Loại hình du lịch là ‘gà đẻ trứng vàng’ của Việt Nam nhưng phát triển chưa xứng với tiềm năng, chờ cơ hội được đánh thức
Đây là loại hình du lịch không mới và đã được nhiều quốc gia tập trung phát triển.
MICE viết tắt của 4 từ: Meeting, Incentive, Conference, Event. Du lịch MICE là loại hình du lịch chuyên biệt kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm,... du lịch khen thưởng của công ty cho nhân viên hoặc đối tác.
Du lịch MICE giúp nền kinh tế-xã hội, đặc biệt ngành du lịch của đất nước phát triển vượt bậc nếu quốc gia đó biết khai thác và thu hút du khách. Bởi, đoàn khách của du lịch MICE so với hình thức du lịch cá nhân hoặc nhóm đông hơn rất nhiều; đồng thời, họ là những người có địa vị quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, thu nhập cao nên mức chi tiêu cũng cao.
Hơn nữa, những hội nghị, hội thảo thuộc khuôn khổ du lịch MICE thường được tổ chức tại những khách sạn, resort sang trọng, cao cấp. Chính vì vậy, thu hút được khách du lịch MICE sẽ là cơ hội cho bất kỳ quốc gia nào nâng cao doanh thu và quảng bá hiệu quả hình ảnh du lịch đất nước mình đến bạn bè quốc tế.
Theo thống kê từ CBI (Trung tâm Xúc tiến Nhập khẩu từ các nước đang phát triển) thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan, thị trường đóng góp doanh thu cao nhất cho ngành du lịch là MICE. Trên toàn cầu, thị trường MICE thu về 916 tỷ USD năm 2019 và dự kiến năm 2030 đạt 1.780 tỷ USD.
Thái Lan và Singapore là những quốc gia tiên phong về du lịch MICE ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, Singapore lại quá hiện đại, khách du lịch chủ yếu đến để mua sắm. Trong khi đó, du khách MICE đang có xu hướng khám phá, trải nghiệm ở những nơi hoang sơ, gắn liền với thiên nhiên và cuộc sống. Vì vậy, với những lợi thế tự nhiên cùng truyền thống văn hóa được gìn giữ lâu đời, Việt Nam có đầy đủ những ưu thế để đáp ứng nhu cầu du lịch của khách MICE.
Tại Việt Nam, du lịch MICE ngày càng có những tín hiệu tích cực. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt gần 11,4 triệu lượt. Trong quý 1, loại hình du lịch MICE tăng mạnh với lượng khách và doanh thu tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho biết MICE là lĩnh vực phục hồi tốt nhất, chiếm khoảng 60-70% lượng khách hiện tại của Việt Nam.
Việt Nam sở hữu những tiềm năng như văn hóa; ẩm thực phong phú, đa dạng, đường bờ biển dài với nhiều địa danh du lịch nổi tiếng. Đồng thời, tình hình địa chính trị của Việt Nam ổn định, người dân hài hòa, thân thiện; đặc biệt, chi phí rẻ. Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam bứt phá.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Tuy nhiên, phát triển du lịch MICE của Việt Nam vẫn còn nhiều điểm hạn chế như: quy mô nhỏ lẻ; thiếu sự kết nối hệ thống liên ngành, liên vùng; năng lực cạnh tranh kém so với một số nước trong khu vực,...
Bên cạnh đó, chất lượng nguồn lao động vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu từ thị trường quốc tế. Chỉ có khoảng 30% nhân viên trong ngành MICE có đủ trình độ chuyên môn, kỹ năng để đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế (theo nghiên cứu từ Cục Du lịch Quốc gia năm 2020).
Chính vì những lý do trên mà ngành du lịch MICE dù rất có tiềm năng, giúp ngành du lịch cũng như nền kinh tế đất nước phát triển, nhưng chưa thực sự có những đóng góp đáng kể cho du lịch Việt đúng như tiềm năng và kỳ vọng.
Ông Phùng Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ MICE Việt Nam cho biết, ngành du lịch đang tìm kiếm những giải pháp để không ngừng thu hút và phát triển tệp khách hàng này. Trong đó, Việt Nam đang nỗ lực để hạ nhiệt giá vé máy bay , các hãng hàng không cần xem xét, điều chỉnh mức giá hợp lý. Để tăng sự hấp dẫn cho dịch vụ, các hãng hàng không có thể xem xét phương án thay vì hỗ trợ đêm nghỉ đầu cho khách bay sau 21h30-1,2h, có thể giảm trực tiếp vào giá vé.
Ngoài ra, ngành dịch vụ cũng cần có những giải pháp nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các khách sạn, nhà hàng để có thể phục vụ đoàn khách MICE với quy mô lớn lên đến từ 500-1.000 người. Cùng với đó, đầu tư vào đội tàu riêng đối với những điểm đến di chuyển bằng tàu thủy nhằm đảm bảo giờ giấc, sự thuận tiện cho hành khách cũng như giảm tải cho các phương tiện tàu chung.