Masan đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp khoáng sản Việt Nam
Tại hội nghị thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội sáng 21/9, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Masan, ông Nguyễn Thiều Nam đã kiến nghị những giải pháp phát triển công nghiệp khoáng sản.
Trong đó, việc phát triển công nghiệp khoáng sản công nghệ cao kết nối sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu theo định hướng của Chính phủ là một trong những trọng tâm kiến nghị được đại diện của Tập đoàn Masan  điểm rõ.
Hợp tác quốc tế để phát triển công nghiệp khoáng sản công nghệ cao
Đất hiếm là một loại khoáng sản đặc biệt, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực công nghệ kỹ thuật cao, đồng thời là một trong những nguyên liệu chiến lược để sản xuất chất bán dẫn. Tại Việt Nam, ước tính trữ lượng đất hiếm đạt khoảng 22 triệu tấn (chiếm hơn 18% trữ lượng đất hiếm thế giới), đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc với 44 triệu tấn (chiếm hơn 36% trữ lượng đất hiếm thế giới).
Theo báo cáo của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, tình hình khai thác, chế biến các mỏ đất hiếm của Việt Nam còn hạn chế. Nguyên nhân chính của việc chậm trễ này là do các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ chưa làm chủ công nghệ chế biến ra sản phẩm đạt yêu cầu cũng như chưa có công nghệ tách chiết ra các sản phẩm đất hiếm riêng rẽ. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ dừng lại ở công đoạn chế biến tinh quặng đất hiếm có hàm lượng ô-xít đất hiếm khoảng 30%.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện Tập đoàn Masan chia sẻ Masan đang sở hữu và vận hành mỏ vonfram Núi Pháo và nhà máy chế biến sâu vonfram tại Thái Nguyên, có số thuế đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh Thái Nguyên.
Theo định hướng của Chính phủ mong muốn các tập đoàn khai thác khoáng sản phát triển chế biến sâu và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Nguyễn Thiều Nam nêu rõ Tập đoàn Masan đã và đang xây dựng chiến lược phát triển mỏ vonfram theo định hướng này.
Để tiếp tục nâng cao, cải tiến kỹ thuật và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đại diện Tập đoàn Masan kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai khoáng chủ động liên kết với tập đoàn khai khoáng lớn trên thế giới có sở hữu công nghệ lõi, công nghệ cao trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi.
Tháo gỡ nút thắt cho doanh nghiệp, đẩy nhanh triển khai những chỉ đạo
Bên cạnh đó, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu, phát triển ngành công nghiệp chế biến thành ngành công nghiệp nặng mũi nhọn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Masan đề xuất Chính phủ xem xét không đánh thuế xuất khẩu cho các sản phẩm chế biến sâu từ khoáng sản, rà soát lại quy trình xin giấy phép khai thác và các chính sách thuế, gỡ những nút thắt ảnh hưởng đến tiến độ khai thác và mô hình tài chính bền vững của doanh nghiệp khoáng sản.
"Chúng tôi cũng cho rằng Trung ương và địa phương nên có cơ chế rõ ràng hơn về đơn vị đưa ra định hướng và quyết định với đơn vị thi hành để tránh việc chồng chéo gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ và các bộ ban ngành địa phương đẩy nhanh triển khai thực thi những chỉ đạo của Chính phủ, đơn cử như chỉ đạo kết luận số 226/TB-VPCP ngày 16/6/2023 về giải quyết các vấn đề còn tồn đọng liên quan đến tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của công ty trước ngày 31/7/2023. Tuy nhiên, đến ngày hôm nay công ty vẫn chưa được giải quyết", ông Nguyễn Thiều Nam chia sẻ.
Masan sẵn sàng hợp tác với các đối tác chiến lược, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam
Lãnh đạo Masan chia sẻ, Tập đoàn Masan luôn sẵn sàng hợp tác với đối tác chiến lược giàu tiềm lực và kinh nghiệm để phát huy tối đa thế mạnh, phục vụ người tiêu dùng, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Kiên định với chiến lược này, vào tháng 5, Tập đoàn Masan nâng tầm hợp tác chiến lược với Mitsubishi Materials Corporation Group, thành công nhận chuyển giao công nghệ tái chế, tinh chế vonfram.
Cụ thể, trong tháng 5, Masan công bố thông tin về việc ký kết hợp đồng mua bán giữa Mitsubishi Materials Corporation Group (MMC) và Masan High Tech Materials (MHT). Masan High-Tech Materials, công ty thành viên của Tập đoàn Masan, là nhà sản xuất hàng đầu thế giới về bột kim loại Vonfram và Cacbua Vonfram công nghệ cao, có các tổ hợp sản xuất tại Việt Nam, Đức, Canada và Trung Quốc và sở hữu 2 trung tâm nghiên cứu, phát triển tại Đức và Việt Nam.
Theo đó, là đối tác chiến lược, MMC cam kết tiếp tục hỗ trợ MHT và cùng nhau mở ra những hướng đi mới trên hành trình phát triển mảng kinh doanh vonfram. Trong tương lai, với cam kết hỗ trợ và nâng tầm hợp tác chiến lược với MMC góp phần giúp đào tạo, nâng cao chất lượng lao động của MHT nói riêng và của Việt Nam nói chung trong lĩnh vực tái chế, phát triển vật liệu công nghệ cao.
Tập đoàn Masan đã và đang xây dựng chiến lược phát triển chế biến sâu và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu theo định hướng của Chính phủ.
Trong tương lai, với những trợ lực từ Chính phủ giúp tạo điều kiện làm việc với tập đoàn khai khoáng lớn trên thế giới, tháo gỡ nút thắt về chính sách thuế, quy trình, thủ tục, doanh nghiệp khai khoáng Việt Nam sẽ vươn xa, bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
(Theo Dantri)
>>Tăng trưởng xanh giúp Tập đoàn Masan (MSN) thu hút hàng trăm triệu USD vốn ngoại