Bộ NN&PTNT cần sớm nghiên cứu và đề xuất phương án để ban hành các quy định xây dựng công trình kết cấu hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng trên đất lâm nghiệp; di dân, tái định cư ra khỏi phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng.
Đây là ý kiến của ông Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế NN& PTNT Việt Nam khi đề cập về việc hoàn thiện, bổ sung pháp luật về lâm nghiệp, nhằm đảm bảo hiệu lực thi hành của Luật Đất đai 2024.
Ông Hà Công Tuấn nêu rõ: Điều 9 của Luật Đất đai 2024 quy định nhóm đất nông nghiệp gồm 7 loại: Đất trồng cây hằng năm, gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác; đất trồng cây lâu năm; đất lâm nghiệp, gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất; Đất nuôi trồng thủy sản; đất chăn nuôi tập trung; đất làm muối; đất lâm nghiệp khác.
Nhóm đất chưa sử dụng đã được sửa đổi là đất chưa xác định mục đích sử dụng và chưa giao, chưa cho thuê. Đây là quy định mới so với luật hiện hành. Theo đó, đất lâm nghiệp gồm cả đất có rừng và chưa có rừng sau khai thác trắng hoặc đất trống, đồi núi trọc, núi đá, diện tích đất có mặt nước nội địa xen kẹp nằm trong hệ sinh thái tự nhiên bền vững không thể tách rời, được quy hoạch cho phát triển rừng bằng biện pháp trồng rừng mới, trồng tái canh hoặc khoanh nuôi tái sinh. Quy định này, theo ông Tuấn, khắc phục được thực trạng thống kê, quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp thiếu nhất quán hiện nay, là cơ sở để phát triển lâm nghiệp một cách bền vững hơn.
Về giao đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, ông Tuấn kiến nghị Bộ NN&PTNT khẩn trương rà soát quy định hiện hành, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các quy định xây dựng công trình kết cấu hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng trên đất lâm nghiệp; di dân, tái định cư ra khỏi phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng.
>> Gần 4 tỷ người sử dụng dịch vụ của Meta mỗi tháng 
Đồng quan điểm với ông Hà Công Tuấn, ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội chủ rừng Việt Nam nhìn nhận, nhiều năm qua, Nhà nước đã thực hiện giao đất giao rừng sản xuất cho các chủ rừng để thực hiện sản xuất trên đất lâm nghiệp. Đến nay, đã có trên 1 triệu hộ gia đình , cá nhân trong nước được giao hơn 3 triệu ha rừng, chủ yếu là rừng sản xuất.
Cùng với đó, đã có trên 10 nghìn cộng đồng hiện đang quản lý và sử dụng (gồm đã giao và tự công nhận) gần 1 triệu ha rừng, chủ yếu là rừng tự nhiên đặc dụng, rừng tự nhiên phòng hộ. Hiện vẫn còn khoảng 3,3 triệu ha rừng nghèo, rừng nghèo kiệt và đất chưa có rừng, chưa được giao cho các chủ thể, mà vẫn tạm để UBND cấp xã quản lý. Trong khi đó, cộng đồng dân cư thôn được giao rừng sản xuất nhưng không có các quyền như các chủ rừng khác, như quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, góp vốn kinh doanh  bằng giá trị quyền sử dụng rừng được giao.
Hệ lụy là, cộng đồng dân cư chưa thiết tha nhận đất để trồng rừng sản xuất, việc giao đất, giao rừng chậm. Việc hàng triệu ha rừng ở trong tình trạng nghèo kiệt, thậm chí vẫn còn là đất trống đồi trọc là rất lãng phí. Do đó, ông Ngãi đề nghị Nhà nước có cơ chế chính sách đẩy nhanh việc giao đất giao rừng để phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế  lâm nghiệp.
Ông Nguyễn Bá Ngãi kiến nghị, để phát triển hơn nữa chiến lược lâm nghiệp thời gian tới, các cấp có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu bổ sung các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024, trong đó thống nhất quy định về mã các loại đất lâm nghiệp và quy định cụ thể về đất sử dụng cho mục đích bảo vệ, phát triển rừng.
Ngoài ra, tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong quản lý rừng và đất lâm nghiệp, bên cạnh việc hỗ trợ thống kê, kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng, công nghệ  còn giúp giám sát rừng theo thời gian thực, phục vụ phòng chống cháy rừng, truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp.
>> Điểm sáng của ngành dệt may quý 3, May 10 (M10) vừa báo lãi sát mức kỷ lục