đang triển khai thì sẽ trong năm 2024. Để chuẩn bị, Vietcombank đã có giải pháp cụ thể, không bị động, đảm bảo suôn sẻ, đúng lộ trình.
Dù Vietcombank chưa chính thức công bố về danh tính ngân hàng mà nhà băng này sẽ nhận chuyển giao bắt buộc, song lãnh đạo Ngân hàng Xây Dựng (CBBank) từng xác nhận CBBank sẽ chuyển giao bắt buộc về Vietcombank.
Ngay từ năm 2015, Vietcombank đã hỗ trợ về kỹ thuật cho CBBank. Đến nay, đã triển khai phương án hỗ trợ kỹ thuật ngân hàng. Năm 2022, Vietcombank đã cho CBBank vay 10.000 tỷ đồng và 6.700 tỷ đồng vào năm 2023.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng MB Lưu Trung Thái nói nhà băng này "sẵn sàng với nhiệm vụ được giao, chỉ còn chờ Chính phủ duyệt". Ban lãnh đạo ngân hàng này cũng thông tin rằng đã hoàn tất thủ tục nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém, kỳ vọng sẽ hoàn thành trong năm 2024 hoặc 2025.
Trước đó, tại nhiều hội nghị Triển khai nhiệm vụ kinh doanh của Oceanbank, các lãnh đạo cao nhất của MB đều tham dự.
Hiện nay 4 ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu đang được kiểm soát đặc biệt gồm: Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn Cầu (GPBank), Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank), và Ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank).
Ngoài 4 ngân hàng nói trên, NHNN cũng đang triển khai các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đánh giá tổng thể thực trạng và chủ trương cơ cấu lại để có cơ sở xây dựng phương án cơ cấu lại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), từ đó sẽ có báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt. SCB là ngân hàng mới nhất bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022.
Việc kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung.
Trong lịch sử ngành ngân hàng, đã có nhiều ngân hàng từng rơi vào trường hợp kiểm soát đặc biệt nhưng sau đó đã phục hồi và phát triển mạnh.
>> Thống đốc NHNN: Sẽ tổ chức lễ chuyển giao 2 ngân hàng 0 đồng 
Nova Consumer bảo lãnh khoản vay 70 tỷ đồng của CTCP Thành Nhơn tại Vietcombank 
Một cổ phiếu VN30 được khuyến nghị MUA, kỳ vọng tăng 37%