Loạt hợp đồng chục tỷ USD đang gấp rút triển khai, Vietjet góp phần 'giải bài toán' thặng dư thương mại với Mỹ
Từ đầu năm 2025, Vietjet đã bắt đầu tiếp nhận những chiếc Boeing 737 Max đầu tiên trong đơn hàng 200 máy bay trị giá hơn 24 tỷ USD.
Ngày 9/4, hãng hàng không Vietjet (VJC ) và AV AirFinance đã ký kết thỏa thuận tài chính trị giá 300 triệu USD dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Hồ Đức Phớc, trong khuôn khổ chuyến công tác cấp cao của Chính phủ tại Hoa Kỳ.
Thỏa thuận này là một phần trong chuỗi hợp tác tài chính tổng trị giá 4 tỷ USD mà Vietjet đã ký kết với các đối tác hàng đầu của Mỹ, nhằm phục vụ kế hoạch phát triển đội tàu bay mới, dự kiến gần 300 máy bay sẽ được bàn giao trong giai đoạn 2025–2027.
![]() |
Phó Tổng giám đốc Vietjet Tô Việt Thắng (trái) và Tổng Giám đốc điều hành AV AirFinance Stephen Murphy (phải) ký kết thỏa thuận hợp tác tổng trị giá 300 triệu USD phát triển đội bay - Ảnh: VGP |
Đáng chú ý, từ năm 2025, Vietjet sẽ bắt đầu tiếp nhận những chiếc Boeing 737 Max đầu tiên trong đơn hàng 200 máy bay trị giá hơn 24 tỷ USD, từng được công bố vào ngày 27/2/2019 dưới sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm Việt Nam.
Bên cạnh Boeing, Vietjet hiện có mối quan hệ hợp tác chiến lược sâu rộng với các tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ như GE, Pratt & Whitney và Honeywell, với tổng giá trị hợp đồng gần 50 tỷ USD. Ngoài ra, các dự án khác đang trong quá trình đàm phán có giá trị khoảng 14 tỷ USD, nâng tổng giá trị hợp tác lên tới 64 tỷ USD. Trong đó, riêng lĩnh vực động cơ và dịch vụ kỹ thuật với GE và Pratt & Whitney đã đạt quy mô hơn 10 tỷ USD.
Không dừng lại ở hàng không, Vietjet cũng đang mở rộng hợp tác công nghệ với các tập đoàn như Microsoft, Apple, Google, và đàm phán với SpaceX nhằm phát triển các dịch vụ công nghệ trên toàn bộ đội tàu bay. Những hợp tác này được kỳ vọng sẽ góp phần rút ngắn chênh lệch thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ – một trong những vấn đề nhạy cảm và đang được đặc biệt quan tâm thời gian gần đây.
![]() |
Chủ tịch HĐQT Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump |
>>Vietjet 'làm nóng' thị trường hàng không với 4 đường bay mới đến Trung Quốc
Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã gây chú ý khi tuyên bố áp mức thuế 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam, đây là một trong những mức thuế cao nhất được đưa ra. Tuy nhiên, đến sáng 10/4 (giờ Việt Nam), ông Trump đã quyết định hoãn áp thuế trong vòng 90 ngày, mang lại cơ hội đàm phán cho Việt Nam.
Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất siêu số một của Việt Nam. Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt gần 150 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ lên tới 123,5 tỷ USD, là yếu tố được cho là gây sức ép khiến phía Mỹ áp dụng chính sách thuế quan mới.
Ngay sau khi Mỹ công bố quyết định tạm hoãn, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã có cuộc gặp trực tiếp với đại diện thương mại Hoa Kỳ. Tại đây, ông đề nghị hai bên sớm đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương, tạo khuôn khổ ổn định, lâu dài, thúc đẩy quan hệ kinh tế cùng có lợi và phù hợp với Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Phía Hoa Kỳ khẳng định coi trọng quan hệ với Việt Nam và cho biết, mức thuế cao xuất phát từ mức thâm hụt thương mại lớn của Mỹ với Việt Nam. Hoa Kỳ nhất trí khởi động đàm phán về một thỏa thuận thương mại đối ứng, trong đó bao gồm cả vấn đề thuế quan, và đề xuất các cấp kỹ thuật hai bên bắt đầu trao đổi ngay lập tức.
>>Vietjet sắp đến Mỹ 'chốt deal' 200 triệu USD để mua thêm máy bay mới
Ông Trump hoãn áp thuế, 3h sáng khách Mỹ gọi gấp doanh nghiệp Việt
Việt Nam 'kích hoạt' cơ chế đặc biệt cho tàu hàng xuất khẩu sang Mỹ trước 'giờ G' áp thuế