Mất 2/3 doanh thu, 'đại gia' kiểm toán Big4 gặp khủng hoảng nghiêm trọng ở Trung Quốc
Công ty kiểm toán Big 4 đang phải đối mặt với thách thức lớn khi làn sóng di cư doanh nghiệp khỏi Trung Quốc dẫn đến cắt giảm nhân sự và chi phí hàng loạt
Tập đoàn kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) tại Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng , khi mất khoảng 2/3 doanh thu từ các khách hàng niêm yết tại đại lục trong năm nay. Tình trạng này được cho thấy những dư âm của vụ bê bối kiểm toán liên quan đến tập đoàn bất động sản khổng lồ Evergrande vẫn ám ảnh các doanh nghiệp lớn tại Trung Quốc.
Theo số liệu từ cơ sở dữ liệu Wind Info của Trung Quốc, trong sáu tháng qua, PwC Trung Quốc đã mất ít nhất 561 triệu nhân dân tệ (tương đương 77 triệu USD) doanh thu từ việc kiểm toán các công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch đại lục. Con số này chiếm đến hai phần ba trong tổng số 869 triệu nhân dân tệ doanh thu từ mảng kiểm toán này trong năm 2023.
Hơn 20 công ty niêm yết tại Trung Quốc đại lục từng được kiểm toán bởi PwC đã chuyển sang các công ty kiểm toán khác. Trong số này có những khách hàng lớn như China Life Insurance thuộc sở hữu Nhà nước, đã trả phí kế toán là 65 triệu nhân dân tệ vào năm 2023, và China Railway Group, đã trả 33 triệu nhân dân tệ vào năm ngoái.
Báo Financial Times gọi đây là “cuộc đại di cư” của các doanh nghiệp lớn tại Trung Quốc đại lục, diễn ra trong bối cảnh PwC đang chuẩn bị đối mặt với khoản tiền phạt liên quan đến cuộc kiểm toán Evergrande.
Giáo sư Fan Zhongwen từ Đại học Thành phố Hồng Kông, một nhà phân tích độc lập đã đưa ra nhận định rằng đây là "một cuộc di cư bất thường nhất" mà PwC từng đối mặt. Ông nói: "Điều này không điển hình đối với PwC, cũng không phổ biến ở các đối thủ chính của công ty này như KPMG, EY hay Deloitte. Hồ sơ của công ty không nêu rõ lý do, nhưng rõ ràng là những thay đổi đang được thực hiện sau vụ bê bối của Evergrande".
Nhiều khách hàng bỏ đi đã buộc PwC phải tiến hành sa thải nhân viên  và áp dụng các biện pháp cắt giảm chi phí. Theo Viện Kiểm toán Công chứng Trung Quốc, PwC Trung Quốc đã kiếm được 7,9 tỷ nhân dân tệ vào năm 2022, trong đó 6,8 tỷ nhân dân tệ được ghi nhận là từ khách hàng tại đại lục, Hồng Kông, Hoa Kỳ và các thị trường khác.
Mặc dù PwC Trung Quốc từ chối bình luận về việc mất đi lượng lớn khách hàng, nhưng theo các thông tin nội bộ mà Financial Times tiếp cận được, ban lãnh đạo công ty đang cố gắng ngăn chặn hậu quả. Trong một email gần đây gửi tới các đối tác, công ty kêu gọi họ "giữ bình tĩnh" và "chuẩn bị đón nhận sự hỗn loạn sắp tới".
Tình hình này cho thấy ngay cả mối đe dọa về hình phạt cũng đang tác động mạnh mẽ đến ngành kiểm toán tại Trung Quốc, định hình lại cục diện thị trường trong thời gian tới. Cuộc khủng hoảng của PwC có thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ ngành kiểm toán tại Trung Quốc, đặc biệt là các công ty kiểm toán lớn khác trong nhóm Big 4."
PwC Trung Quốc, công ty kiểm toán lớn nhất nước này, đang chịu áp lực nặng nề sau vụ sụp đổ của Evergrande năm 2021. Mặc dù quy định Trung Quốc yêu cầu luân chuyển kiểm toán viên sau 8-10 năm, PwC đã kiểm toán Evergrande trong 14 năm liên tiếp đến năm 2023, luôn đưa ra kết quả hoạt động tài chính an toàn.
Gần đây, cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc cáo buộc Evergrande thổi phồng doanh thu gần 80 tỷ USD trong giai đoạn 2019-2020 và đã phạt công ty này 577 triệu USD vào tháng 5. PwC Trung Quốc cũng dự kiến sẽ bị phạt.
Đại cải tổ
PwC Trung Quốc đang phải tái cơ cấu mạnh mẽ. Công ty đã sa thải nhân viên tại nhiều chi nhánh như Quảng Châu, Thẩm Dương và Thượng Hải. Tại Thượng Hải, hầu hết nhân viên bộ phận dịch vụ tài chính được thông báo sẽ nghỉ việc từ tháng 7-8 và bị cắt giảm lương khoảng 80%. Nhân viên tại Hồng Kông cũng đã được yêu cầu nghỉ phép không lương nhiều ngày trong năm qua.
Bất chấp khó khăn, PwC vẫn là công ty kiểm toán lớn nhất Trung Quốc về doanh thu và được các doanh nghiệp nhà nước ưa chuộng nhất năm 2022, theo số liệu từ Hiệp hội Kế toán Công chứng Trung Quốc (CICPA). Dữ liệu của Wind cho thấy nhóm Big 4 chiếm 32% tổng phí kiểm toán của các công ty niêm yết tại đại lục, dù chỉ kiểm toán 7% số công ty.
Trong bối cảnh này, các đối thủ cạnh tranh đang tận dụng cơ hội để tuyển dụng nhân sự cũ của PwC và tiếp quản khách hàng. Một đối tác cấp cao tại một công ty đối thủ cho biết: "Nhiều nhân viên của PwC, kể cả các đối tác tại Hồng Kông và đại lục, đang tích cực tìm kiếm cơ hội mới. Tôi tin rằng các công ty lớn khác sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn đến trung hạn".
Đáng chú ý, PwC Trung Quốc vừa thay đổi lãnh đạo khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần đầu sau 9 năm vào tháng 7, với Daniel Li thay thế Raymund Chao. Li cũng sẽ giám sát các pháp nhân tại Hồng Kông và Ma Cao.
Phát ngôn viên PwC Trung Quốc cho biết công ty đang "thực hiện một số điều chỉnh để tối ưu hóa cơ cấu tổ chức phù hợp với nhu cầu thị trường" trước những thay đổi của môi trường kinh doanh. Tính đến năm 2022, PwC Zhong Tian (chi nhánh Trung Quốc của PwC) có 23 chi nhánh và 1.693 kế toán viên được cấp chứng chỉ.
Tình hình hiện tại của PwC Trung Quốc cho thấy thách thức trùng trùng, từ bối cảnh cuộc khủng hoảng bất động sản đang kéo nền kinh tế vào vòng xoáy suy thoái đến sự giám sát chặt chẽ hơn từ các cơ quan quản lý đối với hoạt động của các công ty kiểm toán quốc tế.
Theo Financial Times
>> Kinh tế Trung Quốc đối mặt thách thức kép: Cả sản xuất và tiêu dùng đều sụt giảm 
Trung Quốc chuyển hướng từ đồng sang nhôm, thị trường kim loại toàn cầu 'dậy sóng' 
PWC có thể dính án phạt kỷ lục vì để xảy ra bê bối gian lận lớn nhất lịch sử Trung Quốc