MB góp tối đa 5.000 tỷ vào MBV, chia cổ tức 35%, muốn bán vốn tại MCredit, MBCambodia
MB vừa công bố tài liệu phục vụ ĐHĐCĐ thường niên năm 2025, dự kiến tổ chức ngày 26/4.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - Mã: MBB ) vừa công bố tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025, dự kiến tổ chức ngày 26/4 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, số 57 Phạm Hùng, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Mục tiêu lợi nhuận tăng 10%
Tại đại hội, ban lãnh đạo MB sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 31.712 tỷ đồng, tăng gần 10% so với kết quả năm 2024 (28.829 tỷ đồng).
Ngân hàng cũng đặt mục tiêu tổng tài sản đạt gần 1,37 triệu tỷ đồng, tăng 21,2% so với cuối năm trước. Huy động vốn dự kiến tăng 23,3% và tăng trưởng tín dụng khoảng 23,7%, tùy thuộc hạn mức Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp.
MB đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1,7%, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II tối thiểu 9%. Một số chỉ số hiệu quả kinh doanh khác dự kiến tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu ngành như ROE 20-22%, ROA xấp xỉ 2% và CIR dưới 30%.
Đến cuối năm 2025, MB đặt mục tiêu đạt 34–35 triệu khách hàng và hướng tới 40 triệu khách hàng vào năm 2029.
Chia cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu với tỷ lệ 35%
Hội đồng Quản trị MB sẽ trình cổ đông phương án phân phối lợi nhuận năm 2024. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận sau thuế còn lại là 15.426 tỷ đồng, nâng lợi nhuận chưa phân phối lũy kế lên 23.752 tỷ đồng.
Theo đó, ngân hàng dự kiến dùng 21.556 tỷ đồng để chia cổ tức năm 2025, tương đương tỷ lệ 35%. Cụ thể, MB sẽ dành 1.831 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 3% và 19.726 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Ngân hàng dự kiến phát hành hơn 1,97 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 32%.Thời gian thực hiện kế hoạch trên là trong năm 2025, theo chấp thuận của cơ quan chức năng.
Ngoài việc nâng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, MB cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm 62 triệu cổ phiếu, tương đương mức tăng vốn điều lệ là 620 tỷ đồng. Đây là phương án đã được ĐHĐCĐ năm 2024 thông qua.
Trước đó, MB đã tăng vốn lên hơn 61.022 tỷ đồng sau khi hoàn thành đợt phát hành cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 15%. Nếu hoàn thành hai cấu phần tăng vốn trên, vốn điều lệ của MB dự kiến sẽ tăng từ hơn 61.022 tỷ đồng lên 81.368 tỷ đồng.
Ngân hàng cho biết nguồn vốn tăng thêm được sử dụng bổ sung vốn đầu tư tăng năng lực là 7,7 tỷ đồng (bao gồm việc đầu tư trụ sở MB ở khu vực phía Nam, miền Trung và/hoặc các khu vực khác có tổng mức đầu tư thấp hơn 20% vốn ngân hàng); đầu tư bổ sung vốn hoạt động, (mô hình kinh doanh mới, các hoạt động kinh doanh...) là 12,6 tỷ đồng.
Góp 5.000 tỷ đồng vào MBV, thoái vốn tại MBCambodia, MCredit
Tại Đại hội lần này, HĐQT cũng trình ĐHĐCĐ thông qua việc nhận chuyển giao bắt buộc (CGBB) và tiếp tục thực hiện các nội dung trong phương án CGBB (gồm cả các sửa đổi, bổ sung) đã được phê duyệt.
Cụ thể, MB sẽ góp vốn vào MBV tối đa 5.000 tỷ đồng. Trên cơ sở phương án được duyệt, MBV có thể chuyển đổi thành ngân hàng TNHH hai thành viên trở lên, ngân hàng liên doanh, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, sáp nhập vào MB hoặc theo hình thức khác phù hợp quy định pháp luật.
Ngoài ra, HĐQT cũng trình đại hội về việc chuyển đổi hình thức pháp lý Ngân hàng đại chúng TNHH MB Cambodia (MBCambodia) thành hình thức liên doanh/cổ phần/hình thức khác phù hợp pháp luật Campuchia; chuyển đổi hình thức pháp lý Công ty tài chính tín dụng tiêu dùng TNHH MB Shinsei (MCredit) thành hình thức công ty TNHH một thành viên/cổ phần.
Đồng thời dự kiến sẽ thực hiện góp vốn, mua, bán, chuyển nhượng, thay đổi tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp của MB dẫn tới MBCambodia, MCredit không còn là công ty con của MB.
Cùng với đó MB cũng lên kế hoạch thành lập Ngân hàng con tai Lào (trên cơ sở chuyển đổi Chi nhánh MB Lào) và thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện tại các quốc gia tiềm năng, môi trường kinh doanh thuận lợi và/hoặc có cơ hội phát triển mạng lưới của MB (như Hàn Quốc, Nhật Bàn, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan...).
Bên cạnh các nội dung trên, Ban lãnh đạo MB cũng sẽ đệ trình cổ đông thông qua nhiều vấn đề khác thuộc thẩm quyền Đại hội đồng cổ đông như: Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý tài chính phù hợp quy định pháp luật, Điều lệ MB, yêu cầu quản trị tại MB và ủy quyền Hội đồng Quản trị phê duyệt, ban hành; Việc triển khai các giải pháp khắc phục biến động lớn về tài chính của MB (nếu có) phù hợp quy định pháp luật và tình hình thực tế MB; Việc chào bán, phát hành, đăng ký niêm yết, giao dịch trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền trên hệ thống giao dịch chứng khoán ở trong nước và nước ngoài sau khi hoàn thành thủ tục chào bán, phát hành, phù hợp quy định pháp luật, hướng dẫn của Cơ quan có thẩm quyền; Quyết định thành lập, mua lại các tổ chức, công ty con, công ty liên kết, quỹ đầu tư hoạt độngtrong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ số, kinh doanh số, tài sản số và hoạt động có liên quan, trong trường hợp quy định pháp luật hoặc định hướng/chính;...