Trước các khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất miễn tiền chậm nộp thuế cho doanh nghiệp bị lỗ là giải pháp cần thiết…
Bộ Tài Chính đang lấy ý kiến về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội để miễn tiền chậm nộp cho doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong kỳ tính thuế năm 2022.
Cụ thể, Dự thảo Nghị quyết đề xuất, miễn tiền chậm nộp tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức bị thua lỗ trong năm 2022 nhằm hỗ trợ các đối tượng này giảm bớt khó khăn về tài chính, tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo Bộ Tài chính, tính đến thời điểm cuối tháng 12/2022, tổng số tiền thuế nợ ngành thuế đang quản lý là 134.967 tỷ đồng (bao gồm cả nợ đang xử lý và nợ đang khiếu nại), chiếm 9,2% tổng số thu ngân sách Nhà nước năm 2022.
Số nợ thuế năm 2022 có xu hướng tăng so với các năm trước, nguyên nhân chủ yếu do hậu quả của dịch COVID-19 vẫn còn có tác động xấu đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp. Mặt khác, giá dầu, nguyên vật liệu đầu vào có nhiều biến động ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực, ngành kinh tế dẫn đến người nộp thuế gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, kết quả kinh doanh thua lỗ nên không có khả năng nộp kịp thời tiền thuế nợ vào ngân sách Nhà nước làm tăng nợ thuế…
Về dự kiến tác động tới ngân sách, Bộ Tài chính cho rằng, việc thực hiện đề xuất này có thể làm giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đơn vị này, đây là số tiền chậm nộp của các doanh nghiệp bị thua lỗ, không có khả năng nộp ngân sách đúng hạn nên ảnh hưởng không lớn đến giảm thu ngân sách.
Thực tế, thời gian vừa qua, với việc Ngân hàng Nhà nước thắt chặt nhanh chính sách tiền tệ đã khiến cho thanh khoản thị trường bị thu hẹp, lãi suất tăng nhanh dẫn đến hạn chế khả năng tiếp cận tín dụng của nhiều doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, nhiều công ty trong lĩnh vực thủy sản, da giày, dệt may, thép, gỗ đang khó khăn trong việc tìm kiếm các đơn hàng cho năm 2023, càng khó khăn hơn trong việc đảm bảo dòng tiền để thanh toán các khoản nợ đến hạn và đảm bảo vốn kinh doanh.
Vì vậy, trước đề xuất của Bộ Tài chính, nhiều ý kiến cho rằng, đây là giải pháp cần thiết để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp, tổ chức để có thể yên tâm và sớm phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và tác động của các vấn đề kinh tế, chính trị quốc tế.
Đánh giá về đề xuất này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, đề xuất của Bộ Tài chính và Chính phủ về miễn tiền chậm nộp thuế thể hiện sự đồng hành với doanh nghiệp. Đây cũng là giải pháp phù hợp và thiết thực trong bối cảnh khó khăn hiện nay, bởi doanh nghiệp thua lỗ thì mới chậm nộp thuế.
“Điều này cũng giúp doanh nghiệp có thêm động lực để cố gắng ổn định sản xuất, phục hồi kinh doanh. Khi doanh nghiệp hoạt động tốt sẽ có đóng góp vào ngân sách để chung tay thúc đẩy kinh tế phát triển”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.
Hoan nghênh giải pháp miễn tiền chậm nộp thuế cho doanh nghiệp bị thua lỗ của Chính phủ, ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng thư ký, kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận, thực tế, việc thua lỗ trong năm vừa qua của nhiều công ty chủ yếu do bối cảnh khách quan khi thị trường thế giới biến động mạnh, tác động từ xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine khiến đơn hàng lao dốc. Chưa kể, lãi suất trong nước tăng cao đột ngột khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào trạng thái thiếu thanh khoản. Đến nay hầu hết công ty vẫn đang đối mặt với hàng loạt khó khăn.
Vì vậy, ngoài giải pháp đã nêu, ông Tuấn cũng đề nghị Bộ Tài chính và Chính phủ cần rà soát, xem xét để có thêm nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu giảm chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp. Chẳng hạn, bên cạnh việc tiếp tục thúc đẩy giảm lãi suất cho vay, có rất nhiều loại phí liên quan khi doanh nghiệp vay vốn, Ngân hàng Nhà nước cũng nên rà soát, yêu cầu các nhà băng cắt giảm.
Theo ông Tuấn, nhiều doanh nghiệp cũng đề xuất trong bối cảnh quá khó khăn có thể xem xét giảm phí công đoàn, bảo hiểm xã hội; cắt giảm các đợt thanh kiểm tra doanh nghiệp định kỳ. Hoặc như tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy đưa ra quá cao khiến doanh nghiệp để tuân thủ được phải bỏ ra rất nhiều chi phí…
“Chính phủ đã có một số giải pháp giãn thuế, giảm thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất… để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn. Mỗi bộ, ngành cũng cần phải xem xét lại để đề xuất miễn giảm thêm nhiều loại phí trong địa bàn mình phụ trách. Tinh thần này cần phải được thực hiện chủ động, xuyên suốt ở tất cả lĩnh vực”, ông Tuấn bày tỏ.
Bên cạnh các ý kiến đã nêu, đại diện một số doanh nghiệp cũng đề xuất, cùng với việc giãn, miễn phạt chậm nộp thuế, Bộ Tài chính cần có chính sách cụ thể để vực dậy cho các doanh nghiệp mang tính lâu dài hơn như giảm mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm các loại phí, thuế cho các thủ tục, dịch vụ hành chính, phối hợp với các bộ ngành xây dựng cơ chế cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, có đơn hàng. Và khi nguồn thu được nuôi dưỡng, giảm bớt mức độ đóng góp thuế, doanh nghiệp sẽ có cơ hội phát triển và ngân sách vì thế sẽ gia tăng thay vì chỉ miễn giảm phạt chậm nộp đối với các đối tượng kinh doanh vốn đã thua lỗ như đang đề xuất.