Luật Thủ đô 2024: mở cánh cửa cho quy hoạch, phát triển bền vững
Luật Thủ đô 2024 với nhiều nội dung mới, hướng đến việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trong lĩnh vực quy hoạch là cơ hội, lợi thế lớn để Hà Nội xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến – Văn minh - Hiện đại”.
Đột phá về cơ chế, chính sách
Mặc dù thời gian qua tốc độ đô thị hóa của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng tăng trưởng khá nhanh, nhưng chất lượng đô thị hóa chưa cao, trong đó có nguyên nhân liên quan đến cách tiếp cận lập quy hoạch. Điều đó thể hiện ở lý luận và phương pháp lập quy hoạch và phát triển đô thị chưa đáp ứng yêu cầu.
Quy hoạch đô thị chưa mang tính tích hợp, đa ngành, gắn kết với quy hoạch vùng, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư, thị trường bất động sản. Chất lượng đồ án quy hoạch đô thị còn hạn chế về tầm nhìn, dự báo, định hướng phát triển, điều kiện thực hiện.
Theo thạc sĩ, KTS Lê Hoàng Phương – Giám đốc Trung tâm Kiến trúc, quy hoạch Hà Nội – VIUP, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng, trong quá trình quy hoạch phát triển Thủ đô có một số vấn đề cần giải quyết như: liên kết vùng và kết nối yếu; chênh lệch phát triển giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn; phát triển đô thị, nhà ở chưa gắn với việc làm và dịch vụ; không gian đô thị, nông thôn phát triển tự phát, chưa theo quy hoạch; hạ tầng đô thị không đồng bộ, quá tải, tác động tiêu cực tới môi trường phát triển kinh tế - xã hội; chất lượng đô thị thấp, môi trường bị ô nhiễm; công tác quản lý phát triển đô thị - nông thôn gặp nhiều bất cập.
Về định hướng, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã quán triệt cần: “Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch...”. TS.KTS Trương Văn Quảng – Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhìn nhận, Luật Thủ đô 2024 đã trở thành công cụ, phương tiện quan trọng để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Cụ thể, trong 3 khâu đột phá cơ chế, chính sách; hạ tầng; nguồn lực... Luật Thủ đô được coi là khâu đột phá quan trọng về cơ chế, chính sách. Tất cả dường như đã hội tụ đủ cho một Thủ đô phát triển nhanh, bền vững. Với quyết tâm chính trị của toàn hệ thống “chỉ bàn tiến, không bàn lùi”… xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước như lời của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo và khẳng định.
Giải quyết thách thức bằng tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược
Từ thực trạng phát triển đô thị Thủ đô hiện nay, đối chiếu với những đặc trưng về phát triển đô thị “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, Hà Nội vẫn đang gặp khó khăn về thể chế, hạ tầng, môi trường và các yếu tố về không gian, hạn chế trong quy hoạch, năng lực và công tác quản lý.
Theo KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, mặc dù đã có Luật Thủ đô, nhưng thiếu các quy định vượt trội về thể chế, cách tiếp cận vẫn theo kiểu top-down truyền thống, thiếu thể chế để quản lý theo quy hoạch. Thể chế, mô hình quản trị của Hà Nội chưa đầy đủ, chưa phù hợp với yêu cầu đặc thù của Thủ đô. Nhiều nguồn lực như di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, mặt nước sông hồ... chưa được khai thác hiệu quả, phát huy tiềm năng, lợi thế để biến thành động lực, đột phá. Khoa học - công nghệ; y tế, giáo dục và đào tạo chất lượng cao; nguồn nhân lực, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo chưa đáp ứng yêu cầu, chưa thực sự bền vững.
Các đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Xuân Mai và Sơn Tây hay Khu Công nghệ cao Hòa Lạc... trong quá trình triển khai thực hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn do chậm tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm, sự phát triển thiếu tương xứng của hạ tầng giao thông. Mô hình phát triển chùm đô thị chưa đạt yêu cầu, chưa gắn kết phát triển nông thôn mới với đô thị hóa... thiếu cơ chế chính sách, tạo thuận lợi, thu hút doanh nghiệp cho sự phát triển này…
Việc di dời một số trụ sở bộ, ngành, cơ sở công nghiệp, một số trường đại học; hệ thống thương mại dịch vụ (các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ) là vấn đề vẫn còn đang tồn đọng trong một thời gian dài do chưa có lộ trình phù hợp và chưa cơ chế chính sách, tài chính đặc thù cho Hà Nội.
Công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị đã có nhiều đổi mới, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tạo chuyển biến tích cực về diện mạo Thủ đô theo yêu cầu đô thị xanh, sạch, đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại. Tiến độ thực hiện một số đồ án quy hoạch chậm, đặc biệt là quy hoạch các đô thị vệ tinh. Một số quy hoạch chưa cập nhật chính xác hiện trạng sử dụng đất, dự án được duyệt; có quy hoạch dự báo chưa sát với yêu cầu thực tiễn và phát triển của địa phương dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình lập dự án đầu tư...
Khẳng định, Luật Thủ đô 2024 đã đem lại giá trị thiết thực, tháo gỡ các nút thắt cản trở, vướng mắc để tạo động lực mới cho Thủ đô, trong đó phân cấp, giao quyền cho Hà Nội quyết định đầu tư công, các dự án theo hình thức công - tư (PPP), tạo cơ chế cho Hà Nội trong công tác giải phóng mặt bằng, đây là cơ hội để Hà Nội có những bứt phá trong xây dựng và phát triển Thủ đô; KTS Trần Ngọc Chính cho rằng cần có những nội dung cần thực hiện.
Cụ thể, trong bối cảnh Hà Nội đang hoàn thiện quy hoạch Thủ đô (được lập theo theo Luật Quy hoạch) và Điều chỉnh quy hoạch chung Hà Nội (được lập theo theo Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng) vừa phải bảo đảm tính kế thừa, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo, mâu thuẫn với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia, vừa phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược để tạo ra giá trị mới trong cả hai bản quy hoạch, đồng thời phải bám sát và cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII và các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban Bí thư, Bộ Chính trị và Quốc hội.
>>Chủ tịch UBND TP Hà Nội: mỗi cán bộ, công chức phải nắm vững quy định của Luật Thủ đô