Metro Nhổn - Ga Hà Nội hết thời gian miễn phí, liệu còn đông khách?
Bắt đầu từ sáng ngày 23/8, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Cầu Giấy sau 15 ngày đón khách miễn phí đã chính thức mở bán vé.
Giá vé của tuyến đường sắt được quy định rất rõ ràng và cụ thể. Vé đi một chặng của tuyến là 8.000 đồng/lượt; đi cả tuyến là 12.000 đồng; vé ngày không giới hạn số lượt là 24.000 đồng; vé tháng là 200.000 đồng, ưu tiên học sinh, sinh viên là 100.000 đồng; vé tập thể không thuộc đối tượng ưu tiên là 140.000 đồng.
Trong những ngày đầu tiên hoạt động, tuyến đường sắt đô thị thứ hai của Hà Nội đã phá kỷ lục với lượt khách sử dụng rất cao. Sau 15 ngày sử dụng miễn phí, nhiều người dân sẵn sàng mua vé để tiếp tục sử dụng phương tiện di chuyển này.
Ghi nhận tại các ga, lượng hành khách giảm hơn so với những ngày tàu chạy miễn phí. Hành khách chủ yếu là nhân viên công sở và sinh viên .
Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên mở bán vé, nhìn chung đã ghi nhận những tín hiệu tích cực, đặc biệt vào giờ cao điểm buổi sáng, hầu hết các toa tàu đều kín chỗ. Điều này cho thấy dù miễn phí hay thu vé, việc sử dụng metro để di chuyển vẫn là lựa chọn tốt được nhiều người tin tưởng.
Người dân xếp hàng dài để chờ đến lượt mua vé, nhân viên của ga tàu cũng nhiệt tình giúp đỡ, hướng dẫn người dân hoàn thành quy trình mua vé. Do sắp kết thúc tháng 8, nên đơn vị vận hành chỉ áp dụng vé lượt và vé ngày cho hành khách. Nếu khách đi tàu có nhu cầu mua vé tháng, sẽ bắt đầu tiến hành từ tháng 9/2024.
Metro Nhổn - Cầu Giấy kết thúc 15 ngày vận hành miễn phí - Ảnh: Internet |
Với thiết kế tối đa 80km/h, dù chỉ dài 8,5km, ngắn hơn 2/3 lộ trình tuyến nhưng tuyến đường sắt Nhổn-Cầu Giấy  đi qua 11 điểm trường đại học. Chính vì vậy, đây sẽ là phương tiện thuận lợi, giá cả hợp lý dành cho học sinh, sinh viên sử dụng.
Trong 3 tháng đầu, tuyến metro Nhổn-Cầu Giấy sẽ hoạt động từ 5h30 đến 22h và thời gian giãn cách chạy tàu đều đặn 10 phút/chuyến. Sau này sẽ tiến hành điều chỉnh thời gian để phù hợp với nhu cầu đi lại của hành khách.
Để đảm bảo sự phát triển bền vững và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, tuyến đường sắt đô thị không thể dừng lại ở hiện tại mà cần liên tục cải tiến và tối ưu hóa. Hiện tại, tuyến Cát Linh – Hà Đông chỉ đạt tỷ lệ vận tải hành khách khiêm tốn, ở mức 19,5%. Điều này cho thấy còn nhiều việc phải làm để nâng cao hiệu quả sử dụng của hệ thống.
Với tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội, để tránh những hạn chế mà tuyến Cát Linh – Hà Đông đang gặp phải, việc nâng cấp và cải thiện hạ tầng kết nối là vô cùng cần thiết. Cụ thể, các khâu chuẩn bị như phát triển điểm đỗ xe, kết nối với mạng lưới xe buýt và các phương tiện giao thông khác cần phải được hoàn thiện hơn. Điều này không chỉ giúp tăng cường sự thuận tiện cho người dân mà còn giải quyết những bất cập hiện tại như tình trạng các nhà ga hoặc điểm đỗ xe còn quá xa và thường xuyên bị quá tải.
Để nâng cao hiệu quả của hệ thống giao thông đô thị, ngành giao thông vận tải Hà Nội cần quy hoạch và phân bổ không gian cho các điểm đỗ xe với tầm nhìn dài hạn, đặc biệt khi các tuyến đường sắt kết nối với nhau và các phương thức vận tải khác. Cần cải thiện chất lượng và vị trí các điểm dừng xe buýt sao cho gần các ga tàu, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng bằng cách tối ưu hóa lộ trình và tiện ích. Chỉ khi kết hợp các yếu tố này một cách đồng bộ, lượng khách sử dụng metro mới có thể ổn định và gia tăng.
>>Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Đề án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 
Ngành đường sắt tiếp tục bổ sung tàu 
Siêu cường châu Á giúp Việt Nam lập quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng